Carl Gustav Jung là nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, người đã làm thay đổi thế giới của tâm lý học hiện đại. Ông sáng lập ra trường phái tâm lý học phân tích và đặc biệt quan tâm đến việc diễn giải giấc mơ, các biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ.
Nếu Freud cho rằng vô thức là những dục vọng bị đè nén, thì Jung quan niệm rằng vô thức là thế giới tư duy của “bản ngã”, rộng lớn và phong phú. Vô thức, trong cái nhìn của Carl Gustav Jung, là một người bạn, người hướng dẫn, người cố vấn cho ý thức. Để nghiên cứu vô thức, ông bóc tách phương tiện thông đạt của nó - giấc mơ. Ngôn ngữ và “con người” của cõi vô thức chính là những biểu tượng trong giấc mơ.
Thông điệp chỉ dành cho người nằm mơ
Hiểu về học thuyết của Jung, ta hiểu rằng giấc mơ không phải một loại tài liệu mật mã cho số đông. Những gì ta thấy trong mơ là những thông điệp riêng tư của vô thức cá nhân. Các biểu tượng đó được vô thức cá thể chọn lọc và thường chỉ có ý nghĩa với người nằm mơ chứ không ai khác.
Bởi vì vô thức ít nhất là một nửa của toàn bộ hiện hữu của một con người, những thông đạt của vô thức có ý nghĩa quan trọng, thường có thể cho người đó lời khuyên hay chỉ dẫn mà vốn không thể có được từ nguồn nào khác. Theo nhà phê bình John Freeman, những người theo học thuyết Jung sẽ “dạy” được cho chính mình cách tiếp đón các giấc mơ.
Trong sách tội phạm học, giấc mơ được xử lý như sự thông đạt trực tiếp, riêng tư và đa nghĩa đối với người nằm mơ. Những biểu tượng trong mơ có thể là những biểu tượng chung của loài người, nhưng khi vô thức sử dụng biểu tượng theo cách thức cá nhân, các biểu tượng chỉ có thể được diễn giải bằng “chìa khóa” cá nhân. Chính vì tính chất cá nhân này, không có hai giấc mơ sử dụng các biểu tượng của vô thức theo cùng một cách.
Nắm bắt được giấc mơ, ta sẽ hiểu được các phương thức mà tinh thần con người hoạt động. Chính nhờ sự nghiên cứu các giấc mơ mà lần đầu các nhà tâm lý học có thể đi sâu vào phương diện vô thức của các biến cố tâm thần của ý thức.
Hình ảnh trong mơ thường đa dạng, nhiều phóng tưởng tinh vi và kỳ dị. Carl Gustav Jung tin rằng mỗi giấc mơ đều có một chức năng đặc biệt và ý nghĩa nào đó của riêng nó.
“Rất thường khi giấc mơ có một cấu trúc xác định, với mục đích rõ ràng, biểu thị một ý tưởng hay ý định ngầm ẩn, tuy rằng, như thường lệ, những ý tưởng hay ý định ngầm ẩn sẽ không thể lĩnh hội được ngay”, trích nội dung sách tội phạm học.
Trong quá trình xử lý giấc mơ, Jung xác định 2 điểm căn bản: Thứ nhất, giấc mơ phải được coi như một sự kiện, con người phải tránh một giả định trước; Thứ hai, giấc mơ phải được coi như một sự biểu diễn đặc biệt của vô thức.
Con người có xu hướng bác bỏ thông điệp trong mơ
Carl Gustav Jung cho rằng khi phân tích giấc mơ, ta chỉ nên phân tích những chất liệu vốn là thành phần rõ ràng và thấy rõ. Ở trang 33, Jung nêu ví dụ về trường hợp một bệnh nhân của ông. Trong giấc mơ, nam bệnh nhân nọ mơ thấy một người phụ nữ thô lậu nhếch nhác đang say bí tỉ và có vẻ như đó là vợ của anh ta (dù trong đời thực, vợ anh ta không như vậy).
Hiển nhiên, giấc mơ đó không đúng sự thật và bệnh nhân nọ bác bỏ nó như một thứ chiêm bao vô nghĩa. Thông qua việc phân tích, lý giải tại sao vô thức bệnh nhân nọ lại truyền tải một biểu tỏ sai lệch với thực tế như vậy, Jung cho rằng giấc mơ đang cố nói với người nọ rằng anh ta, về một vài phương diện, đang “hành xử như một người nữ suy đồi”.
Nhưng ông giải thích thêm rằng giấc mơ không bảo bệnh nhân hãy cư xử tốt hơn, việc giấc mơ quan tâm đến những huấn thị đạo đức cho thấy vô thức đang tìm cách cân bằng lại tình trạng nghiêng lệch của ý thức, vốn đang duy trì một hư cấu rằng anh ta xưa nay là một quý ông hoàn hảo.
Chính vì giấc mơ giao tiếp với chúng ta để cho ta biết về một khía cạnh ta không muốn chấp nhận, ta thường phớt lờ và phủ nhận nó. “Ý thức thường chống lại bất kỳ cái gì vô thức và chưa biết”. Theo Jung, đây là một biểu hiện của nỗi sợ những thứ mới lạ - misoneism.
Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung. Ảnh: ETH-Bibliothek.
Con người văn minh thực chất phản ứng với những ý tưởng mới không khác mấy so với cách người sơ khai phản ứng như một con thú hoang dã trước những sự kiện rủi ro. Họ dựng lên những rào chắn tâm lý để bảo vệ mình khỏi bị sốc khi đối mặt với một cái gì mới, khi bị cưỡng bách phải thừa nhận một tư tưởng gây sốc trong mơ.
Qua Con người và biểu tượng, ta thấy được giấc mơ có thể tiềm tàng nhiều thông điệp hữu ích, giúp con người hiểu rõ được bản dạng hơn. Khảo sát biểu tượng trong mơ chính là khảo sát mối tương quan giữa con người và cõi vô thức của riêng họ.
Không như phần lớn các nhà tâm lý học khác, Carl Gustav Jung không né tránh những hiện tượng không giải thích được hay những "điều huyền bí". Lý thuyết của ông cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các hiện tượng "không thể giải thích được" trong khi không phủ nhận khía cạnh huyền bí.
Bằng cách tiếp nhận những thông điệp trong các biểu tượng xuất hiện trong mơ, độc giả có thể nhìn thấu chính mình, xác định rõ hơn vị trí bản thể của mình đặt trong những môi trường văn hóa, xã hội cụ thể.
Xem sách tại
Fahasa: https://shorten.asia/u1rKAcRe
Shopee: https://shope.ee/8evr4wwQ6L
Sách Con người và biểu tượng do Carl Gustav Jung chủ biên. Ảnh: Minh Hùng.
Theo tamlyhoctoipham.com