Thông điệp của bộ phim lay động lòng người về ranh giới mong manh của bản thể nhân tính: người kể chuyện chưa phải là người biết hết tất cả mà chỉ biết một phần của sự thật. Con người, kể cả người đã chết, không ai trung thực với sự thật. Tất cả đều che giấu sự thật theo cách có lợi cho mình, như lời nhà sư nói trong cổng thành Rashomon hoang tàn: “Con người sẽ mãi mãi không thể tìm thấy được sự thật, bởi sự yếu đuối và ích kỷ của chính mình”.
1. Hiệu ứng Rashomon
Một samurai được phát hiện đã chết trong một rừng tre yên tĩnh. Lần lượt, từng nhân chứng trong vụ án kể lại câu chuyện theo phiên bản của họ về sự việc đã xảy ra. Nhưng khi mỗi người kể câu chuyện của họ, có thể thấy rõ ràng là mọi lời khai đều hợp lý dù chúng khá khác nhau. Và mỗi nhân chứng đều có dính líu đến vụ án. Đó là chủ đề của tác phẩm “Trong khu rừng“, một truyện ngắn của nhà văn Nhật bản Ryunosuke Akutagawa xuất bản đầu những năm 1920. Nhiều người biết đến tác phẩm này với những góc nhìn đối lập thông qua một cái tên khác: “Rashomon“. Năm 1950, nhà làm phim người Nhật Akira Kurosawa đã chuyển thể hai tác phẩm của Akutagawa thành một bộ phim, giới thiệu đến thế giới một phép ẩn dụ văn hóa lâu đời đã làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về sự thật, công lý và trí nhớ con người.
Hiệu ứng Rashomon diễn tả một tình huống mà mỗi người đưa ra những nhận định rất khác nhau nhưng đều có thể đúng về cùng một sự việc (kiểu như người mù sờ voi vậy). Thường được dùng để nhấn mạnh sự không chắc chắn của nhân chứng. Hiệu ứng Rashomon thường gặp trong 02 trường hợp cụ thể:
– Trường hợp 1: Không có bằng chứng để xác minh những gì đã xảy ra.
– Trường hợp 2: Tồn tại một áp lực để kết thúc vụ án, thường do một người có thẩm quyền đang cố gắng xác định sự thật cuối cùng.
Và như thế, hiệu ứng Rashomon hủy hoại khái niệm về một sự thật khách quan duy nhất. Trong tác phẩm, Akutagawa và Kurosawa tận dụng khả năng sáng tạo của mình để tạo cho lời khai của mỗi nhận vật đều có lý lẽ và sức mạnh như nhau, biến mỗi nhân chứng thành một người dẫn chuyện không đáng tin. Khi không có gợi ý nào về việc ai là người có lời khai chính xác nhất, khán giả không biết nhân vật nào có thể tin được. Thay vào đó, mỗi lời khai đều đúng một phần, và khán giả phải nghi ngờ chính sự kết án của họ khi họ phán đoán về thủ phạm kết liễu mạng sống của samurai. Vài người sẽ thấy điều này gây ức chế vì cốt truyện đi ngược những kỳ vọng về cách kết thúc của dòng truyện trinh thám. Nhưng bằng cách từ chối đưa một đáp án rõ ràng, hai tác giả đã lột tả được sự rối rắm và phức tạp về sự thật và trí nhớ của con người.
Các nhà thần kinh học khám phá ra rằng khi ta hình thành trí nhớ, cách hiểu của chúng ta về thông tin, hình ảnh bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm trong quá khứ và thành kiến của bản thân. Một vài thành kiến là độc nhất với mỗi cá nhân, còn lại là những thứ phổ biến hơn. Ví dụ thành kiến vị kỷ có thể ảnh hưởng làm người ta thay đổi trí nhớ của họ trong tiềm thức theo cách sẽ khiến hành động của họ có phần tích cực hơn. Dù cho ta có thể mã hóa trí nhớ một cách chính xác, việc nhớ lại một sự việc còn bao gồm những thông tin mới có thể làm thay đổi trí nhớ. Và khi ta nhớ lại sự việc đó, ta thường nhớ về một sự việc bị thêm thắt chút ít hơn là trải nghiệm ban đầu.
Những hiện tượng tâm lý ngầm đó chỉ ra rằng, hiệu ứng Rashomon có thể xuất hiện ở mọi trường hợp. Trong nghiên cứu sinh học, các nhà khoa học bắt đầu với cùng một tập dữ liệu và áp dụng chung các phương pháp phân tích cũng thường công bố các kết quả khác nhau. Các nhà nhân chủng học cũng thường tranh cãi về lý lịch cá nhân có thể tác động lên nhận thức của một chuyên gia. Trong một nghiên cứu nổi tiếng, hai nhà nhân chủng học đến thăm làng Tepoztlan ở Mexico. Nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả cuộc sống ở ngôi làng là hạnh phúc và mãn nguyện, trong khi người thứ hai nhận xét dân làng hoang tưởng và cáu kỉnh.
