Một trong những tạo vật kỳ lạ của tự nhiên là loài đom đóm – một loài bọ cánh mềm phát ra ánh sáng vàng ấm áp từ phần bụng dưới, thường vào lúc chạng vạng, để thu hút bạn tình hoặc con mồi. Dù khá hiếm ở châu Âu và Bắc Mỹ, đom đóm là hình ảnh quen thuộc tại Nhật Bản, nơi chúng được gọi là hotaru. Mùa đom đóm rộ nhất là vào tháng Sáu và tháng Bảy, khi chúng tụ họp thành bầy bên những con sông, hồ nước. Ánh sáng lấp lánh của hotaru được xem là mê hoặc đến mức người Nhật tổ chức các lễ hội đom đóm – hotaru matsuri – để chiêm ngưỡng điệu múa ánh sáng của chúng.
Nhưng tại Nhật Bản, có một điều còn kỳ lạ hơn đã xảy ra với đom đóm: chúng đã trở thành một biểu tượng triết học. Trong nhiều thế kỷ, các nhà thơ và triết gia Thiền tông – hai khái niệm gần như không thể tách rời trong văn hóa Nhật – đã nhận thấy sự tương đồng giữa đom đóm và một tư tưởng cốt lõi của Thiền: sự ngắn ngủi của kiếp người. Thiền không nhìn nhận sự vô thường là bi kịch. Thay vào đó, bằng cách chấp nhận vẻ đẹp của sự tạm bợ, con người có thể đạt đến giác ngộ và hòa hợp với quy luật tất yếu của tự nhiên.
Fireflies at Ochanomizu. Kobayashi Kiyochika (1847-1915)
Đối với Thiền, đom đóm là biểu tượng hoàn hảo cho sự phù du được diễn giải theo hướng tích cực: mùa sống của chúng vô cùng ngắn ngủi, ánh sáng của chúng chỉ bừng lên trong những ngày hè đỉnh điểm, và luôn chập chờn như một ngọn nến trước gió. Đom đóm vừa mong manh, vừa lộng lẫy đến nao lòng khi được chiêm ngưỡng trong đêm hè, giữa một cánh rừng thông hay cánh đồng yên tĩnh. Chúng là phép ẩn dụ cho cuộc đời đầy cảm xúc của chính chúng ta.
Thiền tông liên tục tìm kiếm những chủ đề triết học lớn lao trong thế giới tự nhiên, như cách nó nhìn vào cây tre (biểu tượng của sự kiên cường), nước (dấu hiệu của sức mạnh bền bỉ, có thể mài mòn đá) hay hoa anh đào (biểu tượng cho niềm vui sướng giản đơn, thuần khiết). Thiền mượn những thứ nhỏ bé, bình dị nhất trong tầm mắt chúng ta để neo giữ con người vào những chân lý lớn lao về kiếp nhân sinh và quy luật tự nhiên.
Nhà thơ vĩ đại thế kỷ 17, Matsuo Basho, qua hình ảnh loài sinh vật nhỏ bé, đã gạt sang bên những phù phiếm đời thường, khát khao phù du của con người, để nhắc nhở ta trân trọng sự hữu hạn của chính mình:
Rơi khỏi lá cỏ
Để bay đi –
Một chú đom đóm.
Đối với Thiền tông, đom đóm là biểu tượng lý tưởng – bằng đôi cánh mỏng manh – mang theo lời nhắc nhở con người cần biết cách chấp nhận một cách thanh thản trước sự vĩ đại và bí ẩn của vũ trụ. Kobayashi Issa, một vị sư Phật giáo đồng thời là bậc thầy haiku thế kỷ 18, đã sáng tác 230 bài thơ về đom đóm. Trong một bài thơ nổi tiếng nhất của ông, thời gian như ngừng lại để con người cảm nhận sâu sắc hơn sự trôi qua của nó:
Những chú đom đóm lấp lánh
Khiến miệng ếch
Cũng há hốc nhìn.
Đó là khoảnh khắc nhỏ nhoi của satori – sự giác ngộ. Con ếch, cũng như nhà thơ, đều ngỡ ngàng trước ánh sáng xuyên thấu của loài đom đóm dũng cảm nhưng sớm lụi tàn – giống như chúng ta, những con người nhỏ bé trong cõi đời, cũng nên kinh ngạc, sợ hãi, biết ơn và cuối cùng là hân hoan khi được ban tặng vài khoảnh khắc ngắn ngủi để chiêm nghiệm và tìm hiểu ý nghĩa tồn tại của chính mình trong vũ trụ rộng lớn và khó lường, nơi đã tồn tại suốt 13,8 tỷ năm qua.
Nguồn: ZEN BUDDHISM AND FIREFLIES - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com