Giá trị của một tuổi thơ được đo bằng số lượng suy nghĩ mà nó cho phép ta có. Càng nhiều tổn thương, càng ít suy nghĩ ta dám đối mặt, vì sợ phải đối diện với tuyệt vọng. Và vì thế, phần lớn sự thật đau lòng buộc ta phải đẩy vào một vùng tăm tối trong tiềm thức – như một cách tự vệ.
Có những tuổi thơ không cho phép ta nghĩ rằng cha mình là một con người hư hỏng và đầy tổn thương. Thay vào đó, ta tự an ủi bằng một giả định dễ chịu hơn: chắc hẳn mình đã làm điều gì sai lầm lắm, chắc hẳn mình đáng bị những trận đòn roi mỗi đêm, rằng mọi tiếng quát mắng đều là chính đáng.
Có những tuổi thơ không thể thừa nhận rằng mọi thứ xung quanh thật hỗn loạn và tội phạm nguy hiểm. Thay vào đó, ta chỉ chăm chăm nghĩ rằng mình quá béo, rằng mình phải kiểm soát từng calo nạp vào cơ thể.
Có những tuổi thơ không thể chấp nhận rằng cha mẹ mình ưu ái anh chị em một cách lộ liễu. Thay vào đó, ta tự thuyết phục rằng mình chỉ cần một chiếc mũi giống hệt cô ấy là mọi chuyện sẽ ổn, rồi từ đó sa vào ám ảnh ngoại hình.
Có những tuổi thơ không cho phép ta nghĩ rằng mẹ mình đang rất ốm yếu. Thay vào đó, ta ám ảnh với những viễn cảnh toà nhà chọc trời có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Và bi kịch nhất, có những tuổi thơ không dám nghĩ rằng người chú đã lạm dụng mình. Thay vào đó, ta tự trách rằng có lẽ chính mình đã làm gì đó để khêu gợi hắn, hoặc tệ hơn, ta chấp nhận lời ngụy biện của hắn rằng đây chỉ là một trò chơi vô hại.
Những suy nghĩ ta không thể có | Và những suy nghĩ ta có thay vào đó |
Tôi giận dữ. | Tôi là một người xấu. |
Gia đình này không bảo vệ tôi. | Tôi quá béo và phải kiểm soát mọi thứ mình ăn. |
Tôi đã bị bỏ mặc quá nhiều chỉ vì họ ưu ái anh/chị tôi. | Mũi của tôi có vấn đề. |
Mẹ tôi có thể sẽ chết. | Những tòa nhà trong thành phố này thật không an toàn. |
Một người chú đã dụ dỗ tôi. | Chúng tôi chỉ đang chơi một trò chơi đặc biệt. |
William Merritt Chase, Hide and Seek, 1888
Có những hoàn cảnh mà ta không thể nghĩ đến sự thật, bởi sự thật ấy có thể làm tan vỡ tâm trí ta. Trong những lúc như thế, tâm trí đủ khôn ngoan để uốn nắn thực tại thành một điều gì đó dễ chịu hơn – dù hoàn toàn không đúng sự thật – nhưng đủ để ta bám víu và bước tiếp sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Đôi khi, ta cần vài lời dối trá để vượt qua; có những suy nghĩ nhất định buộc phải bị gác lại, chỉ để ta có thể tiếp tục sống.
Và đây là một cách định nghĩa về tuổi trưởng thành: đó là cơ hội để quay lại, tháo gỡ những màn né tránh mà ngày xưa ta đã khéo léo tạo ra vì sự sống còn của tinh thần. Là lúc ta cho phép mình, dưới ánh sáng ban ngày, đối diện trọn vẹn với những suy nghĩ kinh hoàng mà ta đáng phải trải qua. Để rồi, tương lai – cuối cùng – có thể trở nên bình yên, sáng suốt và tràn đầy hy vọng như nó đáng lẽ luôn phải như vậy.
Nguồn: WHAT SOME CHILDHOODS DON’T ALLOW YOU TO THINK
Theo tamlyhoctoipham.com