Không chỉ giới chuyên gia, hiệu ứng Rashomon ảnh hưởng tới mọi tầng lớp, đặc biệt là cảm nhận về những sự kiện tội phạm quốc tế phức tạp. Ví dụ, sau hội nghị an ninh năm 2015 giữa Hoa Kỳ và các nước Ả Rập, giới truyền thông đưa tin về hội nghị rất khác nhau. Vài hãng nói rằng hội nghị diễn ra tốt đẹp, số khác nói rằng nó hoàn toàn thất bại. Rất dễ để tập trung vào những lý giải vì sao ta có những cảm nhận khác nhau về cùng một sự việc, nhưng có lẽ câu hỏi quan trọng hơn mà hiệu ứng Rashomon đặt ra là: Sự thật là gì? Có trường hợp nào mà một “sự thật khách quan” không tồn tại không? Các phiên bản khác nhau của cùng một sự vật, hiện tượng có thể cho ta biết điều gì về thời gian, địa điểm và những người liên quan? Và làm sao có thể đưa ra quyết định khi ta làm việc nhóm với các thông tin, lý lịch và thành kiến khác nhau?
Như đa số các câu hỏi phức tạp loại này, chúng không có câu trả lời. Nhưng tầm quan trọng trường tồn trong truyện của Akutagawa gợi ý rằng có lẽ sẽ có những giá trị nhất định khi dấn thân vào sự mơ hồ.
2. Bộ phim kỳ lạ “Rashomon”
Năm 1951, một phái đoàn của Công ty quảng cáo Unitalia Film (Ý) cử phái đoàn sang Nhật để chọn một phim chiếu tại Liên hoan phim Venice. Nhật Bản lúc bấy giờ là một đất nước hoang tàn sau Thế chiến thứ hai. Cái hay ở chỗ là, ông Giuliana Stramigioli, trưởng phái đoàn cắc cớ đề nghị với Daiei, hãng phim lớn của Nhật lúc bấy giờ là chọn ra một bộ phim hay nhất và một bộ phim dở nhất trong năm qua của hãng.
Và Daiei đã chọn “Rashomon” để giới thiệu ở hạng mục phim dở nhất. Đạo diễn phim này là Kurosawa khi ấy bị đánh giá là kẻ kém tài vì cả chục bộ phim đã làm của ông chẳng hấp dẫn được khán giả. “Rashomon” cũng gây thảm họa ở phòng vé vì mọi người đều cho rằng phim quá khó hiểu và lẩm cẩm.
Sau khi xem xong, Giuliana khiến hãng Daiei bất ngờ khi lựa chọn “Rashomon”. Cả Daiei lẫn chính quyền Nhật Bản đều không đồng ý với sự lựa chọn của Giuliana với cái cớ “Rashomon chưa đủ tư cách đại diện cho nền điện ảnh Nhật” và đề xuất ông chọn một phim của đạo diễn Yasujiro Ozu, sẽ mang tính điển hình hơn về sự xuất sắc của điện ảnh Nhật. Thậm chí họ còn nghi ngờ động cơ chọn phim của Giuliana là nhằm bêu xấu hình ảnh nước Nhật với thế giới. Nhưng Giuliana kiên định: “Hoặc Rashomon hoặc không chọn phim nào”.
Tại Liên hoan Venice 1951, “Rashomon” lập tức giành giải Sư tử vàng Venice 1951, và đoạt tiếp giải Oscar danh giá cho Phim tội phạm nước ngoài hay nhất năm 1951. “Rashomon” khiến cho phương Tây chấn động về sức sáng tạo, tính thẩm mỹ và cảm nhận nghệ thuật của một nước châu Á xa lạ. Riêng đạo diễn Kurosawa sau những thành công quốc tế lớn lao của “Rashomon” đã trở thành một tượng đài bất tử của điện ảnh thế giới, xứng đáng với danh hiệu “Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản”.
Một góc nhìn khác về bộ phim Rashomon dưới “nhãn quan nam giới” (male gaze) và “nhãn quan nữ giới” (female gaze), khá hay: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-vu-an-tinh-duc-trong-dien-anh-le-nao-su-that-da-cuon-theo-chieu-gio–i651769/
“Hồi tưởng những điều đã qua không nhất thiết phải là nhớ lại những điều như chúng vốn có” – Marcel Proust – In Search of Lost Time: Swann’s Way
(Tổng hợp từ TED-Ed, CAND)
Thăm blog của tác giả ở đây: https://leminh.io/2022/05/rashomon/
Theo tamlyhoctoipham.com