“Đay nghiến kỳ thực là những phát ngôn tiêu cực núp bóng những lời nhắc nhở, yêu cầu hoặc nài nỉ tưởng chừng vô hại,” phát biểu của Michele Weiner-Davis, thạc sĩ ngành Công tác xã hội kiêm chuyên gia tâm lý về các vấn đề hôn nhân và gia đình. “Bạn có thể than thở về người khác dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi bạn liên tục lặp đi lặp lại hành vi này theo nhiều cách khác nhau hết lần này đến lần khác, đó chính là sự đay nghiến và chì chiết”.
Nguyên nhân và hệ quả của tình trạng đay nghiến kéo dài
Theo chuyên gia Weiner-Davis, hầu hết những người đay nghiến không biết rằng mình chính là nguyên nhân gây ra bầu không khí tiêu cực trong gia đình; họ vẫn nghĩ rằng mình đang làm điều đúng. Do vậy, người đay nghiến không dễ dàng tự ngừng lại hành vi đay nghiến của mình trong một sớm một chiều: kể cả khi người bị đay nghiến nói thẳng với họ rằng họ đang đay nghiến anh ta một cách quá đáng và khiến cho bầu không khí gia đình trở nên ngột ngạt, họ không những không tiếp thu, mà còn cho rằng đối phương đang xúc phạm mình.
Sự đay nghiến và chì chiết có nguyên nhân xuất phát từ những cảm nhận và cảm xúc tiêu cực, do vậy mà trong phần lớn các trường hợp, phụ nữ cần đóng vai trò chủ động trong việc bùng nổ hay hóa giải hành vi đay nghiến. “Thống kê cho thấy phần lớn những người có thói quen than thở, càm ràm và đay nghiến là phụ nữ” - phát biểu của tiến sĩ Jamie Turndorf, chuyên gia tư vấn tâm lý về hôn nhân và gia đình - “Nhiều chị em phụ nữ cảm thấy khó khăn khi phải nói ra những điều mình muốn một cách thẳng thừng, thế là họ chọn cách liên tục rên rỉ và đay nghiến về những điều mình không đạt được hay những gì mà người kia không làm được cho mình. Họ không thích phải chia sẻ thẳng thắn về những điều mà mình thực sự muốn, cần hay mong đợi từ bạn đời. Thật không may là những lời đay nghiến và than van tiêu cực như thế chẳng bao giờ có tác dụng. Chúng không những không khiến cho người bạn đời vui vẻ tuân thủ, mà còn làm phát sinh ra một cái vòng luẩn quẩn: người đàn ông càng trơ lì trước những điều mà người phụ nữ yêu cầu, cô ta càng lải nhải và chì chiết anh ta thêm, và anh ta lại càng thêm bực bội và không muốn làm theo yêu cầu của cô ta”.
Nhưng cũng như bao mâu thuẫn khác, sự đay nghiến hay chì chiết là một hành vi có tính chất hai chiều. “Nếu người phụ nữ cảm thấy các yêu cầu của mình được đáp ứng, cô ấy chẳng cần than thở hay lải nhải làm gì”, tiến sĩ Turndoff giải thích. “Người bị đay nghiến cũng có lỗi. Nếu anh ta chịu phản hồi những yêu cầu của bạn đời mình một cách tích cực, hành vi đay nghiến đã không xảy ra”.
Theo một công trình nghiên cứu được công bố trong hội thảo thường niên của Viện Tâm lý học Tính cách và Xã hội được tổ chức vào tháng hai năm 2003, sự than thở và đay nghiến trong gia đình có thể làm sứt mẻ quan hệ vợ chồng. “Một khi bạn đay nghiến và chì chiết bạn đời một cách thường xuyên và kéo dài, bạn đang khiến họ bị tổn thọ đến 8 năm. Những lời than thở, lải nhải và chê bai tiêu cực khiến cho toàn bộ cơ thể của người nói lẫn người nghe rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ. Về lâu dài, những sự căng thẳng này được tích tụ, dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng lên tim mạch và sức khỏe tinh thần của người đay nghiến lẫn người bị đay nghiến. Chưa kể, về mặt tâm lý học, hành vi lải nhải và đay nghiến có thể phản tác dụng, khiến cho đối phương có xu hướng phòng vệ và bất tuân hơn là làm theo yêu cầu của người đay nghiến,” – lời khẳng định của tiến sĩ Mehmet Oz, giáo sư khoa Phẫu thuật Tim thuộc Đại học Colombia.
