Hỏi: Trầm cảm cười là gì?
Người mắc chứng trầm cảm cười (smiling depression) là những người có triệu chứng trầm cảm, nhưng lại che giấu triệt để vấn đề của mình. Bề ngoài họ có thể trông rất vui vẻ, nhưng trong lòng lại vô cùng sầu muộn.
Hỏi: Phân biệt hội chứng trầm cảm cười và chứng trầm cảm như thế nào?
Hội chứng trầm cảm cười là một dạng (biểu hiện) trầm cảm không điển hình. Họ sẽ không có vẻ mặt cáu kỉnh, hay than thở, mất hết sức sống và tỏ ra tuyệt vọng, để người khác vừa nhìn đã biết họ chẳng thiết sống nữa. Ngược lại, họ lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, sung sướng, thậm chí hài hước, dí dỏm. Trong một nhóm bạn, những người mắc hội chứng trầm cảm cười hay được coi là “hạt dẻ cười” thường xuyên khuấy động bầu không khí để bạn bè vui vẻ. Nhưng khi chỉ có một mình, họ lại chìm sâu vào đau khổ, muộn phiền, tuyệt vọng, đây mới là bộ mặt thật người khác không thể nhìn thấy cũng chẳng thể chạm đến. Bởi thế, hội chứng trầm cảm cười rất khó phát hiện, can thiệp, hỗ trợ và trị liệu kịp thời, là chứng bệnh có mức độ tội phạm nguy hiểm cao.
Trong “Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần” (DMS-5), các triệu chứng của trầm cảm bao gồm liên tục suy sụp tinh thần, mất hứng thú với mọi hoạt động, đánh mất cảm xúc vui vẻ, lười vận động, tăng hoặc giảm thể trọng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hầu như ngày nào cũng cảm thấy mệt mỏi hoặc mất tinh thần, nhiều lần nghĩ đến cái chết… Bi quan, đau khổ, khó chịu, sầu muộn, từ bỏ các vai trò xã hội và có khuynh hướng tự tử là những đặc điểm hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến khi nghe tới chứng trầm cảm. Nhưng mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị, không phải triệu chứng bệnh của ai cũng giống nhau.
Người mắc hội chứng trầm cảm cười cũng có nhiều biểu hiện ở trên, nhưng đa phần đều được che giấu, không ai hay biết, hoặc chỉ bộc lộ với một số ít bạn bè thân thích họ cực kỳ tín nhiệm. Họ luôn tươi cười đối diện với người khác, giữ hết nỗi buồn khổ và u uất trong lòng.
Cho nên, khi người mắc hội chứng trầm cảm cười bất ngờ kết liễu cuộc đời, bạn bè xung quanh sẽ rất khiếp sợ, ngỡ ngàng. Vẫn đang rất ổn mà? Mấy hôm trước còn liên lạc, tối qua mới cùng nhau ăn uống, cười đùa hẹn cuối năm đi đâu đó du lịch, thế mà chớp mắt đã tự chấm dứt sinh mạng mình.
Hỏi: Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trầm cảm cười?
Rất khó để nhận biết dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng trầm cảm cười. Bởi tình trạng trầm cảm và các triệu chứng liên quan đều bị che giấu rất kỹ. Người mắc hội chứng trầm cảm cười hiểu rõ xã hội kỳ vọng điều gì, người khác mong muốn như nào, bởi vậy họ luôn nở nụ cười giả dối nói “Tôi vẫn ổn”, “Tôi không sao”. Nhưng trứng chim cứng mấy cũng có ngày nứt vỏ, diễn kịch lâu rồi sẽ thấy mệt nhoài, để lộ sơ hở giúp người bên cạnh nhận ra. Chẳng hạn họ sẽ bộc lộ sự mệt mỏi, uể oải, nản lòng và tuyệt vọng với những điều bản thân hướng đến và vai trò xã hội đang gánh vác.
Có thể quan sát, phát hiện và nhận ra được từ những chi tiết này hay không còn tùy thuộc vào sự nhạy bén của mỗi người.
Cảm xúc sầu muộn sẽ không mất đi chỉ vì bạn kiềm chế, phủ nhận và che giấu, nó cần một lối thoát. Thậm chí, người có vẻ ngoài càng vui vẻ, mạnh mẽ, lạc quan càng dễ che giấu bóng ma tâm lý hay sự u ám trong nội tâm, chẳng hạn phiền muộn, cáu bẳn, tự trách, bất lực, mệt mỏi, buồn bã, lo âu, bất ổn, hoang mang và tuyệt vọng. Nếu không được giải tỏa, những cảm xúc tiêu cực này sẽ liên tục chồng chất, càng ngày càng mạnh mẽ, dựng lên một bức tường kiên cố mang tên cơ chế phòng vệ tâm lý, cản trở người ngoài phát hiện, hỗ trợ.
Hỏi: Nhóm người nào dễ mắc hội chứng trầm cảm cười nhất?
Mọi người đều có nguy cơ, nhưng không phải ai cũng mắc. Con người sẽ có những đặc điểm tính cách và khuynh hướng tương đồng nhau, chỉ khác ở mức độ, hơn nữa ở mỗi giai đoạn cuộc đời, mỗi người lại phải tiếp nhận kỳ vọng xã hội và áp lực khác nhau; khi đặc điểm tính cách, khuynh hướng tiềm tàng đối mặt với thử thách mới có thể bộc lộ ra ngoài hoặc trở nên rõ nét hơn.
