Bài dịch từ cuốn Life: A User’s Manual -- Philosophy for (Almost) Any Eventuality
(Hướng Dẫn Sử Dụng Dành Cho Cuộc Sống: Triết học dành cho hầu hết mọi tình huống)
Đây là một tuyển tập các bài luận triết học về những vấn đề của cuộc sống như tình yêu, cái chết, hôn nhân, công việc, v.v Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa ngọt và béo của các tác giả Julian Baggini và Antonia Macaro. Bản thân Julian Baggini là một triết gia và nhà báo; các tác phẩm triết học của ông luôn được công chúng đón nhận và yêu thích, trong đó cuốn Chủ Nghĩa Vô Thần đã được xuất bản tại Việt Nam. Antonia Macaro là nhà trị liệu tâm lý hiện sinh với nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực hành vi gây nghiện. Bên cạnh tâm lý học, bà còn có bằng thạc sĩ Triết học và Phương Đông học, do đó bà luôn dành cho triết học phương Đông một mối quan tâm tương đối đặc biệt trong các tác phẩm của mình.
Cuốn sách tội phạm học này không phải là một cuốn self-help vì nó thực sự không dạy về cách sống. Mà cũng giống như những tác phẩm triết học khác, nó dạy ta về cách nghĩ thông qua việc tập hợp những tư tưởng triết học lỗi lạc được đúc rút từ bao đời qua và được sàng lọc thông qua góc nhìn tâm lý học để trở nên thiết thực và dễ hiểu hơn.
Ích kỷ là một khuyết điểm mà ta dễ dàng nhận thấy ở người khác hơn là ở chính mình, điều này có vẻ hơi mỉa mai bởi vì nó ám chỉ rằng ta quan tâm đến bản thân hơn những người khác. Tính ích kỷ rất giỏi ẩn mình trước bản thân chúng ta. Nếu như ta để ý hơn, liệu ta có đi đến kết luận rằng tất cả chúng ta đều thực ích kỷ hay không?
Đây chính là quan điểm hoài nghi của Glaucon, một trong những nhân vật đối thoại với Socrates trong tác phẩm Republic[1] của Plato. Glaucon thuật lại câu chuyện thần thoại về Gyges[2], một người chăn cừu tìm thấy chiếc nhẫn có thể khiến cho anh ta trở nên tàng hình. Anh ta sử dụng quyền năng này để phục vụ những người khác chăng? Không hẳn: ‘Anh ta quyến rũ hoàng hậu, và với sự giúp đỡ của bà ta đã âm mưu chống lại nhà vua và sát hại ông ta, và cướp lấy ngai vàng.’ Glaucon cho rằng bất cứ ai có trong tay chiếc nhẫn như thế cũng sẽ hành động tương tự và rằng điều hiển nhiên xảy ra sẽ không khác gì so với sự bất công. ‘Nếu được đảm bảo an toàn, chẳng có ai lại không động vào thứ không thuộc về mình khi mà anh ta có thể lấy đi những gì mình thích trong phiên chợ, hay đi vào các ngôi nhà và ngủ với bất kỳ ai mà mình thích, hay giết chết hoặc thả khỏi nhà tù người mà anh ta muốn, và rốt cuộc vẫn tự xem mình là một vị thánh trước những người khác.’ Thực vậy, bất cứ ai không nắm lấy ưu thế của những quyền năng này ‘sẽ bị coi là kẻ ngu ngốc thảm hại nhất bởi những người ngoài cuộc.’
Glaucon đang ủng hộ thuyết vị kỷ tâm lý, quan điểm cho rằng con người chỉ hành động dựa trên những gì họ tin là có lợi cho bản thân. Các phản ví dụ của điều này chỉ đơn giản là: lòng tốt thì giành được sự yêu thích và ngưỡng mộ, và ngay cả sự hi sinh cao cả có thể dẫn đến tiếng vang trong muôn đời sau cũng là một dạng thức của sự trường sinh bất tử.
