Vì sao nhiều người sẽ đau khổ tột cùng khi chuỗi chiến thắng liên tục trên Candy Crush bị đứt, hay dù bận trăm công nghìn việc vẫn phải vào Duolingo bảo vệ thành quả 254 ngày học tiếng Pháp không ngưng nghỉ?
Minh họa: Pejman Milani/Medium
Chuỗi liên tục (streak) gần như là một phần không thể thiếu của các ứng dụng di động, từ game và học ngoại ngữ như đã kể, đến trò ô chữ như Wordle, mạng xã hội như SnapChat hay app theo dõi vận động như Strava. Điều trớ trêu là với nhiều người, giữ chuỗi không đứt còn quan trọng hơn hoạt động chính của app đó, và từ đó làm mọi cách để "bảo vệ thành quả".
Đánh vào điểm tâm lý này, nhiều nền tảng đã có tính năng streak để khuyến khích, tưởng thưởng người dùng hòng giữ chân họ lâu hơn. Hai nhà nghiên cứu Jackie Silverman và Alixandra Barasch đã thống kê được có ít nhất 101 app khác nhau có đếm chuỗi liên tục (thậm chí còn có các ứng dụng riêng để theo dõi streak trên các nền tảng khác nhau).
Người dùng cũng không lấy đó làm phiền - chính họ xem đó là nguồn khích lệ lớn. Họ sẽ "khá tự hào và thấy có động lực trước một chuỗi liên tục dài" và "đặc biệt đau khổ khi chúng bị đứt", theo kết quả nghiên cứu đăng trên tập san Journal of Consumer Research vào tháng 4-2023.
Theo đó, người dùng nhiều khả năng sẽ tham gia hoạt động - dù là đếm bước chân, chơi ô chữ hay học ngoại ngữ - vào ngày mà chuỗi liên tục của họ còn nguyên và 59% người tham gia cho rằng họ phải làm mọi cách để giữ streak. "Luôn có người yêu thích chuỗi liên tục của họ và sẽ làm mọi thứ để giữ chúng" - tác giả nghiên cứu Jackie Silverman, giáo sư tâm lý marketing Đại học Delaware, nói với Yahoo Life.
"Mọi thứ" ở đây có thể gồm cả tốn phí lẫn tốn sức - chẳng hạn trả phí (bằng đơn vị tội phạm tiền ảo trong app) để khôi phục streak hoặc ăn gian để chuỗi không bao giờ bị gián đoạn. Một người trong nghiên cứu của Silverman thừa nhận đã thực hiện bài tập 7 phút theo cam kết mỗi ngày đằng sau một quán bar để giữ chuỗi thành tích siêng năng luyện tập.
Vì sao phải lao tâm khổ tứ đến vậy? "Người ta xem việc giữ streak là mục tiêu và có nhiều công trình tâm lý học đã chỉ ra các mục tiêu chi phối hành vi của ta thế nào, cũng như tại sao vuột mục tiêu lại có cảm giác cực kỳ khó chịu và nản chí" - Silverman giải thích.
Bà kể thêm các động lực khác: nhìn vào chuỗi liên tục chính là nhìn vào bằng chứng rành rành về nỗ lực của bản thân và bản tính con người thích sưu tập, và streak chính là "bộ sưu tập thành tựu mỗi ngày", cứ nhìn thấy là khoan khoái trong lòng.
Chưa kể chuyện khoe thành tích của "người trong một app", củng cố tâm lý "streak là cái gì đó quan trọng".
Nhưng cái gì cũng nên có giới hạn của nó. Điều cần nhớ là đừng để động lực chuyển thành ám ảnh. "Chuỗi thành tích đi 10.000 bước mỗi ngày sẽ ổn cho tới khi bạn bị chấn thương do quá tải hoặc căng thẳng nhưng vẫn cố thực hiện chỉ vì không muốn đứt mạch thành tích" - Adam Alter, giáo sư marketing Trường kinh doanh Stern (Đại học New York), tác giả một quyển sách tội phạm học về tính "gây nghiện" của công nghệ, nói với The Cut năm 2019.
Marina Milyavskaya, giáo sư tâm lý Đại học Carleton (Ontario, Canada), cho rằng tâm lý con người lúc nào cũng sợ mất hơn được, vì vậy khi đã xây dựng được một chuỗi liên tục, ta có cảm giác mình "có cái để mất".
Nhưng đôi khi cần dừng lại và tự hỏi tại sao ta lại làm điều này, "bởi streak cũng như bất kỳ mục tiêu nào, cố chấp theo đuổi một mục tiêu không còn ý nghĩa sẽ gây phản tác dụng" - cô nói với Yahoo Life.
Cũng cần nói không phải ai cũng mê streak. Nhiều người cho đó là thứ phiền phức, tạo cho họ cảm giác áp lực, bị ép buộc. Khi nghiên cứu tác động của streak, Danny Weathers, giáo sư marketing Đại học Clemson, tình cờ đọc được lời tự sự của một người từng chạy theo việc kéo dài chuỗi liên tục: "Tôi nhận ra rằng nếu để mặc nó, streak có thể thành thứ có thể kiểm soát đời tôi, chuyện đi lại của tôi và cả những người xung quanh tôi".
Nghiên cứu của Weathers, cũng đăng trên Journal of Consumer Research vào tháng 6-2023, chỉ ra các giải thích tương tự như công trình của Silverman. Điểm khác biệt là Weathers có gợi ý thêm cách để dùng streak như một nguồn tạo động lực thực thụ, nhân dịp bước sang năm mới, người người hăm hở đặt các quyết tâm đầu năm để rồi chẳng chóng thì chầy lại bỏ cuộc.
Lấy ví dụ, một app thiền quy định thực tập "ít nhất 20 phút mỗi ngày" sẽ khuyến khích người dùng đạt mục tiêu hơn là quy định "ít nhất 140 phút mỗi tuần", dù tổng thời lượng là như nhau.
Với kế hoạch năm mới cũng vậy, "nghiên cứu của tôi cho thấy thiết kế quyết tâm đầu năm thành một chuỗi thành tựu mỗi ngày có thể là cú hích để mọi người theo được lâu dài, không chỉ là trong năm mới" - Weathers viết trên The Conversation tháng 12-2023.
TRÚC ANH
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần
Theo tamlyhoctoipham.com