Theo Tiến sĩ Nick Neave - chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Northumbria (Anh Quốc), phụ nữ thường có xu hướng phụ thuộc vào đàn ông về mặt tinh thần. Dễ thấy nhất chính là những hành động làm nũng, ghen tuông và giận hờn. Nhưng thời nay, không ít chàng trai cũng phụ thuộc vào người yêu. Liệu đây có phải tình yêu hay chỉ là sự thiếu thốn về mặt cảm xúc nên mới muốn lấp đầy?
Dựa dẫm cảm xúc có phải tình yêu?
Ngày nay, khi lượt mạng xã hội sẽ thấy không ít câu nói kiểu “Gặp được người đàn ông tốt, phụ nữ cả đời không cần trưởng thành” hay “Hãy yêu một chàng trai đối xử với bạn như nàng công chúa”. Câu nói thoạt nhìn có vẻ ngôn tình nhưng lại cho thấy sự phụ thuộc, dựa dẫm vào đối phương. Họ đặt toàn bộ cuộc sống đời sống cảm xúc, tinh thần vô người bạn trai và đòi hỏi nửa kia luôn phải chiều chuộng theo từng mong muốn, yêu cầu hay nhường nhịn mình mỗi khi giận dỗi.
Nhưng đôi khi, sự dựa dẫm lại đến một cách bị động, nhất là với những người phụ nữ đã kết hôn. Như những chia sẻ trong Trốn Tìm podcast từ host Hoài Thương, thì những người phụ nữ dành quá nhiều thời gian, tiền bạc lẫn công sức để chăm lo cho con cái, cho chồng mà quên mất bản thân mình. Họ không còn thời gian để gặp gỡ bạn bè, người thân trong gia đình để tâm sự. Từ đó, họ trở thành con người xấu xí, hay càm ràm và phụ thuộc nhiều về mặt cảm xúc vào chồng vì không còn chỗ dựa nào khác.
Thực tế thì đây không phải là tình yêu. Bởi lẽ, tình yêu buộc phải đến từ hai phía. Cả hai đều phải tôn trọng, nương tựa và giúp đỡ nhau trong những lúc cần thiết chứ không phải mối quan hệ một chiều giữa cho và nhận. Quá phụ thuộc hay dựa dẫm vào người yêu chỉ cho thấy bạn đang thiếu thốn về mặt cảm xúc, lúc nào cũng lo sợ đối phương không còn tình cảm với mình, thèm khát sự chiều chuộng đến mức ỷ lại, luôn muốn có chỗ dựa tinh thần trong mọi từ lớn đến nhỏ nhặt nhất hay đơn giản là cần một ai đó bù đắp sau quá nhiều tổn thương.
Hậu quả của việc dựa dẫm cảm xúc
Khi yêu, việc nương tựa, gắn bó với nhau là hiển nhiên. Nhưng khi mọi thứ trở thành dựa dẫm về mặt cảm xúc thì sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Theo thời gian, bạn sẽ trở nên ám ảnh với việc đối phương luôn phải ủng hộ, chiều chuộng và có mặt theo mọi yêu cầu của mình mà bất kể đúng sai. Mỗi hành động không đồng tình từ nửa kia sẽ khiến bạn càng đau lòng hơn và suy sụp. Lúc đó, nỗi đau sẽ kinh khủng hơn rất nhiều vì bạn không còn chỗ dựa nào khác và cũng chẳng quen với việc một mình.
Không những thế, việc dựa dẫm vào mặt cảm xúc sẽ khiến cái kết kia càng dễ xảy ra hơn. Bởi lẽ, không phải tình yêu nào cũng có thể kéo dài “mãi về sau” như trong truyện cổ tích. Khi một chàng trai hay cô gái đòi hỏi quá nhiều thứ hay phụ thuộc quá lớn về mặt cảm xúc sẽ khiến mối quan hệ trở nên ngột ngạt, khó thở. Những người phụ nữ đặt toàn bộ niềm vui xoay quanh gia đình nhưng lại vô tình gây áp lực cho gia đình phải hy sinh ngược lại cho mình. Từ đó mà mọi thứ sẽ đẩy người bạn đời hay người yêu ra xa hơn.
Làm cách nào để thoát khỏi sự dựa dẫm về mặt cảm xúc?
Dù là nam hay nữ thì việc độc lập và sòng phẳng về mặt cảm xúc khi yêu là việc nên làm. Cả hai có thể chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau về nhiều mặt trong cuộc sống. Bạn cũng có thể nũng nịu, cần bờ vai để khóc cho thỏa thích hay chỗ dựa tinh thần nhưng chỉ những khi nào cần thiết. Tuy nhiên, nếu nửa kia vì lý do gì đó không thể đáp ứng thì bạn vẫn phải có gia đình, bạn bè để chia sẻ. Do đó mà dù có người yêu thì vẫn hãy biết chăm lo cho những mối quan hệ xung quanh.
Ngoài ra, bạn cũng nên tự biết cách chăm sóc cho bản thân, có những cách giải trí riêng hay theo đuổi đam mê để không phải phụ thuộc vào người yêu mỗi khi rảnh rỗi, cô đơn. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp bạn bớt đi ưu phiền và tìm được niềm vui, động lực trong cuộc sống nếu không có tình cảm. Cuối cùng, tự biết cách giải quyết các vấn đề trong công việc lẫn tình cảm là một lựa chọn đúng đắn để không phải nhờ vả, lệ thuộc một ai cho dù có bất cứ biến cố gì xảy ra đi chăng nữa.
Nguồn: Tổng hợp, Podcast Trốn Tìm
Theo tamlyhoctoipham.com