Một trong những vấn đề cốt lõi của tâm trí chúng ta là nó thường đưa ra những suy nghĩ mà trên hết, chúng đều rất mơ hồ. Những suy nghĩ ấy không hẳn là sai, nhưng lại cực kỳ thiếu chính xác – và điều này rất quan trọng, bởi sự thiếu chính xác ấy khiến ta không thể hiểu rõ mình thực sự cảm thấy gì, mong muốn gì, từ đó không thể định hướng cuộc đời mình đến những đích đến thỏa mãn và đúng đắn. Tâm trí dường như mắc phải một kiểu lười biếng mang tính định mệnh: nó thích chỉ ra các cảm giác và mong muốn một cách chung chung, thay vì đi sâu vào bản chất cụ thể của chúng. Nó tự động đưa ra những tiêu đề lớn thay vì chi tiết thực sự có giá trị và mang tính hành động, khiến ta gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch chính xác hay chẩn đoán những vấn đề thật sự của mình.
Chẳng hạn, khi nghĩ về loại công việc mình muốn làm trong tương lai, điều đầu tiên có thể xuất hiện trong đầu là nó nên mang tính “sáng tạo” hoặc liên quan đến “làm việc với con người”. Khi suy nghĩ về điều đang thiếu trong cuộc sống của mình, ta có thể nói đó là thiếu “niềm vui”. Ai đó hỏi ta về bữa ăn gần đây ở nhà hàng, ta có thể dùng từ “tuyệt vời” để miêu tả. Những cách diễn đạt này không sai, nhưng chúng lại thiếu đi sự cụ thể mà ta cần để thực sự hiểu rõ bản thân và hoàn cảnh của mình. Để tìm được công việc phù hợp, ta cần một cái nhìn chính xác hơn về tài năng và điều mang lại sự thỏa mãn cho mình thay vì chỉ dùng từ “sáng tạo”. Việc tái thiết lại đời sống tình cảm sẽ trở thành một hành trình mơ hồ nếu “thiếu niềm vui” là tất cả những gì ta có thể nói về vấn đề. Và gọi một bữa ăn là “tuyệt vời” chẳng giúp ta khám phá bí mật đằng sau một trải nghiệm ẩm thực thành công.
Để chống lại sự trì trệ của tâm trí, ta cần tự đặt cho mình những câu hỏi sâu hơn, cần phá vỡ những cảm giác mơ hồ ban đầu thành các phần nhỏ hơn, cụ thể hơn: điều gì trong sự “sáng tạo” thực sự khiến ta thích thú? Trong công việc hiện tại, những khoảnh khắc nào khiến ta cảm thấy không hài lòng? Khi nói “niềm vui”, thực ra ta đang muốn nói đến điều gì? Gần đây, có năm trải nghiệm nào mà ta thấy thật sự vui vẻ? Và ngược lại, những trải nghiệm đối lập với chúng là gì? Ta bắt đầu với những khái quát chung chung, nhưng nếu mọi thứ tiến triển tốt qua sự tự vấn, ta sẽ dần tìm ra những sự thật chi tiết và sắc nét.
©Flickr/Farhad Sadykov
Đây là một công việc khó khăn. Người đầu tiên nhận ra sự gian nan của việc tư duy tập trung và khai phá con đường ấy chính là triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates. Ông trở nên nổi tiếng ở Athens nhờ việc đứng giữa chợ, đặt những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản về mục tiêu mà những người đồng hương của ông đang theo đuổi trong cuộc sống. Họ thường trả lời ngay lập tức, với niềm tự tin mạnh mẽ, rằng họ quan tâm đến “công lý”, rằng họ ngưỡng mộ “lòng can đảm”, hay rằng họ yêu thích “cái đẹp” hoặc “nghệ thuật”. Và thay vì đồng tình hay phản đối, Socrates sẽ hỏi lại họ: “Công lý” nghĩa là gì? “Lòng can đảm” là gì? “Nghệ thuật” hay “cái đẹp” thực sự là gì?
Những câu hỏi này không hề bất công, bởi chính họ đang dựa rất nhiều vào những từ ngữ ấy. Nhưng chỉ sau vài phút trò chuyện sâu hơn, lúc nào cũng vậy, hóa ra họ chẳng thể diễn đạt rõ ràng điều họ thực sự muốn nói.
