Những điểm cốt lõi
- Khinh miệt lan truyền nhanh như lửa, và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự phóng chiếu
- Phóng chiếu là khi chúng ta gán ghép những trạng thái cảm xúc, thái độ hoặc kỳ vọng của bản thân lên người khác. Đồng nhất phóng chiếu xảy ra khi chúng ta hành động theo đúng với sự phóng chiếu đó.
- Một khi khinh miệt đã trở thành một phần trong cơ chế tự vệ của con người, sự thay đổi trong hành vi của đối phương sẽ không đủ để làm nó biến mất.
Trong các mối quan hệ yêu đương, khinh miệt là kết quả cuối cùng của một chuỗi dài những oán giận, được tích tụ bởi cảm giác bị đối xử bất công. Nó làm cho người bạn đời giống như kẻ thù hơn là người yêu. Họ không nhìn nhận rằng vấn đề xuất phát từ cách họ tương tác hay điều chỉnh cảm xúc với nhau, mà lại cho rằng nguyên nhân nằm ở bản chất của đối phương: một bên đánh giá đối phương là vô đạo đức, ích kỷ, không ổn định hay ngu ngốc – như thể có gì đó sai lầm căn bản trong con người họ.
Khinh miệt có thể đẩy người ta tìm đến Internet để chẩn đoán đối phương của mình mắc phải các chứng rối loạn nhân cách. Khi một người cố gắng tìm lý do để chẩn đoán đối phương, đó là dấu hiệu rõ ràng rằng sự khinh miệt đã quá lớn, và nếu không dừng lại, mối quan hệ sẽ nhanh chóng đổ vỡ. Khó có thể cảm thông, tử tế và yêu thương một người mà bạn khinh miệt, và tương tự, khó mà nhận được sự cảm thông, yêu thương từ một người đang khinh miệt bạn. Một mối quan hệ đang bị cuốn vào vòng xoáy của sự khinh miệt chẳng khác nào một bệnh nhân đang thoi thóp trên máy hỗ trợ sự sống. Nếu không có can thiệp quyết liệt, nó sẽ lụi tàn.
Làm sao biết bạn đang khinh miệt người bạn đời của mình?
Khinh miệt hiện diện khi bạn bắt đầu sử dụng (hoặc thậm chí chỉ nghĩ đến) những từ ngữ đầy phán xét như lười biếng, ích kỷ, vô tâm, điên rồ, tự yêu bản thân, rối loạn nhân cách, v.v. Những nhãn mác tiêu cực này không chỉ củng cố hành vi mà bạn không mong muốn, mà còn gần như đảm bảo rằng bạn sẽ thấy nhiều điều đó hơn. Bởi vì, những người bị xem là lười biếng, ích kỷ, vô tâm và điên rồ sẽ hành xử đúng như những gì bạn nghĩ về họ. Khinh miệt là sự tiên tri tự hoàn thành rõ ràng nhất.
Mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn
Phóng chiếu là khi ta gán những cảm xúc, thái độ hay kỳ vọng của mình lên người khác. Ví dụ, khi ta cảm thấy bực bội, ta thường buộc tội người kia cũng đang bực bội. Nếu một người cảm thấy tội lỗi vì bị thu hút bởi một diễn viên trên TV, anh ta có thể nói rằng đối phương đang chú ý đến nam chính. Những người mong đợi sự thất vọng hay bị tổn thương sẽ áp đặt điều đó lên mọi hành động của đối tác.
Sự đồng nhất phóng chiếu xuất hiện khi ta hành xử theo đúng những gì người khác đã gán cho mình – bạn trở nên khó chịu khi bị buộc tội là đang khó chịu, hay nhận thấy diễn viên thực sự hấp dẫn sau khi đối tác nhắc đến. Trẻ em cũng rất dễ tiếp nhận những sự phóng chiếu từ người lớn rằng chúng là “hư hỏng,” “ích kỷ,” “lười biếng.”