Nói tóm lại, đặc điểm tính cách không có sự phân chia tuyệt đối, hội chứng trầm cảm cười cũng không dành riêng cho bất cứ nhóm người nào.
Hỏi: Phải làm thế nào nếu phát hiện bản thân mắc hội chứng trầm cảm cười?
- Đánh giá nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
Trầm cảm xuất hiện là có nguyên nhân, không ai vừa sinh ra đã mắc chứng trầm cảm. Bởi vậy phải đối diện với bản thân, đánh giá lại bản thân, tìm kiếm nguyên nhân sâu trong nội tâm dẫn đến chứng trầm cảm. Có kỳ vọng xã hội nào thiếu thực tế không, có yêu cầu cá nhân nào bất hợp lý không, có giới hạn niềm tin nào cần điều chỉnh hay thay đổi không? Đây là môn học cả đời chúng ta phải theo đuổi.
- Chia sẻ với những người bạn thân thiết đáng tin cậy
Chúng ta không phải hòn đảo biệt lập, tâm sự những băn khoăn, cảm xúc chất chồng với người nhà hay những người bạn đáng tin cậy, để họ hiểu hơn đấu tranh, đau khổ và nhu cầu trong nội tâm chúng ta. Đây là một việc rất khó khăn, vì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng bị phản bội đôi ba lần. Nhưng xin đừng để một con sâu làm rầu nồi canh. Hãy thử tin tưởng người khác, nhất định sẽ có một người bạn đáng tin cậy đang chờ đợi chúng ta, quan tâm chúng ta.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của người có chuyên môn
Hiện nay ngày càng có nhiều người đầu tư vào lĩnh vực tâm lý học, dù là bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm lý lâm sàng hay chuyên gia tư vấn tâm lý đều có thể bầu bạn, hỗ trợ chúng ta tìm ra chìa khóa giải quyết hội chứng trầm cảm cười. Đồng thời, những người trị liệu tâm lý đều tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, nguyên tắc bảo mật, nên chúng ta không cần lo lắng việc người khác biết được các vấn đề riêng tư của mình.
Hỏi: Nếu người bên cạnh mắc hội chứng trầm cảm cười, nên hỗ trợ thế nào?
- Làm bạn là nền móng, cũng là khởi đầu để thiết lập mối quan hệ
Vì sao làm bạn lại quan trọng thế? Vì rất khó để trở thành người bạn chất lượng cao, càng ngày càng có nhiều người phân tâm, liên tục sử dụng điện thoại khi ở cạnh bạn bè. Hơn nữa, việc thiết lập một mối quan hệ là tương đối quan trọng, mối quan hệ đôi bên có tốt đẹp, có ổn định thì đối phương mới có thể lắng nghe bạn nói.
Ai cũng hy vọng nhanh chóng nhìn thấy hiệu quả, hiệu quả càng nhanh càng tốt, nhưng “dục tốc bất đạt”, giúp đỡ người bên cạnh thoát khỏi tâm trạng buồn bã, hoàn cảnh khó khăn chưa bao giờ là việc có thể vội vàng, nhanh chóng. Vì sao ư? Vì người mắc hội chứng trầm cảm cười đa phần đều rất mẫn cảm. Chúng ta càng sốt ruột, họ càng cảm thấy áp lực, càng cho rằng chúng ta coi họ là phiền toái, gánh nặng.
- Đừng thúc ép, làm vậy chỉ khiến người mắc hội chứng trầm cảm cười ngày càng xa cách, ngày càng giấu kín cảm xúc, nội tâm mình thôi
Bạn chỉ cần giúp họ hiểu và cảm nhận sâu sắc khi họ đồng ý mở lòng, bạn sẽ luôn ở bên và chắc chắn sẽ luôn ở bên họ.
Khoảng thời gian này là một thử thách và bài kiểm tra với đôi bên. Kiểm tra bạn có đáng tin cậy không, thử thách sự nhạy bén, kiên nhẫn của bạn. Thậm chí, người muốn giúp đỡ như bạn cũng cần sự hỗ trợ và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, để không bị nản lòng, chờ đợi được tới thời điểm thích hợp và nắm bắt cơ hội chìa tay ra giúp đỡ.
- Đảm bảo có đầy đủ sự tin tưởng, cảm giác an toàn để tiến thêm những bước tiếp theo
Không nên tùy tiện đánh giá, phê bình, chúng ta thường xuyên vô tình áp đặt, phán xét hành vi cũng như ý kiến của người khác. Nếu biết tôn trọng quá khứ, trải nghiệm và cảm xúc của đối phương, bạn sẽ giống như hốc cây yên tĩnh để đối phương có thể yên tâm thổ lộ, bộc bạch tất cả đau khổ, giày vò, khó xử và áp lực không thể chia sẻ cùng ai. Khi mối quan hệ giữa hai bên tràn đầy tín nhiệm, cảm giác an toàn, đối phương mới có thể lắng nghe suy nghĩa của bạn, hoặc khi bạn tiến thêm một bước đề nghị đối phương tìm kiếm sự hỗ trợ của người có chuyên môn, đối phương mới chấp nhận mà không nghi ngờ bạn đang coi họ là bệnh nhân tâm thần rồi thẳng thừng từ chối.
(Từ cuốn sách tội phạm học: Hội chứng trầm cảm cười - Hồng Bội Vân)
Tìm hiểu thêm tại đây:
Tiki: https://tinyurl.com/tramcamcuoi-tiki
Shopee: https://tinyurl.com/tramcamcuoi-sp
Theo tamlyhoctoipham.com