Khi đón chào một đứa trẻ vào đời, ai cũng sẽ bảo bạn: “Hãy tận hưởng khoảng thời gian này. Ngày thì dài, mà năm thì ngắn ngủi!”
Lời khuyên này đúng, rất đúng! Có những khoảnh khắc làm cha mẹ, bạn chẳng thể tin nổi con mình lớn nhanh đến thế.
Thế nhưng, cái văn hoá “Thời gian trôi nhanh lắm” này dường như chỉ xoay quanh những năm tháng nuôi con, như thể chúng ta quên mất rằng thời gian nào cũng đáng trân trọng và cần được đầu tư nhiều hơn thế.
Con cái giống như chiếc đồng hồ cát sống động. Chúng biến thứ gọi là “dòng chảy thời gian” từ một khái niệm mơ hồ, thoảng qua thành một điều gì đó hữu hình, chạm vào tận tâm can. Khi bạn chứng kiến ngày qua ngày một đứa trẻ bé bỏng, quậy quạng trở thành một chàng trai vạm vỡ, chẳng thể nào không nhận ra thời gian đang bước đi gấp gáp. Trẻ con như những lời nhắc về sự hữu hạn, ngồi đối diện với ta ở bàn ăn mỗi sáng.
Khi các bậc phụ huynh nghẹn ngào đưa con vào đại học, đó không chỉ là nỗi buồn vì phải chia xa người bạn đồng hành suốt mười tám năm trời, mà còn là khoảnh khắc thoáng nhận ra sự hữu hạn của chính mình, cứ như có cái gì chặn ngang cuống họng.
Ta hay nghĩ rằng sở dĩ mình trân trọng những năm tháng nuôi con vì nó đặc biệt vô cùng. Đúng là đặc biệt thật. Nhưng cũng vì nó là quãng thời gian hiếm hoi ta nhạy cảm với sự ngắn ngủi của thời gian.
Dù bạn chưa có con hay đã có cả một đàn con, dù con bạn còn bi bô hay đã dậy thì, dù là một người mới làm cha mẹ hay đã chạm đến tuổi rời tổ, mỗi giai đoạn của đời người đều đáng quý, đều đặc biệt — nếu ta nhận ra rằng chúng cũng chỉ đến một lần rồi đi.
Thật đúng đắn khi các bậc cha mẹ được nhắc nhở hãy trân quý thời gian nuôi con. Nhưng tất cả chúng ta cũng cần nghe lời nhắn ấy. “Hãy tận hưởng khoảnh khắc này. Bạn sẽ chẳng bao giờ có tuổi 26, 43, hay 62 thêm lần nào nữa.”
Nguồn: Art of Manliness
Theo tamlyhoctoipham.com