Hành động “ghosting” là cách mà chúng ta thường dùng để tránh tương tác với những người mà ta không thích, điều đó có nghĩa rằng việc “ghost” người mà ta thích lại không thường xảy ra lắm.
Có thể có rất nhiều lý do đằng sau hành động này liên quan đến những nỗi sợ cá nhân, những sự bất an hoặc không chắc chắn.
Sợ Dễ Bị Tổn Thương
Trở nên gần gũi với người khác và thể hiện những cảm xúc lãng mạn có thể gây cho bạn cảm giác đáng sợ, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc cởi mở về mặt cảm xúc.
Bạn có thể thuộc kiểu người gắn bó tránh né hoặc gặp khó khăn trong việc thân mật về mặt cảm xúc.
Dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc có thể khiến bạn bị choáng ngợp, vì thế cho nên bạn có thể sẽ chọn cách “ghost” một ai đó chỉ vì bạn không chắc chắn về các cảm xúc của mình.
“Mọi người thường im lặng rời đi khi sức nặng của sự cam kết lâu dài bắt đầu đè nặng lên vai họ. Việc thường xuyên bị ràng buộc bởi những kỳ vọng của đối phương đối với họ có thể khiến họ trở nên ngột ngạt và cuối cùng họ bỏ chạy.” - Theo Tiến sĩ Fatima Mukhtar, một nhà nghiên cứu lâm sàng.
Sự Không Chắc Chắn
Nếu bạn không chắc chắn về những cảm xúc của bản thân mình hoặc cảm xúc của đối phương, có lẽ bạn sẽ chọn cách “ghost” họ hơn là đối mặt với sự phân vân và lúng túng đằng sau mối quan hệ đó.
Khi bạn không chắc chắn về cảm xúc của mình với đối phương, bạn có thể trải qua một sự hỗn loạn cảm xúc kết hợp giữa sự hấp dẫn, lo lắng và nghi ngờ. Việc thể hiện ra sự không chắc chắn ấy có thể khó khăn, vì vậy bạn chọn cách rời đi để bảo vệ bản thân mình (và người khác) khỏi nỗi đau tinh thần tiềm ẩn.
Không Muốn Đối Mặt
Nếu bạn có ác cảm tự nhiên với các cuộc xung đột và thấy việc đối đầu với chúng là cực kỳ khó chịu, bạn có thể “ghost” đối phương để tránh khỏi một cuộc trò chuyện không thoải mái.
Việc lặng lẽ rời đi này có thể dễ dàng hơn là một cuộc đối đầu đầy khó khăn hay đầy cảm xúc vì nó ít hao tổn sức lực hơn là việc nói chuyện thẳng thắn các vấn đề với nhau.
Bạn có thể tránh né để không phải đối mặt với những phản ứng của đối phương và bỏ qua những kết quả mà không cần phải giải quyết trực tiếp chúng.
“Một số người rất ghét việc phải đối mặt trực tiếp và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự kết thúc, việc lặng lẽ rời đi mang lại cho họ một cảm giác của sự kiểm soát và kết thúc.” - Theo Tiến sĩ Fatima Mukhtar, nhà nghiên cứu học lâm sàng.
Những Trải Nghiệm Trong Quá Khứ
Những tổn thương trong quá khứ, đặc biệt là nếu chúng có liên quan đến sự từ chối hoặc bỏ rơi, chúng có thể làm gia tăng nỗi sợ bị từ chối lần nữa. Nên họ đã chọn cách “ghost” như một cách để có thể tự bảo vệ bản thân họ khỏi những tổn thương tinh thần tiềm ẩn bên trong.
Hơn nữa, những trải nghiệm đau thương trong quá khứ có thể ăn mòn niềm tin của bạn đối với mọi người xung quanh. Nếu trước đây bạn đã từng bị phản bội hoặc tổn thương, bạn có thể sẽ cảm thấy rất khó mở lòng và giao tiếp một cách cởi mở với một đối tượng mới.
Bằng cách lùi lại phía sau, bạn tin rằng mình có thể tránh được nguy cơ bị tổn thương.
Cũng có trường hợp những người có kiểu gắn bó lo âu có thể dễ có xu hướng “ghost” đối phương hơn:
“Những người có kiểu gắn bó lo âu sẽ vô thức tìm kiếm một lối thoát cho mình, việc có một kế hoạch để thoát ra giúp họ cảm thấy thoải mái. Nhưng khi họ bước vào một mối quan hệ có vẻ quá dứt khoát thì cuối cùng họ thường sẽ biến mất hoàn toàn không dấu vết.” - Theo Tiến sĩ Fatima Mukhtar, nhà nghiên cứu học lâm sàng.