Giải pháp
Mỗi khi con cái hoặc bạn đời không làm theo yêu cầu của bạn, không nên nóng vội trách mắng, chì chiết hay kết tội họ. Thay vào đó, hãy tìm ra những cách thức hiệu quả hơn để giao tiếp với mọi người trong gia đình và thuyết phục họ làm theo lời mình một cách hợp tình hợp lý cho tất cả các bên.
Tiến sĩ Turndorf giải thích một cách hài hước rằng: “Thời nay, đến sư tử Hà Đông cũng không còn đáng sợ bằng một cô vợ đang giận dữ. Chỉ cần người phụ nữ này tiếp cận chồng mình với khuôn mặt nghiến răng nghiến lợi sẵn sàng “nghiền nát” anh ta bằng những lời chê bai hằn học, cơ thể anh chồng sẽ ngay lập tức chuyển sang chế độ phòng thủ với tinh thần “phản công” hay “bỏ chạy thoát thân.” Nhưng phần lớn các anh chồng lịch sự chẳng bao giờ muốn đánh vợ, thế là họ chọn giải pháp còn lại, tức lảng tránh và bất tuân”.
Theo Turndorf, người phụ nữ thời nay cần học cách chia sẻ thẳng thắn những nhu cầu và mong muốn của mình với bạn đời cũng như những thành viên khác trong gia đình. Họ có thể bắt đầu bằng việc miêu tả một cách rõ ràng và cụ thể điều mà họ muốn bạn đời hay con cái làm cho họ, những việc nào mà đối phương đã hoàn thành và những phần việc nào cần phải được làm tốt hơn. Kế đến, người phụ nữ cần quen với việc bộc lộ cảm nhận chân thực của bản thân về nỗ lực của đối phương, rằng mình hài lòng hay chưa hài lòng, và tại sao như thế.
Chuyên gia tâm lý Weiner-Davis đề xuất một giải pháp tích cực khác cho các chị em gặp khó khăn trong việc khắc phục thói đay nghiến: “Nếu bạn muốn đạt được điều gì, hãy hành động chứ đừng lải nhải!”. Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng than thở và đay nghiến trong gia đình chỉ là do những người có liên quan không biết cách giao tiếp sao cho hiệu quả và thuyết phục được nhau. “Những kỹ năng giao tiếp quan trọng như lắng nghe chủ động sẽ giúp chúng ta đảm bảo được rằng những thông tin được trao đổi giữa mình và đối phương đều được mỗi bên tiếp nhận và xem xét. Trên thực tế, mỗi khi các cặp đôi bàn luận hoặc tranh cãi với nhau vì bất đồng quan điểm, phần lớn họ chăm chăm bảo vệ những ý kiến của cá nhân mình mà không lưu tâm đến phần cốt lõi của vấn đề cũng như thông điệp và cảm nhận của đối phương. Một khi chúng ta học được nghệ thuật tranh luận công bằng và giao tiếp với nhau hiệu quả hơn, cả người nói và người nghe sẽ dễ dàng lắng nghe và thấu hiểu nhau. Làm được như thế, chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để đay nghiến hay chì chiết nhau”.