Điều này xảy ra quá thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày đến mức ta hầu như không nhận ra. Khi một người bạn nghĩ rằng bạn nói xấu sau lưng cô ấy, bạn có thể muốn kể điều đó cho một người khác. Nếu ai đó cho rằng bạn không thích anh ta, bạn sẽ dần nhận thấy những điều ở anh ta mà bạn thực sự không thích. Nếu đồng nghiệp cho rằng bạn hài hước, bạn sẽ cố gắng làm họ cười. Những người cho rằng bạn giàu lòng trắc ẩn sẽ khiến bạn quan tâm hơn đến sức khỏe và hạnh phúc của con cái họ. Nếu ai đó tin rằng bạn thông minh, bạn sẽ cố gắng không nói điều ngớ ngẩn trước mặt họ. Và nếu họ cho rằng bạn chỉ trích, bạn sẽ dễ cảm thấy thôi thúc để chỉ trích. Còn nếu họ nghĩ bạn ích kỷ, bạn sẽ ít thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và niềm vui của họ.
Dĩ nhiên, ta không cần phải hành xử theo sự phóng chiếu của người khác, nhưng điều này đòi hỏi một sự chú tâm cao độ. Khi ta để chế độ “tự động” thì sự đồng nhất phóng chiếu sẽ thắng thế.
Lý do khiến sự đồng nhất phóng chiếu mạnh mẽ đến vậy là vì nó cho phép ta dự đoán được hành vi trong các tình huống xã hội, điều giúp ta cảm thấy an toàn và có trật tự. Hành vi bất ngờ thường gây ra lo âu, giống như khi ai đó nói lớn trong nhà hàng, cởi đồ nơi công cộng, hay nói những điều khiếm nhã tại một bữa tiệc.
Khinh miệt như một cơ chế phòng vệ
Khi khinh miệt trở thành một phần trong hệ thống phòng thủ của một người, sự thay đổi trong hành vi của đối tác sẽ không làm nó mất đi. Hành vi của đối phương có thể là khởi đầu của sự khinh miệt, nhưng một khi nó đã bắt đầu, khinh miệt sẽ phát triển độc lập. Tôi chưa từng thấy trường hợp nào mà sự thay đổi hành vi của một người có thể thay đổi được sự khinh miệt của người kia. Ngay cả khi người gây ra sự bất mãn làm mọi điều đối tác mong muốn, vẫn sẽ có sự oán giận vì điều đó không diễn ra sớm hơn: “Tất cả những năm tháng tôi đã lãng phí bên cạnh một kẻ ích kỷ, và bây giờ bạn mới trở nên tử tế!”
Khi sự khinh miệt còn tồn tại, bất kỳ thay đổi tích cực nào từ đối tác cũng sẽ chỉ cảm thấy là quá ít, quá muộn.
Khinh miệt làm bạn trở nên khinh miệt hơn
Điều đầu tiên bạn cần biết về khinh miệt là nó ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn bất cứ ai khác. Thật khó để bạn có thể tự yêu thương bản thân đúng như bạn xứng đáng khi bạn đang chứa đựng sự khinh miệt. Mặc dù khinh miệt nhắm vào người bạn đời, nhưng bên trong nó lại chất chứa sự giận dữ và tự khinh miệt chính mình vì đã "chịu đựng quá lâu." Bạn sẽ dằn vặt bản thân vì đã từng tin tưởng hay yêu thương đối tác ngay từ đầu.
Cảm xúc lây lan
Khinh miệt là một cảm xúc cực kỳ dễ lây lan và chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự phóng chiếu cảm xúc. Khi bạn ở gần một người hay khinh miệt, bạn cũng dễ bị cuốn vào cảm giác này. Nhưng đây là tin tốt: Lòng trắc ẩn cũng có khả năng lan tỏa, dù ở mức độ thấp hơn. Khi bạn ở bên một người đầy trắc ẩn, bạn cũng có xu hướng trở nên bao dung hơn. Và khi bạn nhìn nhận người khác là những người giàu lòng trắc ẩn, họ có thể sẽ trở nên chu đáo hơn. Nhưng ngay cả khi họ không thay đổi, bạn vẫn sẽ sống đúng với những giá trị sâu sắc của mình và giải thoát bản thân khỏi sự khinh miệt đang hủy hoại sức khỏe và hạnh phúc của chính mình.
Nguồn: How Love Turns Into Contempt | Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com