Thời Điểm Và Hoàn Cảnh Sống
Trong một số trường hợp, các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến khả năng bước vào một mối quan hệ hoặc duy trì cuộc trò chuyện của bạn. Bạn có thể có những thử thách bản thân cần vượt qua, những biến số lớn trong cuộc đời hay những mục tiêu ưu tiên bên ngoài khiến bạn phải tạm thời rút lui khỏi các mối quan hệ của mình.
Làm Sao Để Xin Lỗi Vì Đã “Ghost” Một Ai Đó
Một cuộc trò chuyện hiệu quả là điều rất cần thiết để xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và chân thành. Nếu bạn thấy bản thân mình đột nhiên quay lưng với người mà mình thích, bạn nên thừa nhận những hậu quả mà hành động của bạn đã gây ra cho họ và gửi lời xin lỗi đến họ.
Trước khi bạn liên lạc với họ, hãy thử cân nhắc các lời khuyên dưới đây:
Suy Ngẫm Lại Hành Vi Của Bạn
Dành một khoảng thời gian để nhìn lại xem tại sao bạn lại lặng lẽ biến mất và điều gì đã khiến bạn quyết định như vậy. Tại sao bạn lại cảm thấy bạn cần phải chấm dứt cuộc trò chuyện giữa hai bạn? Điều gì khiến bạn chọn cách “ghost” họ thay vì nói chuyện một cách cởi mở với họ về những cảm xúc của bạn?
Hiểu rõ lý do của bạn sẽ giúp bạn có một cuộc trò chuyện hiệu quả hơn.
Lập Một Bản Kế Hoạch Tiếp Cận Của Riêng Bạn
Tùy thuộc vào mối quan hệ và mức độ thân thiết của bạn với người đó, hãy chọn cách tiếp cận phù hợp. Bạn muốn gặp họ trực tiếp, gửi tin nhắn, viết email hay gọi điện thoại cho họ?
Hãy cân nhắc về thời điểm bắt đầu cuộc trò chuyện và đảm bảo lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận.
Hãy Thành Thật Và Hối Lỗi
Bắt đầu từ việc nhận trách nhiệm và bày tỏ sự hối hận thực sự về hành động của mình. Bạn nên xin lỗi một cách chân thành vì những tổn thương và sự bối rối mà bạn có thể đã gây ra cho họ.
Việc giải thích lý do vì sao bạn im lặng biến mất có thể cho người ấy hiểu về tình hình của bạn và giúp họ hiểu được những suy nghĩ quan điểm của bạn. Tuy nhiên, bạn nên tránh viện cớ hoặc đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài.
Nên nói lời xin lỗi một cách rõ ràng và nói rằng bạn muốn bù đắp những tổn thương mà bạn đã gây ra. Sử dụng những câu như “Tôi thực sự xin lỗi vì đã đột nhiên biến mất mà không có một lời thông báo nào” hoặc “Tôi xin lỗi vì đã biến mất mà không giải thích gì với bạn.”
Cho Họ Một Không Gian Riêng
Khi bạn đã gửi lời xin lỗi đến họ, hãy cho người đó không gian để xử lý lời nhắn của bạn. Họ có thể cần thời gian để quyết định xem họ muốn phản hồi như thế nào, họ cũng có thể có những cảm xúc lẫn lộn hoặc những băn khoăn sau lời xin lỗi của bạn chẳng hạn.
Nếu người đó đã chịu mở lòng, bạn có thể bắt đầu trò chuyện về những gì đã xảy ra. Hãy thật cởi mở để trả lời các câu hỏi của họ và giải quyết các mối quan tâm của họ.
Rút Kinh Nghiệm
Hãy suy ngẫm xem ngay từ đầu điều gì đã khiến bạn chọn cách im lặng rời đi như vậy và nên hiểu được ảnh hưởng của nó đối với cả bạn và những người khác như thế nào cũng có thể giúp bạn trưởng thành về mặt cá nhân và tránh mắc phải sai lầm tương tự trong tương lai.
Bạn có thể sử dụng điều này như một cơ hội để học hỏi từ những sai lầm của mình và tập trung vào việc cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình trong tương lai.
Hãy cố gắng cam kết với bản thân rằng bạn sẽ xử lý những tình huống tương tự theo cách khác trong tương lai mà không phải là cách im lặng rời đi như bạn đã làm.
Giao tiếp hiệu quả là điều cần thiết trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Nếu bạn thấy mình lại có dấu hiệu sẽ lặng lẽ biến mất lần nữa, hãy chậm lại một bước để suy ngẫm về những bài học bạn đã học được trước đó.
Tác giả: Anna Drescher
Dịch giả: Ngọc My – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: Why Do I Ghost Someone When I Like Them?
Theo tamlyhoctoipham.com