Cũng theo chuyên gia Weiner-Davis, mỗi khi bạn cảm thấy tức giận bạn đời đến mức muốn nạt nộ hay chì chiết họ, hãy nghĩ về những trải nghiệm tích cực mà cả hai người đã có với nhau, những khoảng thời gian vui vẻ hạnh phúc mà hai người làm nhiều điều tuyệt vời cho nhau mà chẳng cần đến một lời than thở hay chỉ trích. “Hãy nhớ lại hồi đó, mỗi khi bạn yêu cầu bạn đời làm việc gì cho mình, anh ấy đã làm rất tốt và nhiệt tình, rồi hãy nhớ lại cách bạn đã giao tiếp với anh ấy như thế nào lúc đó để anh ấy phản hồi như thế”, lời khuyên của cô Weiner-Davis. “Hãy học hỏi từ những trải nghiệm ấy, khắc phục và sửa đổi cách giao tiếp của mình sao cho phù hợp để từ đó trở đi, bạn có thể thuyết phục người thân trong gia đình thực hiện những mong muốn của mình mà không phải dùng đến những lời lẽ tiêu cực”.
Ngay cả những người bị đay nghiến cũng có một phần trách nhiệm trong việc khiến cho người kia phải nổi nóng đến mức xung đột trở nên trầm trọng. Chính những người này cũng cần phải sửa đổi cách giao tiếp của mình và học cách chia sẻ cảm nhận của bản thân đối với yêu cầu của đối phương một cách thiện chí và không trốn tránh.
“Người nào muốn đối phương làm điều gì cho mình, người đó cần chủ động nói lên yêu cầu của mình trước, trình bày rõ ràng những việc mà đối phương cần làm” - chuyên gia Weiner-Davis đề xuất. “Với người được yêu cầu, ưu tiên hàng đầu là không nên tỏ ra bị làm phiền hay nóng giận một cách vội vàng. Phản ứng này sẽ khiến cho cuộc trò chuyện ngay lập tức mất đi bầu không khí vui vẻ và thiện chí, đồng thời châm ngòi cho những cảm xúc tiêu cực không đáng có. Thay vào đó, nếu bạn cảm thấy đối phương có yêu cầu vô lý với bạn, rằng đây không phải là lần đầu tiên cô ấy làm điều này và bạn cảm thấy rất khó chịu với nó, hãy giãi bày một cách chân thành và cảm thông với bạn đời của mình theo hướng cùng nhau tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên - chứ đừng giấu giếm, phòng bị hay lảng tránh cuộc trò chuyện”.
Nếu tất cả các biện pháp trên đều không thể giúp bạn giải quyết được xung đột, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn. “Một chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ cung cấp cho bạn những cách thức để giúp bạn cải thiện vấn đề. Hoặc cả hai vợ chồng có thể tham gia các khóa học về kỹ năng ứng xử trong hôn nhân và gia đình” - Weiner-Davis đề xuất.
Các dấu hiệu để nhận diện hành vi đay nghiến
Bạn có đang đay nghiến bạn đời hay người thân của mình một cách quá mức cần thiết? Chuyên gia Weiner-Davis chia sẻ vài đặc điểm để nhận biết:
Bạn cảm thấy bực bội và căm ghét bạn đời vì không thể làm cho người ấy nghe lời mình, mặc dù bạn đã nói đi nói lại yêu cầu của mình rất nhiều lần.
Bạn đời của bạn có xu hướng giấu giếm hoặc phòng thủ mỗi khi bạn yêu cầu bất kỳ điều gì.
Bạn càng trở nên cáu bẳn và thường xuyên khó chịu với mọi chuyện nhỏ nhặt trong nhà.
Cảm giác khó chịu của bạn có xu hướng càng lúc càng nghiêm trọng và lây lan sang cả những thành viên khác trong gia đình.
Bạn bắt đầu soi mói và bắt lỗi đối phương trong mọi việc bất kể người ấy có nỗ lực thay đổi để làm bạn vui lòng. Bạn lưu tâm nhiều hơn đến những khía cạnh tiêu cực trong mối quan hệ giữa hai người và quên đi những điều tốt đẹp và tích cực mà hai người đã và đang có với nhau.
Và cuối cùng, dấu hiệu rõ ràng nhất chính là việc bạn thường xuyên lải nhải những lời tiêu cực: Một câu than thở quen thuộc đến mức “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” được bạn lặp đi lặp lại cả chục lần dưới nhiều hình thức khác nhau như mắng nhiếc, van nài, khóc lóc… và bạn không có dấu hiệu dừng lại.
ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Theo tamlyhoctoipham.com