Tại một căn phòng trên tầng cao của Bảo tàng Ashmolean ở Oxford, có treo một bức tranh nhỏ của họa sĩ Đan Mạch thế kỷ 19, Claus Anton Kølle. Kích thước chỉ tương đương một tờ giấy A4, bức tranh khắc họa một sân trong ở Rome, với bức tường vàng, mái kính nhà vườn, nhiều loại cây xanh và, nổi bật nhất, ở trung tâm của tán lá rậm rạp, là vài quả cam vàng rực.
Claus Anton Kølle, A Courtyard in Rome, 1860
Đôi khi, ta tự hỏi nghệ thuật có ý nghĩa gì. Nó được xã hội tôn vinh, nhưng mục đích cốt lõi của nó vẫn còn là điều bí ẩn. Tại sao chính phủ lại tài trợ cho các bảo tàng? Vì sao chúng ta đưa trẻ em đến thăm các phòng tranh? Vì sao dành cho những bức tranh sự tôn trọng lớn lao trong khi thế giới ngoài kia có vô số ưu tiên cấp thiết hơn?
Bức tranh của Kølle mang đến một câu trả lời: nghệ thuật tồn tại để hướng sự chú ý của ta về những điều quan trọng nhất. Truyền thống trước đây thường sử dụng nghệ thuật để gợi nhắc ta về Đức Mẹ Maria, Đức Phật, các vị vua hay bộ trưởng. Nhưng với Kølle, điều quan trọng lại nằm ở những trái cam đang lặng lẽ chín trong một góc nhỏ yên bình giữa thành phố náo nhiệt. Đó chính là “thánh tích” và “vị thần” của ông.
Dĩ nhiên, những trái cam trong tranh không chỉ là trái cam. Bức họa ấy là một bài giảng về hy vọng, về việc không từ bỏ, về những niềm vui nhỏ bé vẫn hiện diện dù trong hoàn cảnh tối tăm nhất, và về khả năng tìm thấy hạnh phúc bất chấp mọi đau khổ. Những trái cam ấy là hình ảnh ẩn dụ cho bất cứ điều gì còn có thể nuôi dưỡng và mang lại niềm vui cho ta. Đó có thể là dự án mà ta háo hức bắt đầu, người bạn thân mà ta có thể gọi điện trong lúc khủng hoảng, người yêu với biệt danh đáng yêu, đứa cháu năm tuổi ta hứa sẽ đưa đi sở thú tuần tới, hay cuốn sách tội phạm học mang lại sự an ủi dịu dàng.
Kølle không phủ nhận rằng có những bóng tối quanh ta. Ông thừa hiểu thế nào là chiến tranh, bạo ngược, nghèo đói và chia rẽ (bản thân ông cũng có cuộc đời đầy khó khăn). Nhưng chính vì sự tàn khốc của cuộc sống đã quá rõ ràng mà những điều ngây thơ, vui tươi và đẹp đẽ lại càng trở nên quan trọng. Những “trái cam” ấy không chỉ đơn thuần là dễ thương (dù quả thực là vậy); chúng là lập luận mạnh mẽ chống lại sự tuyệt vọng.
Claus Anton Kølle chẳng bao giờ đạt được danh tiếng hay sự công nhận mà ông tin rằng mình xứng đáng. Như nhiều người khác, cuộc đời ông cũng không diễn ra như ý muốn. Thế nhưng, thành tựu của ông vẫn đáng ngưỡng mộ. Ông đã tạo nên một kiệt tác nhỏ bé, lặng lẽ, nhưng trên đó ta có thể treo lên cả một triết lý sống và sự cứu rỗi. Qua bức tranh ấy, xuyên suốt hàng thế kỷ, ông gửi gắm một thông điệp: Đừng từ bỏ, hãy tiếp tục tìm kiếm những điều có thể tốt đẹp, đừng ngạc nhiên trước nỗi đau, và luôn luôn, trong những tầng lá xanh um tối tăm nhất, hãy để mắt đến những trái cam sáng ngọt ngào.
Nguồn: REASONS NOT TO GIVE UP
Theo tamlyhoctoipham.com