Ngôn ngữ sinh ra để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thực tại. Số lượng từ ngữ mà ta sở hữu tỉ lệ thuận với khả năng diễn tả những gì ta mong muốn, những gì đang làm ta đau khổ, hay những gì đang khiến tâm trí ta rối loạn. Và khi đã gọi tên được chúng, ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ mà mình thực sự cần. Có thể những từ ngữ ấy không cần quá hoa mỹ hay mang theo bề dày lịch sử tội phạm, điều quan trọng là chúng giúp được ta. Đó cũng chính là lý do một trong những thuật ngữ hữu ích nhất của tâm lý học hiện đại ra đời: Hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp (Complex PTSD, hay C-PTSD).
PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder) – hay Hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp – lần đầu được công nhận vào năm 1980, mô tả những chấn thương tâm lý bắt nguồn từ một sự kiện ngắn ngủi nhưng khủng khiếp: như chiến tranh, tội phạm hiếp dâm, tai nạn, hay tội phạm khủng bố. Đến năm 1994, C-PTSD được xác định là một dạng tổn thương tâm lý cũng nghiêm trọng không kém, nhưng kéo dài qua một thời gian rất dài, thường là suốt 15 năm đầu đời. Đó có thể là sự bỏ mặc về mặt cảm xúc, sự sỉ nhục, bạo hành, bắt nạt, đổ vỡ trong gắn kết gia đình, hoặc môi trường đầy giận dữ và bạo lực.
Có tới 20% chúng ta – cứ 5 người thì 1 – đang lang thang khắp thế giới này với những tổn thương của chứng C-PTSD mà không hề hay biết. Chúng ta cảm thấy bất ổn nhưng không thể đặt tên cho vấn đề của mình, không liên kết được các triệu chứng và không biết tìm đến ai hay cách điều trị nào có thể giúp mình thoát ra.
Dưới đây là 12 dấu hiệu thường gặp của C-PTSD. Bạn có thể tự kiểm tra xem mình có mắc phải những dấu hiệu nào (nếu có hơn 7 dấu hiệu, có lẽ đã đến lúc bạn nên chú ý lắng nghe bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp):
1. Cảm giác rằng chẳng có gì an toàn
Dù ở bất cứ đâu, bạn luôn nơm nớp lo sợ rằng điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. Bạn sống trong trạng thái cảnh giác cao độ. Trong tâm trí bạn, tai họa ấy thường là một sự sụp đổ đột ngột, nơi bạn bị lôi khỏi cuộc sống hiện tại, bị sỉ nhục, có thể bị giam cầm và tước đoạt mọi thứ tích cực. Bạn không nhất thiết sẽ bị giết, nhưng về mọi mặt, cuộc đời bạn coi như chấm dứt. Những người xung quanh có thể cố thuyết phục bạn bằng logic rằng mọi chuyện sẽ không tệ đến thế, nhưng logic chẳng giúp ích gì. Đây là một chứng bệnh, không phải sự nhầm lẫn đơn thuần.
2. Không bao giờ thực sự thư giãn
Cơ thể bạn luôn trong trạng thái căng cứng. Bạn có thể không chịu được việc bị chạm vào, đặc biệt là ở một số vùng cơ thể nhất định. Ý tưởng tham gia yoga hay thiền định không chỉ không hấp dẫn mà thậm chí còn khiến bạn cảm thấy khó chịu, thậm chí sợ hãi (bạn có thể mỉa mai gọi đó là trò "đạo đức giả của dân hippie"). Sự lo âu của bạn có mối liên hệ trực tiếp đến hệ tiêu hóa, khiến bạn gặp nhiều vấn đề về đường ruột.
3. Khó ngủ và thường thức dậy rất sớm trong trạng thái hoảng hốt
Bạn hầu như không thể ngủ ngon. Mỗi buổi sáng, bạn tỉnh dậy rất sớm, thường với cảm giác hoảng loạn – như thể việc nghỉ ngơi khiến bạn hạ thấp sự phòng vệ và rơi vào trạng thái nguy hiểm hơn bao giờ hết.
