Đôi khi, nguyên lý chính của tâm lý trị liệu hiện đại — rằng mọi vấn đề đều bắt nguồn từ tuổi thơ — thật dễ khiến ta phát bực. Sao ta phải mãi gắn bó với những gì đã xảy ra từ thời xa xưa? Có khi giờ còn chẳng mấy khi gặp mẹ, mà cha thì có lẽ đã qua đời cả mấy chục năm rồi. Chẳng phải yếu tố di truyền mới quan trọng hơn sao?
Dù vậy, ý tưởng gây phiền phức ấy vẫn không chịu biến mất, vì có quá nhiều bằng chứng vẫn đang ủng hộ nó. Tính cách của ta dường như bị quyết định không ít bởi những tương tác trong gia đình trước năm mười lăm tuổi.
Hãy thử nhìn lại: chúng ta từng học cả một ngôn ngữ từ gia đình mình. Hàng vạn từ vựng, hàng trăm biến thể ngữ pháp, vô vàn quy tắc phức tạp được tiếp thu trong khi ta vui chơi trong vườn hay vẽ hoa hướng dương trong bếp. Vậy chẳng có gì lạ khi cùng lúc đó, ta cũng học được cả một ngôn ngữ cảm xúc — thứ mà giờ đây ăn sâu vào tính cách như tiếng mẹ đẻ: ngôn ngữ về cách thể hiện tình yêu, những gì ta mong đợi ở người khác, những biến thể của khát khao — và những quy tắc xoay quanh điều ta gọi là hạnh phúc.
Photo by Thanh Tran on Unsplash
Chúng ta cần suy ngẫm nhiều về gia đình mình — không hẳn vì yêu thương hay nhớ nhung gì họ. Thực ra, điều ngược lại mới đúng; ta cần nhìn lại để có thể vượt qua. Chẳng việc gì phải ngại khi tìm hiểu những chi tiết về cách mà gia đình — như bao gia đình khác — đã khiến ta đôi lúc phát điên lên.
Có thể ta thấy đây là một sự ám ảnh đặc trưng của phương Tây, nhất là ở những người dành quá nhiều thời gian trong phòng trị liệu: cứ mãi nhắc về cha mẹ, về việc họ đã “góp phần” vào nỗi bất hạnh của mình, dù đã hai mươi lăm hay sáu mươi hai tuổi vẫn trăn trở mãi (thường là với nước mắt) về việc “mẹ” hay “bố” đã làm hỏng mối quan hệ hay cả cuộc đời mình ra sao.
Nhưng nếu ta thấy cách tiếp cận này có phần kỳ lạ, hãy nhớ rằng ở bất kỳ xã hội nào, dù phát triển đến đâu, cũng luôn có những suy ngẫm sâu sắc và phức tạp về tổ tiên và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của họ lên cuộc sống hiện tại. Từ Campuchia đến Peru, Papua New Guinea đến Burkina Faso, các mô thức đều giống nhau: cha mẹ hay người thân mất đi, và chúng ta phải xử lý “những linh hồn” của họ với sự cẩn trọng vô cùng — vì người đã khuất vẫn được cho là có quyền lực đủ để gây ra bao rắc rối. Họ có thể khiến ta ngập trong mặc cảm tội lỗi, phá hoại đời sống tình cảm, gieo rắc lời nguyền lên công việc, khiến ta mất ngủ hay đau dạ dày triền miên. Vì thế, rất nhiều thời gian và công sức được dành cho việc chăm sóc ký ức của họ, có thể là dâng quà cáp, tặng bánh ngọt, ca hát tưởng niệm — hoặc, nếu mọi cách đều không hiệu quả và họ quá đáng sợ, ta sẽ tìm cách tiễn đưa họ về thế giới bên kia.
Ở Madagascar, trong lễ hội Famadihana, hàng năm, người đã khuất được “đào lên” và mời về dự tiệc lớn trong làng, nơi người thân hiến tế bò và nhảy múa cùng hài cốt của họ trên cao — với hy vọng rằng những linh hồn ngày càng tàn phai ấy sẽ yên nghỉ trong những tháng tới.
Famadihana reburial ceremony in Madagascar
Làm cách nào để ngăn một người thân đã khuất khỏi việc gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của ta có thể khác nhau tùy theo văn hóa, nhưng cảm giác cần làm điều gì đó thì gần như là bản năng chung của nhân loại. Có khi phải “đào mộ” lên và mời tổ tiên ra nhảy múa, hoặc cũng có khi ta chỉ cần nằm trên ghế sofa, phân tích tâm lý và kết nối tự do với những ký ức để hiểu rõ ảnh hưởng của họ lên tâm trí mình. Nhưng bản chất của vấn đề vẫn như nhau: những linh hồn từ quá khứ có sức mạnh làm nghẹt thở hiện tại. Những cơn đau đầu, sự bất lực, những cơn hoang tưởng hay cuộc hôn nhân thất bại thường mang bóng dáng của “ma quỷ” quá khứ. Mẹ và cha dường như hiện diện khắp nơi, gây bao điều phiền toái — và người khôn ngoan sẽ dành đủ sự chú ý để nới lỏng cái “gọng kìm” vô hình đó, rồi tiếp tục sống thanh thản hơn.
…
Nguồn: WHY EVERYTHING RELATES TO YOUR CHILDHOOD
Theo tamlyhoctoipham.com