Socrates đã chỉ ra một điều rất căn bản: chúng ta vẫn thường cảm thấy rằng suy nghĩ của mình rất rõ ràng, nhưng nếu cố tình đưa chúng ra để phân tích thêm, ta sẽ nhận ra chúng thực ra rất mơ hồ. Vấn đề nằm ở chỗ: không có hệ thống cảnh báo nào bên trong tâm trí để nhắc nhở chúng ta rằng “Cẩn thận đấy, bạn đang mơ hồ! Bạn đang lập kế hoạch dựa trên những ý tưởng rối rắm!”. Vì thế, ta không dễ nhận ra tâm trí mình đang thiếu tập trung và rằng điều đó có thể khiến ta gặp nguy cơ lao vào những bãi đá ngầm hoặc mắc kẹt ở những vùng nước cạn.
Sự mơ hồ trở thành vấn đề khi nó khiến ta không thể xác định được điều gì thực sự quan trọng trong một tình huống cụ thể. Chúng ta có thể đang lảng vảng quanh khu vực đúng, nhưng không tiến sâu vào trọng tâm – dẫn đến việc suy nghĩ của ta trở nên vô dụng khi cần đưa ra hành động.
Hãy thử nghĩ, ta thích một bộ phim nhưng lại không thể giải thích tại sao. Khi ai đó hỏi, ta không biết miêu tả điều gì ở bộ phim đã khiến ta say mê hay ấn tượng. Đôi khi điều này không quá quan trọng. Nhưng nếu ta đang cố trở thành một nhà quay phim hay biên kịch, ta sẽ chẳng biết cách tái hiện lại điều đã truyền cảm hứng cho mình, trừ khi ta bắt đầu bóc tách và làm rõ những trải nghiệm mà mình thực sự cảm nhận được.
Khi tư duy, chúng ta thường giống như những người thợ mỏ đi tìm kim loại quý, nhưng ban đầu chỉ toàn đụng phải quặng tạp chất. Ta cần (nhưng thường không nhận ra mình cần) sàng lọc, tách chiết để tìm ra bản chất quý giá. Sự thiếu hụt trong việc định nghĩa rõ ràng đôi khi có vẻ chỉ là một mối lo hàn lâm, nhưng thực ra, đó chính là gốc rễ của biết bao nỗ lực thất bại và những mục tiêu sớm muộn cũng sẽ đổ vỡ.
Những từ ngữ lớn lao mà ta thường dựa vào – như lòng can đảm, tình yêu, công lý, niềm vui, nghệ thuật, gia đình– chỉ là lớp vỏ bề ngoài, chung chung, mang tính công cộng, bên trong đó, những trải nghiệm, những yêu thương và cả nỗi sợ của chính ta được chứa đựng một cách sơ sài. Nhưng ý nghĩa thực sự của chúng đối với ta thường mang tính cá nhân, cụ thể, sâu sắc và thậm chí có phần kỳ lạ hơn. Để hiểu bản thân, ta cần khám phá ra, theo cách riêng của mình, những từ ngữ ẩn giấu đằng sau những từ ngữ ấy.
Sự khác biệt giữa mơ hồ và rõ ràng chính là điều phân chia nghệ thuật xuất sắc với nghệ thuật tầm thường. Nhà văn Marcel Proust có một người bạn tên là Gabriel de la Rochefoucauld, từng viết một cuốn tiểu thuyết mang tên Người Tình và Bác Sĩ. Ông gửi bản thảo cho Proust để xin nhận xét. Proust, với phong cách lịch sự đặc trưng, đã trả lời: “Hãy nhớ rằng anh đã viết một tiểu thuyết xuất sắc và đầy sức mạnh, một tác phẩm bi thương tuyệt vời, được chế tác tinh tế và phức tạp.”
Tuy nhiên, có vẻ như tác phẩm bi thương tuyệt vời đó gặp một vài vấn đề, không ít trong số đó đến từ việc lạm dụng các sáo ngữ. Proust giải thích một cách nhẹ nhàng: “Tiểu thuyết của anh có những bức tranh phong cảnh lớn và đẹp đấy, nhưng đôi khi người ta muốn chúng được vẽ với nhiều nét độc đáo hơn. Đúng là bầu trời bừng cháy khi hoàng hôn, nhưng điều đó đã được nói quá nhiều lần rồi, và ánh trăng dịu dàng soi sáng cũng hơi nhàm chán.”
