Như Oscar Wilde đã từng nói: “Sự phê bình là một hình thức đáng tin cậy mà ai đó tự tường thuật về chính bản thân mình. Qua sự phê phán, chỉ trích của họ, ta biết nhiều hơn về tâm lý của người phê phán hơn là những người/những việc mà họ chỉ trích.”
TẠI SAO AI ĐÓ LẠI THƯỜNG XUYÊN CHỈ TRÍCH NGƯỜI KHÁC?
Những người có xu hướng phê phán người khác thường đủ thông minh để biết rằng sự chỉ trích không giúp ích gì cho họ cả. Vậy tại sao họ vẫn sử dụng nó hay thậm chí việc đó khiến họ càng gia tăng sự cáu giận và thất vọng?
Đơn giản vì sự phê bình là một hình thức đơn giản để phòng vệ cho cái tôi của một người. Nhiều người chỉ trích không phải vì họ không đồng tình với thái độ hay với hành vi của một ai đó; mà họ dùng sự phê phán khi những hành vi/thái độ đó khiến họ cảm thấy bản thân (hoặc niềm tin của bản thân) dường như bị suy giảm hoặc mất đi giá trị. Những người có xu hướng phê phán người khác thường rất nhạy cảm và dễ cảm thấy như mình bị xúc phạm, do đó họ đặc biệt có nhu cầu phải bảo vệ cái tôi của mình.
Những người dễ “gồng lên chỉ trích” thậm chí ở những sự việc đơn giản nhất, dường như thường xuyên bị vạch từng sai lầm nhỏ nhất khi họ còn nhỏ. Họ có thể từng gặp nhiều sự chỉ trích từ người thân, anh chị em, bạn bè - ở độ tuổi mà việc bị phê phán đối với họ là một điều cực kì tổn thương. Đứa nhỏ đó không thể phân biệt được giữa những lời chỉ trích về hành vi của nó, và việc hoàn toàn bị chối bỏ; cho dù người khác có cố gắng giải thích với nó như thế nào rằng họ chỉ muốn có ý tốt để góp ý cho hành vi nào đó không đúng của nó, nó vẫn không hiểu và nghĩ rằng dường như họ đã chối bỏ nó hoàn toàn.
Việc phân biệt giữa sự phê bình và sự chối bỏ cần một chức năng cao hơn của phần vùng vỏ não trước trán - (Prefrontal Cortex hay PFC) vùng đặt mục tiêu, kế hoạch, hướng dẫn những hành động, điều hợp và kiềm chế những cảm xúc qua những hoạt động tương quan với hệ thần kinh vòng viền (limbic system).. Trong khi đó một đứa trẻ 7 tuổi chưa hoàn toàn phát triển thì việc phân biệt điều gì là phê phán với ý tốt, và đều gì là bị chối bỏ thực sự khó khăn.
Đối với những đứa trẻ, việc bị chỉ trích hay phê bình dù là ở mức độ nhỏ nhất hay nhẹ nhàng nhất, cũng khiến chúng có cảm giác rằng bản thân nó tồi tệ và không xứng đáng.
Vì vậy, đối với một đứa trẻ mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào mối gắn kết cảm xúc với những người lớn. Vì trẻ nhỏ có thể cảm nhận cảm xúc nên khi bị chỉ trích và cảm thấy mình không có giá trị, điều này đối với đứa trẻ giống như đang phải đối diện với vấn đề sinh tồn. Từ đó, đứa trẻ cố gắng kiểm soát nỗi đau của việc bị phê phán và chỉ trich từ người lớn bằng cách biến những điều đó thành sự tự phê bình bản thân. Bởi vì nỗi đau mà nó tự gây ra cho chính mình có lẽ sẽ tốt hơn là phải đối diện với sự chối bỏ khó đoán trước của những người nó yêu thương.
Khi đứa trẻ ấy bước vào tuổi vị thành niên, theo phân tâm học, đứa trẻ học được một cơ chế phòng vệ “đồng nhất bản thân mình với người chỉ trích” - nó trở nên đồng nhất với đặc điểm của người đã từng công kích nó. Đứa trẻ dường như mô phỏng bản thân mình thành một hình ảnh một người có xu hướng chỉ trích mạnh mẽ hơn, chúng bắt chước các hành vi và cách thức tương tự như người đã từng phê phán chúng lúc trước. Ở những đứa trẻ bị chấn thương tâm lý, sự đồng nhất này có thể biến nó trở thành một người luôn là nạn nhân của việc bị chỉ trích, hoặc là một kẻ chuyên đi chỉ trích người khác.
Khi đứa trẻ dần vượt qua tuổi vị thành niên, sự tự phê bình bên trong chúng dường như mở rộng sang việc chỉ trích những người khác. Đến tuổi trưởng thành, đứa trẻ dường như chuyển hoàn toàn sự chỉ trích chúng tự dùng cho bản thân sang người khác - Theo Tiến sĩ Steven Stosny ở Psychologytoday, ông nói rằng dường như những người có xu hướng chỉ trích này vẫn thường có xu hướng tự phê phán chính mình.
Họ chỉ trích bản thân cũng nặng nề y như cách họ dùng nó hướng về phía người khác.
HỌ LÀ NGƯỜI CUỐI CÙNG BIẾT RẰNG HỌ ĐANG CHỈ TRÍCH NGƯỜI KHÁC
Làm sao để biết rằng bạn là một người có xu hướng chỉ trích?