4. Cái nhìn đầy ác cảm về bản thân
Sâu trong lòng, bạn mang một hình ảnh vô cùng xấu xí về chính mình. Bạn ghét bản thân. Bạn thấy mình xấu xí, quái dị, ghê tởm. Bạn tin rằng mình là người tồi tệ, có lẽ là kẻ tồi tệ nhất trên thế giới. Đặc biệt, bạn cảm thấy xấu hổ với ham muốn tình dục của mình – như thể chúng thật sai trái, đáng kinh tởm và đầy nhục nhã.
5. Bị thu hút bởi những người luôn xa cách
Bạn thường bị hút về phía những người không sẵn sàng gần gũi hoặc gắn bó. Bạn tự nhủ rằng mình ghét những người "đòi hỏi" hay "phụ thuộc", nhưng thực tế, điều bạn né tránh là những người quá sẵn sàng dành sự ấm áp hay yêu thương cho bạn. Bạn bị hấp dẫn bởi những người thờ ơ, khó gần, hoặc những người đang vật lộn với chính những vấn đề chưa được giải quyết của họ.
6. Bạn thấy buồn nôn trước những người muốn gần gũi với mình
Những ai cố gắng tiếp cận và tỏ ra thân mật với bạn dễ bị bạn gán cho những cái nhãn như “quá nhão nhoẹt”, “đáng ghê tởm” hay “thật thảm hại.”
7. Bạn dễ nổi nóng một cách mất kiểm soát
Có lúc bạn bùng nổ cơn giận với người khác, nhưng thường thì bạn trút nó lên chính mình. Thực tế, bạn không chỉ đơn thuần là giận dữ, mà là cực kỳ lo lắng – lo sợ rằng mọi thứ sắp trở nên kinh khủng lần nữa. Bạn hét lên vì bạn hoảng loạn. Bề ngoài bạn trông có vẻ tàn nhẫn, nhưng thực ra, bạn hoàn toàn bất lực.
8. Bạn mang tâm lý hoang tưởng
Bạn không nghĩ rằng người khác sẽ bỏ độc vào thức ăn hay theo dõi bạn trên đường phố, nhưng bạn tin rằng họ luôn tìm cách chống lại mình, lợi dụng mọi cơ hội để hạ bệ và làm bạn nhục nhã. Những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội – nơi dễ dàng trở thành môi trường tàn nhẫn và ngẫu nhiên nhất – có thể thu hút bạn một cách mê mải, vì nó dường như phản chiếu thế giới nội tâm của bạn: vô tình, lạnh lẽo và đầy ác ý.
9. Bạn sợ hãi con người đến mức chỉ muốn ở một mình
Bạn cảm thấy những người khác thật nguy hiểm và mệt mỏi. Ý nghĩ được sống cô lập – thậm chí dưới một tảng đá – trở nên vô cùng hấp dẫn. Có những lúc, bạn mơ về sự bình yên khi không bao giờ phải gặp gỡ ai nữa.
10. Bạn không nhận mình có ý định tự tử, nhưng cảm giác không muốn tồn tại vẫn len lỏi
Bạn không nghĩ đến việc tự chấm dứt cuộc đời, nhưng việc sống khiến bạn kiệt sức và đau khổ đến mức đôi khi bạn ước gì mình không còn phải tồn tại nữa.
11. Bạn không dám sống theo cảm hứng
Sự tự phát làm bạn bất an. Bạn khắt khe với các thói quen hàng ngày, cần mọi thứ diễn ra theo đúng trật tự để xua tan nỗi sợ hỗn loạn đang rình rập. Bạn có thể dọn dẹp rất nhiều. Những thay đổi bất ngờ trong kế hoạch đôi khi trở thành cơn ác mộng, vì chúng không khác gì sự sụp đổ mà bạn luôn ám ảnh.
