Chúng ta đều tin rằng, người bạn đời của mình cần phải thay đổi – và thay đổi ngay lập tức. Danh sách tội phạm học những điều khiến ta khó chịu dường như chẳng bao giờ kết thúc: họ luôn trễ giờ, sống khép kín, quá thích giao du, dễ bị ảnh hưởng, bừa bộn, xa cách đến mức khó chịu – và đó mới chỉ là khởi đầu.
Những lời phàn nàn của ta có thể rất chính xác, nhưng điều đáng lưu ý là chúng hầu như chẳng mang lại kết quả gì. Có lẽ ta đã nhiều lần trách mắng, ra tối hậu thư, thậm chí gửi những email giận dữ lúc nửa đêm – nhưng họ vẫn tiếp tục sống y như cũ. Thay đổi một con người hóa ra không phải chuyện đơn giản.
Để tiết kiệm sức lực, thay vì cố thay đổi họ, ta nên bắt đầu từ một nơi khác: chính bản thân mình. Bằng cách tập trung vào điều ta có thể kiểm soát và dễ dàng thực hiện hơn, ta sẽ lấy lại quyền chủ động trong mối quan hệ.
Dưới đây là bảy cách giúp ta cải thiện mối quan hệ, không phải bằng cách ép họ thay đổi, mà bằng cách điều chỉnh cách ta nhìn nhận và ứng xử với họ:
Victor Pasmore, Lamplight, 1941
1. Kể cho họ nghe cảm xúc của bạn
Thay vì yêu cầu họ thay đổi ngay lập tức, ta có thể nhẹ nhàng chia sẻ những gì ta cảm thấy khi đối diện với hành vi của họ. Con người dễ đồng cảm với một người đang buồn hơn là một người đang giận dữ; dễ hiểu cho nỗi sợ hãi hơn là cơn cuồng nộ. Hãy nói với họ rằng ta đã tổn thương thế nào khi họ trễ giờ, khi họ dành quá nhiều thời gian cho bạn bè hay khi họ không trả lời tin nhắn của ta. Đừng đối đầu với họ bằng sự cay nghiệt hay giận dữ, mà hãy để họ thấy được nỗi buồn và lo âu sâu thẳm trong lòng ta.
2. Hỏi họ lý do
Thay vì mặc định rằng họ cố ý làm ta đau, hãy thay sự chắc chắn đen tối ấy bằng một chút tò mò. Lần đầu tiên, hãy thử hỏi vì sao họ lại dành quá nhiều thời gian cho bạn bè, tại sao công việc với họ lại quan trọng đến vậy, hoặc vì sao họ hay trễ hẹn. Những điều họ làm có thể không hề nhằm làm tổn thương ta, mà xuất phát từ những lý do rất sâu xa và cảm động mà ta chưa từng nghĩ tới. Hành vi của họ có thể không thay đổi, nhưng cách ta hiểu và phản ứng với nó có thể sẽ khác.
3. Nhìn nhận đó là điểm yếu của một phẩm chất tốt
Những đặc điểm khiến ta bực mình có thể liên quan đến những phẩm chất tốt đẹp khác của họ. Ví dụ, việc họ hay trễ giờ có thể là mặt trái của tính cách phóng khoáng, cởi mở. Thói quen làm hài lòng người khác đôi khi lại bắt nguồn từ sự đồng cảm sâu sắc. Sự cứng nhắc có thể là hậu quả của tính cách đáng tin cậy. Một khi ta nhìn ra mối liên hệ giữa những khuyết điểm và ưu điểm của họ, sự khó chịu của ta có thể sẽ dịu bớt. Đôi lúc, ta phải chấp nhận trả giá ở một khía cạnh để nhận lại điều tốt đẹp ở một khía cạnh khác.
4. Bớt kỳ vọng
Hãy chấp nhận rằng mối quan hệ sẽ luôn có vấn đề, để ta không còn bất ngờ hay thất vọng mỗi khi chúng xảy ra. Sự bi quan, đôi khi, là người bạn của tình yêu. Chúng ta yêu một người không hoàn hảo, không phải do xui xẻo, mà bởi bản chất con người vốn dĩ đầy khuyết điểm. Ai ta yêu cũng sẽ có lúc làm ta bực mình, bởi chẳng có ai trên đời này là hoàn hảo cả – kể cả chính ta.
5. Đặt biệt danh cho những tính xấu
Hãy biến nước mắt thành tiếng cười. Những điều phiền toái nhất đôi khi lại trở thành nguồn vui, nếu ta biết nhìn chúng bằng con mắt hài hước. Thử đặt biệt danh cho những khuyết điểm của họ – một cái tên trái ngược hoàn toàn với tính xấu ấy: cô Nhanh Nhẹn (dù họ luôn trễ giờ), anh Gọn Gàng (dù họ cực kỳ bừa bộn), bà Dễ Thương và Cởi Mở (dù họ rất lạnh lùng). Như Oscar Wilde từng nói: “Nếu bạn muốn nói sự thật, hãy khiến người ta cười, nếu không họ sẽ giết bạn.”
6. Đối xử tử tế khi có thể
Họ đã khiến ta tức giận vô cùng, nên sự tử tế có vẻ là điều khó khăn nhất. Nhưng ta càng không tử tế, mối quan hệ sẽ càng tệ hơn. Nếu một người có thay đổi, thì đó không phải vì họ bị la mắng, bị so sánh, hay bị chê bai, mà vì họ được yêu thương, thấu hiểu, và cảm thông. Tử tế không phải là yếu đuối hay đầu hàng, mà đơn giản là cách duy nhất có hiệu quả.
7. Nhớ rằng ta luôn có thể rời đi
Nghịch lý thay, việc ý thức rằng ta không bắt buộc phải ở lại có thể giúp ta đủ sức để tiếp tục cố gắng. Khi ta nhớ rằng mình có quyền tự do, sự hiện diện của ta trong mối quan hệ sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, xuất phát từ lựa chọn chứ không phải sự gượng ép. Ta sẽ làm hết sức – cho đến khi không thể nữa.
Điều khiến ta hoảng loạn trong tình yêu thường là cảm giác bất lực trước một người vừa làm ta đau, vừa nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng thực ra, ta luôn có thể lấy lại thế chủ động – bằng cách thay đổi cách ta đối thoại, cách ta nhìn nhận, và cách ta ứng xử.
Cải thiện mối quan hệ không nhất thiết phải bắt đầu bằng việc ép buộc người kia trở thành một con người khác, mà bằng việc thay đổi cách ta đón nhận và phản ứng với con người họ vốn là.
Nguồn: CHANGING YOURSELF RATHER THAN TRYING TO CHANGE YOUR PARTNER - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com