Tại sao Proust lại phản đối? Rốt cuộc, chẳng phải ánh trăng thường dịu dàng hay sao? Chẳng phải hoàng hôn nhìn như bừng cháy? Chẳng phải sáo ngữ chỉ đơn thuần là những ý tưởng hay đã được sử dụng rộng rãi?
Vấn đề với sáo ngữ không nằm ở chỗ chúng chứa đựng những ý tưởng sai lầm, mà là chúng chỉ là cách diễn đạt hời hợt của những ý tưởng vốn rất tốt. Quay trở lại vấn đề cốt lõi, sáo ngữ chính là sự mơ hồ. Mặt trời thường bừng cháy lúc hoàng hôn, ánh trăng dịu dàng là thật. Nhưng nếu ta cứ mãi nói điều đó mỗi khi thấy mặt trời hay mặt trăng, ta sẽ chẳng bao giờ chạm được đến cảm giác thực sự của chính mình.
Khi Proust xuất bản tập đầu tiên của tiểu thuyết Đi Tìm Thời Gian Đã Mất tám năm sau đó, ông cũng nhắc đến ánh trăng. Nhưng thay vì dùng những mô tả sáo mòn về ánh trăng, ông đã chọn một ẩn dụ độc đáo và chân thực hơn để truyền tải trải nghiệm sâu sắc của mình về vẻ đẹp của bầu trời:
“Thỉnh thoảng, trên bầu trời chiều, một vầng trăng trắng lặng lẽ bò lên như một đám mây nhỏ, e ấp, không phô trương, tựa một nữ diễn viên chưa đến lượt diễn của mình, chỉ bước ra sân khấu trong bộ quần áo thường ngày để xem các đồng nghiệp biểu diễn, nhưng vẫn đứng phía sau, không muốn thu hút sự chú ý.”
Một nghệ sĩ tài năng, trước hết, là người có khả năng dẫn dắt ta đi sâu vào từng chi tiết của những trải nghiệm đáng giá. Họ không chỉ bảo rằng mùa xuân “đẹp”, mà còn chỉ ra từng yếu tố tạo nên vẻ đẹp ấy: những chiếc lá mềm mại như bàn tay trẻ sơ sinh, sự đối lập giữa ánh nắng ấm áp và làn gió se lạnh, hay tiếng kêu non nớt của lũ chim non. Càng rời xa những lời khái quát để đến với từng chi tiết cụ thể, nghệ sĩ càng làm cho cảnh sắc trở nên sống động hơn trong tâm trí ta.
Điều này cũng đúng trong hội họa. Một họa sĩ vĩ đại không chỉ dừng lại ở ấn tượng tổng quát về vẻ đẹp, mà họ chọn lọc và nhấn mạnh những nét đẹp tinh túy của khung cảnh. Họ mô tả ánh nắng xuyên qua tán lá cây và phản chiếu lấp lánh trên vũng nước giữa con đường; họ làm nổi bật những vách núi gồ ghề trên đỉnh, hoặc cách những dãy núi và thung lũng nối tiếp nhau xa tít tầm mắt. Họ tự hỏi mình với một sự nghiêm khắc hiếm có: “Điều gì trong cảnh này thực sự khiến tôi say mê?” – rồi trung thực ghi lại những ấn tượng sâu sắc nhất của mình.
Mục tiêu không phải là trở thành nghệ sĩ hay triết gia, mà là thực hiện một việc mà cả hai vai trò này đều tự nhiên hướng đến: biến những khái quát thành chi tiết cụ thể, chuyển từ ấn tượng mơ hồ ban đầu sang những cảm nhận chân thực, rời xa sự mập mờ để đạt tới sự rõ nét – qua đó trao cho bản thân cơ hội tốt nhất để chạm đến những điều ta thực sự tìm kiếm.
Nguồn bài: THE TASK OF TURNING VAGUE THOUGHTS INTO MORE PRECISE ONES - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com