Đức Phật dạy nhìn vào mọi thứ khởi sinh. Mọi thứ không ở yên. Nó xuất hiện rồi hết. Nó hết rồi xuất hiện lại, và xuất hiện rồi biến mất. Liên tục sinh diệt. Nhưng một người ngu mờ chưa được chỉ dạy thì không muốn mọi sự như nó là vậy. Nếu ta thiền tập và trở nên tĩnh lặng, ta sẽ muốn được yên như vậy và không muốn bị quấy nhiễu. Nhưng điều đó không là thực tế. Phật muốn chúng ta nhìn vào những sự kiện và hiểu rằng chúng chỉ là đánh lừa; hiểu được vậy thì ta được bình lặng. Khi chúng ta không hiểu về chúng thì chúng ta trở thành chủ nhân của chúng và cái bẫy chấp-ta (thân kiến) sẽ có mặt. Do vậy, chúng ta cần quay lại nguồn gốc để xem điều đó xảy ra như thế nào. Chúng ta cần phải hiểu cách của mọi sự đích thực là gì, cách mọi thứ tiếp xúc với tâm và cách tâm phản ứng. Và nếu làm được như vậy, chúng ta có thể được bình an. Đó là việc chúng ta phải điều tra, suy xét, suy niệm. Nếu ta không muốn mọi thứ diễn ra theo cách của chúng, thì ta sẽ không được bình an. Dù chúng ta có muốn trốn tránh, mọi thứ vẫn diễn ra theo cách của chúng; đó là bản chất của chúng. Nói nôm na, đó là chân lý, đó là lẽ thật. Vô thường, khổ, và vô ngã là bản chất của mọi hiện tượng. Mọi sự chỉ là vậy, như-đích-thực-chúng-là, nhưng chúng ta cứ thêm thắt và cảm nhận theo kiểu của ta. Đó là rắc rối.
Thiền Sư Ajahn Chah
Thực ra không khó để tạo ra trí tuệ. Điều đó có nghĩa là nhìn vào những nguyên nhân và hiểu được bản chất của mọi sự. Mỗi khi tâm bị kích động, ta cần nhận biết rằng “Điều này không chắc chắn. Vô thường!”. Khi tâm được tĩnh lặng, đừng nghĩ rằng tâm đã được bình an, bởi vì điều đó cũng không là chắc chắn.
Khi có ai hỏi ta thích ăn món gì nhất, đừng trả lời quá chắc, đừng nói rằng tôi thích nhất món A nào đó; vì điều đó là không chắc chắn. Vì nếu ta ăn nó mỗi ngày, ta cũng phát chán, và lúc đó câu trả lời lại có thể là mình chẳng thích món A đó. (Tất cả đều thay đổi, không có gì là chắc chắn).
Ta có hiểu được đó điều đó không? Một lúc nào đó ta có thể chán chường với những thứ mình đã thích. Điều này là do tất cả đều luôn thay đổi, và ta cần phải hiểu rõ về điều này. Vui sướng là không chắc chắn. Bất hạnh là không chắc chắn. Sự thích là không chắc chắn. Sự tĩnh lặng là không chắc chắn. Sự kích động là không chắc chắn. Tuyệt đối, mọi thứ là không chắc chắn. Do vậy khi có điều gì xảy đến, ta hiểu rõ về nó, và ta không bị cuốn theo nó. Tuyệt đối, tất cả mọi sự trải nghiệm đều không chắc chắn, bởi vì vô thường là bản chất của chúng. Vô thường có nghĩa là mọi sự đều không cố định, không bền chắc, và nói nôm na chân lý này là Phật. Vô thường, sự không chắc chắn, là chân lý. Chân lý có mặt để chúng ta nhìn thấy, nhưng chúng ta không thèm nhìn kỹ và nhìn rõ chân lý. Đức Phật nói rằng: “Ai nhìn thấy Giáo Pháp là nhìn thấy ta”. Nếu chúng ta nhìn thấy vô thường [bản chất không chắc chắn] bên trong mọi thứ thì sự chán bỏ đối với thế giới và sự buông bỏ sẽ khởi sinh trong tâm. “À, thì ra nó là vậy. Nó chỉ là như vậy thôi. Chẳng có gì to tát, chỉ là vậy thôi”. Tâm trở nên vững chắc về điều này “À, nó chỉ là vậy thôi!”. Sau khi đã nhận biết lẽ thật này, ta chẳng còn khó khăn gì khi quán chiếu về mọi sự. Khi ta gặp phải điều gì, tâm nói rằng “Nó chỉ là vậy thôi”, và điều đó hết ngay.
