Để phục hồi sau nhiều loại khủng hoảng tinh thần, không cách nào khác là phải dấn thân vào tâm lý trị liệu.
Dù có vẻ phức tạp, nhưng những ý tưởng trung tâm của tâm lý trị liệu có thể tóm tắt như sau:
1. Mỗi người đều có phần nào đó mắc phải các chứng loạn thần. Loạn thần là bất kỳ lối suy nghĩ hay hành vi nào ngăn chặn sự phát triển trọn vẹn của tính cách và tiềm năng của chúng ta. Chúng ta có thể gặp loạn thần trong tình yêu, công việc, tình bạn, hay trong các thái độ đối với sáng tạo và chính trị. Mỗi người cần tự tìm hiểu để giải mã những phần méo mó trong tính cách mình. Câu hỏi "Anh/chị loạn thần ở chỗ nào?" không phải là xúc phạm, mà là một lời khích lệ ân cần để khám phá thêm về cái khía cạnh không hoàn hảo của chính mình.
2. Nguồn gốc của đa số chứng loạn thần nằm ở thời thơ ấu, khi chúng ta còn quá non nớt để xử lý mọi biến cố theo cách của người lớn. Những đau đớn khó hiểu, tàn nhẫn và không thể chịu đựng được — chúng ta gọi chung là “tổn thương” — chính là nguyên nhân gây ra loạn thần. Một tổn thương có thể là một cú sốc như bạo lực tình dục, hoặc đơn giản hơn, như những lời phê bình nhỏ nhặt liên tục hay sự thờ ơ cảm xúc trong nhiều năm. Tổn thương là điều mà đứa trẻ không thể hiểu nổi, gây ra cú đánh nặng nề vào lòng tự tin, khả năng tin tưởng, trí tuệ và tình yêu của nó.
3. Sự thiếu sót của cha mẹ sẽ dẫn đến loạn thần. Nếu cha mẹ quá kiểm soát, con sẽ gặp khó khăn với tính tự chủ. Nếu cha mẹ luôn coi thường, con sẽ thiếu tự tin. Nếu có yếu tố gợi dục hay tranh giành, sẽ xuất hiện sự xấu hổ và tội lỗi. Mỗi khiếm khuyết của cha mẹ đều để lại dấu ấn trên con trẻ.
4. Không có cha mẹ nào là hoàn toàn "bình thường". Thay vì phủ nhận lỗi lầm, cha mẹ cần thẳng thắn thừa nhận, thậm chí hài hước mà chấp nhận những gì đã truyền lại, rồi giúp con hiểu những khó khăn mà họ vô tình gây ra.
5. Tổn thương dẫn đến sự dồn nén, và sự dồn nén dần sinh ra các triệu chứng loạn thần. Các chứng loạn thần chưa được hiểu rõ sẽ tiếp tục tồn tại mãi mãi, thời gian không thể làm yếu chúng đi.
6. Chữa lành đến từ sự tự nhận thức. Để cải thiện, chúng ta cần phá vỡ lớp bê tông của sự dồn nén và nối lại với những tổn thương gốc rễ. Đầu tiên là phải chấp nhận rằng tự hiểu về mình sẽ là một điều hữu ích. Chúng ta cần tin rằng tự tri là con đường cứu rỗi.
7. Hiểu về quá khứ là chưa đủ; ta còn phải cảm nhận nó. Dù chúng ta có nhớ các sự kiện tuổi thơ, nhưng hiểu biết đơn thuần sẽ không giúp ích. Ta cần phải thực sự “tái trải nghiệm” quá khứ để giải phóng mình khỏi ảnh hưởng của nó. Các chứng loạn thần sẽ yếu dần hoặc tan biến khi những tổn thương ẩn giấu được thấu hiểu và, quan trọng hơn, được cảm nhận.
Đó là thách thức — và là lời hứa hẹn — của tâm lý trị liệu.
Nguồn: WHAT YOU NEED TO KNOW ABOUT PSYCHOTHERAPY
Theo tamlyhoctoipham.com