Chúng ta thường gọi đó là mối quan hệ “trưởng thành” — bởi đó là những mối quan hệ khi ta đã lớn, cam kết với những nguyên tắc và giá trị của một cuộc sống chín chắn.
Nhưng điều thú vị là, ở những cặp đôi hạnh phúc nhất, không khí tình yêu đôi khi lại được dệt nên từ những cảm xúc và sở thích gợi nhớ đến tuổi thơ. Ta có thể gọi người ấy là “bé yêu”, và họ đáp lại bằng một cái tên đáng yêu như “cục cưng”. Ta có thể nói chuyện với nhau bằng giọng điệu trẻ thơ hơn, cao hơn bình thường. Ta tặng họ một chú hươu cao cổ nhồi bông, còn họ đáp lại bằng một chú chó lông vàng dễ thương không kém. Hai “người bạn” ấy thậm chí có thể “chơi đùa” cùng nhau, hay ôm ấp an ủi nhau mỗi khi buồn.
Photo by Nguyen Dang Hoang Nhu on Unsplash
Dưới ánh sáng của lý trí, tất cả điều này có thể trông như một sự thoái lui ngớ ngẩn. Nhưng nếu suy ngẫm kỹ hơn, ta sẽ nhận ra rằng tình yêu trưởng thành thực chất được xây dựng trên nền tảng của tuổi thơ, và khi tình yêu ấy bền vững, nó mang theo những nét đẹp tinh khôi nhất từ quá khứ. Việc sử dụng những cái tên thân thương hay cử chỉ trẻ con không phải là dấu hiệu của sự ngây ngô, mà là biểu hiện của việc ta đã tìm lại được sự mong manh, yếu đuối và nhu cầu được yêu thương mà ta từng vô tư bộc lộ khi còn bé. Những điều ấy, dù ta có là luật sư lừng danh, y tá trưởng tận tụy, hay nhà đầu tư thành đạt, vẫn luôn cần được giữ gìn để tình yêu có cơ hội nảy nở.
Ngược lại, ta cũng có thể tự hỏi: điều gì đã xảy ra với những ai quá vội vàng bác bỏ sự ngây thơ, trẻ con trong tình yêu? Phải chăng họ đã chối bỏ một phần con người mình quá quyết liệt? Phải chăng họ gặp khó khăn khi để lộ sự yếu đuối của bản thân, và bởi thế cũng khó lòng dịu dàng trước sự mong manh của người khác?
Sự trưởng thành đích thực không nằm ở việc đè nén mọi dấu vết của sự yếu đuối hay trẻ con, mà là biết trân trọng phần trẻ thơ trong con người mình, như một phần không thể thiếu trong tổng thể cuộc đời. Nó đòi hỏi ta biết làm “cha mẹ” cho phần trẻ thơ của người bạn đời — và ngược lại, cho phép họ làm điều tương tự với ta.
Chúng ta có thể phải chờ đến khi thực sự trưởng thành mới học lại được cách yêu thương và chơi đùa một cách chân thật, hồn nhiên như khi ta lên ba.
Nguồn: WHY WE SHOULD BE ‘BABYISH’ IN LOVE
Theo tamlyhoctoipham.com