Một lý do khiến cho nhiều người bị thuyết phục bởi cái ý tưởng này là bởi vì họ đã nhận thấy, như Hume chỉ ra, rằng ‘mọi hành động đạo đức hoặc tình bạn đều được thực hiện với một lạc thú thầm kín.’ Làm điều tốt khiến con người ta cảm thấy tốt đẹp, vì thế rất dễ để đi đến kết luận rằng họ làm điều tốt chỉ bởi vì nó khiến cho họ cảm thấy tốt đẹp. Hume bác lại rằng điều này gây nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả. ‘Tôi cảm thấy thỏa mãn khi làm việc tốt cho bạn mình, bởi vì tôi yêu quý anh ấy; nhưng tôi không yêu quý anh ấy chỉ vì mong có được cái lạc thú kia.’ Chỉ bởi vì ta quan tâm đến bản thân nhiều hơn mà ta mới thấy vui khi quan tâm đến người khác.
Thuyết vị kỷ tâm lý (Psychological egoism) là một học thuyết về bản chất con người. Ngược lại, thuyết vị kỷ (Ethical egoism) cho rằng việc ta hành động dựa trên lợi ích cao nhất của bản thân là hoàn toàn đúng đắn. Quan điểm này thường được áp dụng lên những người khác hơn là được sử dụng như một sự miêu tả về bản thân, mặc dù Ayn Rand là một trong số rất ít người tự hào thừa nhận điều này. Bà cho rằng ‘một người phải sống vì mình, không nên hi sinh bản thân vì người khác cũng như làm cho người khác phải hi sinh vì mình; anh ta cần phải hành động vì lợi ích hợp lý của bản thân, với việc đạt được hạnh phúc của bản thân anh ta cũng chính là mục tiêu đạo đức cao quý nhất của cuộc đời anh ta.’
Nói thẳng ra, điều này nghe có vẻ thật vô cùng ích kỷ. Nhưng cũng có đó những lập luận về mặt đạo đức ủng hộ chủ nghĩa vị kỷ. Lập luận phổ biến nhất là thứ mà bạn có thể gọi là ‘nguyên tắc mặt nạ dưỡng khí’: cứu bản thân bạn trước khi giúp đỡ người khác. Sẽ tốt hơn cho mọi người nếu như tất cả chúng ta đều quan tâm đến bản thân mình trước hết bởi vì chỉ ta mới biết rõ nhu cầu của mình, ở vào vị thế tốt nhất để đáp ứng chúng, và ta có thể chẳng bao giờ biết chắc điều gì sẽ mang lại lợi ích cho người khác.
Có một vài sự thật trong cả thuyết vị kỷ tâm lý và thuyết vị kỷ. Ta có thể thừa nhận rằng người mà ta có thể giúp đỡ nhất thường là chính ta, và rằng ta sẽ có ích hơn với những người khác khi mà ta mạnh nhất. Nhưng chiết giảm mọi động cơ và đạo đức của con người thành tính ích kỷ thì quả thật là quá mức đơn giản rồi. Bài học đạo đức của câu chuyện Chiếc nhẫn của Gyges không phải là mọi người sẽ hành xử giống như người chăn cừu nếu có cơ hội, mà là sức cám dỗ của tính ích kỷ thực ra rất mạnh mẽ.
Không điều nào trong số này bật đèn xanh cho tính ích kỷ thuần túy. Chỉ nghĩ đến bản thân có nghĩa là bạn đang nhấn chìm thế giới của mình thành một ốc đảo tự ngã tầm thường, tách biệt khỏi mối liên kết đầy cởi mở và quan tâm với những người khác. Đây là kiểu sống mà không một người có lý trí nào mong muốn cả. Do đó, để có thể hành động vì lợi ích tốt nhất của bản thân thực sự đòi hỏi rằng chúng ta không thể ích kỷ: ta không thể chăm lo tốt nhất cho chính mình bằng việc chỉ nghĩ đến mình.
Đọc thêm:
Plato, Republic, Book 2
Ayn Rand, ‘Introducing Objectivism’ from The Voice of Reason: Essays in Objectivist Thought (1962)
Người dịch: Hương Đào
----------------------------------------
Bạn Hương cũng là dịch giả của cuốn sách tội phạm học HƠN CẢ HẠNH PHÚC – Minh triết Đạo Phật và chủ nghĩa Khắc kỷ trong một kỷ nguyên đầy hoài nghi mới được xuất bản. Thông tin về cuốn sách: https://shope.ee/7KSCMZkEiX
Theo tamlyhoctoipham.com