Hãy nhớ về những điều mà bạn nói hoặc nghĩ về bản thân khi bạn làm rớt một món đồ hay mắc một lỗi lầm nào đó. Những người có xu hướng chỉ trích thường sẽ nghĩ “ôi mày thật ngu ngốc” hoặc thở dài chán chường và căm phẫn chính mình vì bản thân mắc lỗi. Nếu bạn làm điều đó với bản thân mình, rất có khả năng bạn cũng như thế với người khác khi ai đó mắc lỗi.
SỰ CHỈ TRÍCH HAY LÀ GÓP Ý?
Những người có xu hướng này thường tự huyễn hoặc bản thân rằng họ chỉ đang cố gắng đưa ra những phản hồi có ích cho người khác. Dưới đây là những biểu hiện để phân biệt giữa việc cố ý phê phán và góp ý để giúp phát triển: lấy ví dụ trong công việc khi ai đó xem xét một vấn đề nào đó.
Chỉ trích: luôn tập trung vào những điểm sai, ví dụ như : “Tại sao bạn lại mất tập trung như vậy khi bỏ qua những vấn đề quan trọng ấy? Còn người góp ý sẽ tập trung vào cải thiện vấn đề rằng: “ hãy cùng nhau xem xét kĩ hơn để giải quyết vấn đề này”
Chỉ trích: họ ám chỉ đặc điểm tính cách của người khác theo cách tồi tệ: “bạn thật ngoan cố và lười biếng!” , người góp ý sẽ tập trung vào hành vi chứ không nhắc đến tính cách : “Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách giải quyết vấn đề này trước khi nó không thể giải quyết hay không?
Chỉ trích: họ xúc phạm và hạ thấp người khác - “mày không đủ thông minh để giải quyết chuyện này!” Trong khi góp ý sẽ cố gắng khuyến khích người đó: “” tôi biết là bạn có nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết nó xong xuôi”
Ngoài ra, người chỉ trích còn dùng những lời lăng mạ, chửi mắng và đổ lỗi cũng như cố gắng kiểm soát người kia, trong khi người thực sự góp ý sẽ tôn trọng và không cố gắng kiểm soát người khác.
SỰ PHÊ PHÁN, CHỈ TRÍCH CÓ THỂ HUỶ HOẠI MỘT MỐI QUAN HỆ KHI
- Chỉ trích các đặc điểm tính cách hơn là nhắm vào hành vi của một người.
- Sự phê phán đó mang đầy những lời trách mắng hoặc thậm chí là đổ lỗi.
- Họ không tập trung vào việc cải thiện hay làm vấn đề tốt hơn mà chỉ nhắm vào khuyết điểm hoặc điều mà họ chỉ trích.
- Họ cứng nhắc khi tin rằng chỉ có 1 cách đúng, 1 cách giải quyết duy nhất để làm mọi việc
- Cố tình làm giảm giá trị, xem nhẹ và coi thường một ai hoặc một vấn đề gì đó.
Sự chỉ trích trong một mối quan hệ thân thiết thường bắt đầm âm thần len lỏi từ mức độ nhẹ, sau đó trở nên tăng dần theo thời gian dần tạo thành một vòng xoáy phẫn uất lên người kia. Người bị chỉ trích, phê phán dần cảm thấy bị kiểm soát - điều này có thể sẽ khiến người chỉ trích càng trở nên chán chường và cáu giận hơn - từ đó tiếp tục tăng cường các hành vi phê phán của họ lên người kia.
TẠI SAO CHỈ TRÍCH VÀ PHÊ PHÁN NGƯỜI KHÁC KHÔNG CÓ TÁC DỤNG?
Thực sự rất dễ dàng thất bại khi ai đó cố tình sử dụng sự chỉ trích trong việc thay đổi các hành vi tích cực. Sự chỉ trích dường như là hiện thân của 2 điều mà mọi người không hề thích chút nào:
- Nó giống như một lời kêu gọi người khác phải phục tùng, và con người có lẽ không hề ưa thích việc phải phục tùng người khác.
- Nó ảnh hưởng đến giá trị của người khác, khiến người khác mất đi giá trị và không ai yêu thích việc này cả.
Sự chỉ trích rất độc hại đối với một mối quan hệ. Nếu như ai đó thực sự có xu hướng này, họ nên giải quyết nó trước khi huỷ hoại mọi mối quan hệ trong cuộc sống của chính mình.
Dường như những người có xu hướng phê phán không hề nhận ra một điều rằng: bản chất của cái tôi của con người rất đặc biệt, nó sẽ hợp tác khi được coi trọng và nó sẽ chống lại nếu nó cảm thấy bị động đến cái tôi bên trong mình. Nếu bạn muốn thay đổi một ai đó, hãy cho họ thấy giá trị của họ, từ đó họ dễ dàng hợp tác thay vì chỉ trích họ để chỉ nhận lại những sự phản kháng không cần thiết.
Steven Stosny Ph.D. (2014) What’s wrong with Criticism. On Psychologytoday
https://www.psychologytoday.com/us/blog/anger-in-the-age-entitlement/201404/whats-wrong-criticism
Nguồn
Nguyễn Lê Hoài Thương - Psychology facts Tâm Lý học Việt Nam
Theo tamlyhoctoipham.com