Chúng ta sẽ nhận thấy tất cả mọi hiện tượng chỉ là giả lừa; chẳng có gì bền chắc hay thường hằng; mọi thứ đều đang thay đổi không ngừng và đều mang bản chất vô thường, khổ và vô ngã. (Những lẽ thật này là bao trùm và xuyên suốt mọi sự sống). Giống như một hòn sắt được nun đỏ rực trong lò rèn. Có chỗ nào nguội không? Nếu muốn bạn cứ thử. Đụng trên, nóng cháy. Đụng dưới, nóng cháy. Đụng bên, nóng cháy. Vì sao chỗ nào cũng nóng?. Bởi vì nó là hòn sắt đã được đun nóng xuyên suốt từ trong ra ngoài. Nếu ta hiểu vậy, ta sẽ không rờ thử nó. Cũng đừng nhìn và cảm thấy nó đẹp và thích nó. Lỡ khi ta bị phỏng tay ta lại ghét nó. (Cũng vậy, quy luật vô thường bao trùm xuyên suốt mọi sự sống. Nếu ta hiểu vậy, ta sẽ không nắm chấp hay dính vào bất cứ thứ gì. Vì ta càng dính chấp, ta càng khổ đau. Nắm chấp thứ gì, khi nó thay đổi ta lại khổ đau và bất toại nguyện).
Chúng ta nên quán chiếu (chánh niệm, quán niệm, suy xét) về lẽ thật vô-thường mọi lúc mọi nơi, khi đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi. Ngay cả khi chúng ta đang đi vệ sinh, đang đi ngoài đường, đang ăn... chúng ta nên nhìn thấy được rằng mọi trải nghiệm của ta đều là thoáng qua và vô thường, và chúng cũng là khổ (bất toại nguyện), và vô ngã. Những thứ vô thường và không bền lâu thì không phải là chắc chắn và không phải là thực. Không ngoại trừ thứ gì, tất cả đều không thực. Giống như hòn sắt đỏ rực kia, chỗ nào cũng là nóng cháy, vì vậy ta không cần thử tìm chỗ không nóng làm gì. (Tất cả mọi thứ đều vô thường và không thực, không ngoại trừ điều gì. Vậy ta không cần cố đi tìm thứ thường hằng nữa. Thứ thường hằng duy nhất ở đây là sự vô thường).
Đây không phải là chỗ khó tu tập. Ví dụ, cha mẹ thường cảnh báo con cái không chơi với lửa: “Đừng đụng vào lửa. Nó rất tội phạm nguy hiểm”. Những đứa con có thể chưa tin hoặc chưa hiểu lời cha mẹ. Nhưng nếu chúng đụng vô lửa và bị bỏng cháy, chắc cha mẹ không cần phải cảnh báo hay giải thích về lửa nữa.
Dù tâm có bị hấp dẫn hay mê đắm vào thứ gì, hãy luôn nhắc mình “Điều đó là không chắc chắn! Nó là vô thường!”. Khi ta nhìn thứ gì, chẳng hạn một cái ly, thấy nó đẹp, ta đem cất giữ để tránh làm nó bể. Nhưng ta chợt nhớ lại “Chẳng có gì là chắc chắn”. Ta lại đem nó ra dùng, sau khi uống một hơi, ta đặt xuống bàn. Bụp. Nó bể.
Nó không bể bữa nay, ngày mai nó cũng bể. Ngày mai nó không bể, ngày sau nó cũng bể. Thứ gì sẽ đổ bể thì không chắc chắn, ta không nên đặt niềm tin chấp vào nó (để khỏi bị thất vọng).
Lẽ thật vô thường này chính là Giáo Pháp. Mọi thứ đều không bền chắc, không có thực, chỉ là giả lập. Chẳng có thứ gì là một thực thể trường tồn. “Chẳng có gì về chúng là thực cả!”, và chỉ điều này là đúng thực. Bạn có bàn cãi gì về lẽ thực này không?. Điều chắc chắn nhất là: sau khi sinh ra, ta già đi, bệnh, yếu, và chết. Đây là một thực tại chắc chắn và bất biến. Hãy luôn xem xét thấu suốt mọi sự với một tiêu chuẩn là “vô thường, không chắng chắn”. Cách xem xét như vậy sẽ chuyển thành một ‘chuẩn mực thường hằng và chắc chắn’ trong tâm ta, và từ đó ta không còn mang gánh nặng về thứ gì nữa.