12. Bạn lao vào công việc để tìm kiếm sự an toàn
Bạn có thể đắm mình trong việc kiếm tiền, danh vọng, uy tín hay địa vị với hy vọng tìm thấy cảm giác an toàn. Nhưng nỗ lực này chẳng bao giờ mang lại hiệu quả. Nỗi sợ hãi và sự ghê tởm bản thân nằm sâu trong bạn đến mức không gì từ bên ngoài có thể lấp đầy. Dù hàng triệu người tung hô bạn, chỉ cần một lời chê bai cũng đủ khơi dậy mọi tổn thương cũ kỹ bạn đã chôn giấu. Những lúc nghỉ ngơi – như khi về hưu hay trong kỳ nghỉ – có thể khiến bạn căng thẳng tột độ vì chúng buộc bạn đối diện với chính mình.
Vậy làm thế nào để chữa lành những triệu chứng đau đớn này?
Một phần của quá trình chữa lành là bạn cần nhận ra rằng mình đã đi qua một điều gì đó rất khủng khiếp mà đến giờ vẫn chưa thực sự xử lý được. Lý do là bạn chưa bao giờ có một môi trường đủ an toàn và tử tế để làm điều đó. (Điều kiện ấy vốn dĩ đã khó tìm, và đôi khi chính bạn cũng vô tình né tránh nó.)
Bạn không ổn không phải vì bạn yếu đuối, mà bởi vì những gì đã xảy ra trong quá khứ thực sự rất tồi tệ. Khi còn nhỏ, có ai đó – có thể chính là cha mẹ bạn – đã khiến bạn cảm thấy vô cùng bất an. Họ làm bạn tin rằng chẳng có điều gì ở bạn là chấp nhận được. Nhân danh sự “dũng cảm,” bạn phải chịu đựng những mất mát, chia lìa đau đớn lặp đi lặp lại suốt nhiều năm. Không ai động viên, trấn an rằng bạn có giá trị. Bạn bị phán xét một cách tàn nhẫn.
Những tổn thương ấy có thể hiển hiện rõ ràng, nhưng thường thì chúng diễn ra một cách âm thầm trong những bối cảnh tưởng chừng vô hại. Một vị khách tình cờ ghé qua có thể không nhận ra điều gì bất thường. Có thể vẫn còn câu chuyện rằng bạn thuộc về một gia đình hạnh phúc. Một phát hiện lớn từ nghiên cứu về C-PTSD là: sự bỏ mặc về mặt cảm xúc trong những gia đình có vẻ ngoài thành đạt có thể gây tổn thương sâu sắc không kém gì bạo lực ở những gia đình nghèo khổ.
Nếu những điều này chạm đến bạn, hãy ngừng cố gắng “dũng cảm” thêm nữa. Hãy cho phép mình cảm thông với chính bản thân – điều này có thể không dễ dàng, vì chúng ta thường rất nghiêm khắc với chính mình. Bước tiếp theo là tìm một nhà trị liệu hoặc tư vấn viên chuyên về C-PTSD, đặc biệt là người có phương pháp trị liệu dựa trên hiểu biết về chấn thương tâm lý. Phương pháp này nhấn mạnh vào việc dành sự cảm thông sâu sắc cho con người bé nhỏ của bạn trong quá khứ, giúp bạn can đảm đối diện với những tổn thương và nhận ra ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống hiện tại.
Điều cảm động và cũng thật giản dị là: nguyên nhân gốc rễ của C-PTSD là sự thiếu vắng tình yêu. Và con đường chữa lành cũng khởi đầu từ chính điều ấy: chúng ta cần học cách yêu thương một người mà ta đã ghét bỏ một cách bất công bấy lâu nay – chính là bản thân mình.
Nguồn: SIGNS YOU MIGHT BE SUFFERING FROM COMPLEX PTSD - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com