Những vị đệ tử thời Đức Phật đã giác ngộ sự thật vô thường này. Từ sự giác ngộ lẽ vô thường, họ phát tâm buông bỏ và lìa bỏ đối với mọi thứ. Sự lìa bỏ trong tiếng Pali là nibbida. Sự chán bỏ, sự lìa bỏ này không phải do sân giận, ghét bỏ. Nếu do ác cảm, sân giận thì đó không phải đích thực là sự lìa bỏ theo nghĩa đạo Phật và do đó không thể trở thành một con đường đạo. Nibbida không phải là kiểu chán bỏ ghét bỏ theo ý nghĩa thông thường. Ví dụ ta đang sống trong nhà rồi xích mích người này người nọ, rồi đâm ra chán ghét và bỏ đi. Đó không phải là sự lìa bỏ theo ý nghĩa của đạo Phật. Đó chỉ là sự sân si của ta, sự ô nhiễm, sự không lành trong tâm cứ tăng lên. “Tôi ngán tận cổ cái nhà này rồi. Tôi sẽ từ tất cả và bỏ đi”. Đó chỉ là cái tâm sân giận, không lành và ô nhiễm. Đó không phải là sự lìa bỏ một cách lành mạnh theo ý nghĩa đạo Phật. Sự lìa bỏ trong đạo Phật là sự buông bỏ, sự không còn dính chấp vào thứ gì sau khi đã biết nó chỉ là giả tạm, giả lập, giả danh, không thực, luôn luôn biến đổi.
Một ví dụ khác là tâm từ metta. Chúng ta được dạy tu tập tâm từ, phải yêu thương mọi người và mọi chúng sinh. Chúng ta luôn tự nhắc mình “Mình không nên ghét giận mọi người. Mình phải từ bi thương xót với mọi chúng sinh. Thực vậy, những chúng sinh hữu tình đều rất đáng thương”. Chúng ta bắt đầu có cảm tình với họ, nhiều cảm tình, rồi lại cuối cùng bị dính vào ái cảm và ràng buộc vào họ. Hãy cẩn thận. Tâm từ lúc này đã biến thành tâm ái dục và si mê. Đó chỉ là sự yêu thương bình thường. Đó không phải tâm từ theo đúng Giáo Pháp. Đó là kiểu tâm từ lẫn lộn với cái ‘ta’ ích kỷ. Chúng ta muốn có gì đó (tình yêu thương, ái cảm) từ người khác và gọi đó là tâm từ. Đó không phải tâm từ đích thực, vì nó tạo ra sự dính mắc, sự ràng buộc, và có thể là dục vọng. Tương tự, sự chán bỏ thông thường là sự chán chường, chán ghét, mệt mỏi, ác cảm, muốn thoát ra khỏi trạng thái mà mình không thích. Đó là tâm trạng không lành và ô nhiễm. Đó chỉ là cách gọi cùng tên với chữ “lìa bỏ” theo nghĩa đạo Phật. Đó không phải là sự lìa bỏ của Đức Phật. Sự lìa bỏ của đạo Phật là sự lìa bỏ mang tính chất “lành thay”, do mình đã nhìn thấy được mọi sự chỉ là vô thường, giả tạm, và trống không.
(Người chán ghét bỏ nhà ra đi là do tâm sân si, không lành. Người xuất gia để đi tìm đường tu tập là do đã nhìn thấy lẽ sống là ngắn ngủi và đầy khổ đau bởi mọi thứ đều là vô thường giả tạm, chứ không phải do hờn ghét cha mẹ, anh em hay cái nhà đó mà bỏ đi tu. Người đi tu không có tâm sân si như vậy. Sự từ bỏ lành thay là giống như cách Thái tử Tất-đạt-đa đã làm vào cái đêm xuất gia khỏi kinh thành).
Điều này có nghĩa một người đã đi đến chỗ cái tâm đã trống không. Tâm trống không không còn sự tham chấp hay dính mắc vào mọi thứ. Điều này không có nghĩa là không có gì, không có người nào, hay không có thứ gì trên thế gian này. Vẫn có, có cái tâm trống không, có người, có những sự vật trên thế gian. Nhưng trong tâm nhận biết một sự thật, đó là: mọi thứ đều không chắc chắn. Mọi thứ đều diễn ra theo cách của chúng, theo đường lối tự nhiên của nhiều yếu tố sinh diệt khác nhau. Mọi sự đều sinh diệt theo cách tự nhiên của nó.
Ví dụ bạn có một cái bình đẹp và cảm thấy thích nó. Nhưng bản thân nó vẫn là vậy, bàng quan, chẳng dính gì đến việc bạn thích nó hay không. Chỉ là do bạn thích nó, quý nó, hay chết sống với nó gì gì đó mà thôi. Bạn có ghét nó thì nó vẫn là cái bình đó. Khi bạn khởi tâm thích hay ghét, bạn dính mắc vào nó. Chúng ta thường định kiến cái này tốt hoặc xấu. “Tốt” cũng là vấn đề. “Xấu” cũng là vấn đề. Cả hai đều là những ô nhiễm.
Chúng ta không cần phải chạy trốn khỏi mọi thứ; chúng ta chỉ cần nhìn vào và suy xét ngay điểm này. Vấn đề ở đây là cách của tâm. Khi chúng ta thích cái gì, đối tượng vẫn là như vậy. Khi chúng ta ghét cái gì, đối tượng đó cũng là như vậy, chẳng bị ảnh hưởng gì vì sự ghét của ta. Chỉ có ta là điên khùng, tất cả chỉ là vậy.
Ta cứ nghĩ thứ này là tốt, ta nhìn thứ kia là tuyệt vời, thực ra đó chẳng qua chỉ là những ý tưởng của ta mà thôi. Nếu ta tự tỉnh giác (hiểu biết rõ ràng), ta sẽ nhận ra tất cả mọi thứ đều như nhau. (Mọi thứ đều không phải vậy, luôn thay đổi và vô thường, chỉ là giả tạm, không chắc chắn). Nếu chúng ta nhìn thấy rõ ràng (tỉnh giác) thì mọi thứ đều như nhau. Khi bạn có tham dục, bạn muốn có thứ gì là “của ta” và không phải “của người khác”, vậy là có xung khắc. Khi chúng ta nhìn thấy mọi thứ là như nhau, chúng ta không thấy chúng thuộc về ai—chúng chỉ là những điều kiện có mặt theo lẽ tự nhiên của chúng. Dù là thức ăn ngon hay dở thì cũng chẳng khác nhau, khi nó đã vào bụng hoặc thải ra ngoài thì chẳng ai còn muốn lấy lại nó hay quan trọng gì về nó nữa. Chẳng ai tranh dành nhau nữa. (Ngon hay dở thì giờ cũng là phân). Khi chúng ta nhận biết tất cả mọi thứ theo một pháp này (một chân lý, một tiêu chuẩn nhận biết, một dhamma), rằng tất cả mọi sự thể trên đời có cùng bản chất, thì chúng ta buông tay, chúng ta đặt xuống, không còn nắm giữ gì nữa. Ta nhìn thấy chúng chỉ là trống không và ta không còn thích hay ghét gì chúng nữa; ta được bình an. Do vậy, “Niết-bàn là sự bình an cao nhất, niết-bàn là sự trống không tột cùng.”
Hãy nghe điều này. Hạnh phúc trên thế gian không phải là hạnh phúc cao nhất và tột cùng. Cái chúng ta tưởng tượng là trống không không phải là sự trống không tột cùng. Sự trống không tột cùng đồng nghĩa với sự chấm dứt mọi ràng buộc và dính chấp. Nếu có hạnh phúc tột cùng, thì có sự bình an. Nhưng sự bình an chúng ta từng biết và từng có trên đời này không phải là tột cùng. Hạnh phúc chúng ta từng biết và từng có không phải là tột cùng. Nếu chúng ta đạt đến niết-bàn, thì sự trống không là tột cùng. Hạnh phúc đó là tột cùng. Ở đó đã có một sự chuyển hóa. Tính chất hạnh phúc chuyển hóa thành sự bình an. Trên đời này có mặt hạnh phúc, nhưng chúng ta không cần phải đề cao về nó. Có cả khổ đau. Khi cả hai chúng có mặt, cứ coi chúng như nhau. Giá trị của chúng là như nhau. Những trải nghiệm về giác quan [thích hay không thích] thực ra chỉ là như nhau. Nhưng khi chúng tiếp xúc với chúng ta, chúng ta không coi chúng là như nhau. Thứ gì làm dễ chịu, ta vui sướng với nó. Cái gì làm khó chịu, ta muốn diệt bỏ nó. Bởi do vậy nên chúng mới trở thành khác nhau đối với chúng ta, nhưng sự thật thì chúng chỉ là như nhau. Chúng ta phải tu tập và tâm niệm như vầy: chúng là như nhau, đều là vô thường và không ổn định, không “ở lâu”, không chắc chắn. Cũng giống ví dụ thức ăn, chúng ta hay nói thức ăn này ngon, món này dở, món kia tuyệt vời. Điều đó không “ở lâu” và chắc chắn. Sau khi chúng đã được ăn vào bụng hoặc sau khi được thải ra ngoài, tất cả đều như nhau. Và ta chẳng còn nghe ai nói thêm rằng “nhìn nó ta muốn ăn thêm” hoặc “sao ta ăn nó ít quá”. Tâm lúc này không còn chạy theo ý thích và ý chê như trước đó nữa.
Nếu chúng ta không trải nghiệm được sự thật ‘vô thường, khổ, và vô ngã’, thì ta sẽ không chấm dứt được khổ. Nếu chúng ta chú tâm, chúng ta có thể nhìn thấy sự thật đó trong từng giây phút. Nó có mặt trong tâm này, trong thân này, và ta có thể nhìn thấy nó. Đây chính là nơi ta tìm thấy sự bình an.
(“Lẽ Sinh Diệt, Lý Tu Hành”, Quyển 1, 6, LKK)
Theo tamlyhoctoipham.com