Ado - tuổi giao thời
"Ado" là từ viết tắt của "adolescent" trong tiếng Anh và Pháp, tức là "thiếu niên" trong tiếng Việt. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là ngưỡng tuổi từ 10 - 19, giai đoạn trung chuyển giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành.
Đây là giai đoạn phát triển bản lề của mỗi cá thể đặt nền móng căn bản cho sức khỏe thể chất và tinh thần, hình thành nên nhân cách cho cả một đời người.
Thiếu niên cũng đồng nghĩa với sự tăng trưởng rất nhanh về thể chất, tâm lý và nhận thức; đồng nghĩa với sự thay đổi chóng mặt về cảm xúc, hành vi và tính dục; thậm chí đồng nghĩa với các cơn khủng hoảng.
Và biểu hiện trong sinh hoạt thường ngày mà các bậc phụ huynh nhận thấy là: "nó lúc vui, lúc buồn, lúc nói to nói nhiều, lúc lầm lì, cáu bẳn"(**). Rồi "nó lơ đãng, lười học", "mất hết động lực". Tệ hơn, "nó như "hồn ma" lượn lờ", "nó như "âm binh" phá đám trong nhà".
Nhưng trước khi dùng những ngôn từ nặng nề và buồn bã mô tả về con, người lớn hãy bình tâm quan sát. Và đừng quên rằng quãng đời niên thiếu là cả một đại công trường dang dở! Mọi thứ từ bên trong: cơ thể, tâm tính, tính khí, tâm trạng đều đảo lộn nên những đứa con của chúng ta cũng đang phải vật lộn với những xáo trộn này.
Sự mâu thuẫn nội tại là điều khiến con cái của chúng ta cảm thấy bất lực và khó hiểu về chính bản thân. Chúng rất cần tự do nhưng luôn muốn dựa dẫm vào cha mẹ, thích độc lập nhưng lại muốn phụ thuộc nếu cần. Chúng bối rối trước giận và thương, yêu và ghét, vô tâm và trách nhiệm, chúng băn khoăn giữa các ranh giới của cấm kỵ và được phép…
Và điều kinh khủng nhất với chúng là với những mối rối bòng bong này, chúng không phân định và biểu đạt được cho chính bản thân, và vì thế, không tài nào giải thích được cho người lớn để được hiểu và thông cảm.
Đấy là còn chưa kể những áp lực đến từ bên ngoài: từ so sánh giữa bạn bè đồng trang lứa, từ mong đợi và tham vọng từ gia đình, và có thể còn từ một cuộc khủng hoảng kép nữa.
Minh họa: Jesse Zhang cho NPR
Hai cuộc khủng hoảng va vào nhau
Cuộc khủng hoảng kép ấy chính là khủng hoảng của cha mẹ và của con cái song hành. Khủng hoảng của chúng là biến chuyển tâm sinh lý, định vị cái tôi, khám phá vị đời… Khủng hoảng của cha mẹ là khủng hoảng trung niên, vì muôn vàn lý do: sự nghiệp, hôn nhân, sức khỏe thể chất và tinh thần, ý nghĩa cuộc đời…
Nếu các bạn đang ở ngưỡng 40-55 tuổi và con các bạn 10-19 tuổi thì rất có thể hai cuộc khủng hoảng đang va đập vào nhau, qua nhiều hình thái: lúc mạnh lúc nhẹ, thường xuyên căng thẳng, lên đến kịch điểm, mất kết nối, thành những "kẻ xa lạ"…
Trong những cuộc xung đột giữa hai bên, đặc biệt qua giao tiếp (cãi lộn, tranh cãi), đôi bên đều nhận về những cảm xúc rất tiêu cực: giận dữ, thất vọng, bất lực, tổn thương, sỉ nhục…
Trong một nền văn hóa Khổng giáo, xung đột thường là cán cân lệch: cha mẹ đứng trên cao dùng tôn ti và uy quyền của người lớn để áp đặt con: "Mẹ cháu nổi cáu luôn và giở cái giọng 'tao là mẹ mày…'. - Thế cháu phản ứng như thế nào lúc đó? - Cháu im chứ làm gì, đợi bão qua thôi cô!".
Hoặc ngược lại, luồng gió tự do, được cho là từ Tây phương, thổi vào nhà khiến đứa con thành "vua con": "Chị bực, nghiêm mặt, yêu cầu nó ngồi xuống nói chuyện, thế mà nó đập bàn, đứng phắt dậy quát chị "Tôi không nói chuyện với bà!" (…) Ở cơ quan, nói nhân viên nó không nghe, về nhà bị con quát. Đấy em xem, có khổ nhục không?!".
Minh họa: Kim Ryu cho NPR
Một lần nữa, người lớn hãy bình tâm soi chiếu tiếp những đứa trẻ do chúng ta sinh ra. Tuổi niên thiếu là một cuộc tìm kiếm không ngưng nghỉ sự tự chủ và tự do, như thể đấy là lẽ sống của tụi nhỏ! Điều đó dẫn đến những chênh lệch tất yếu giữa hai thế hệ về quyền, quyền hành và ngôi thứ của mỗi bên.
Cha mẹ cho rằng luôn tạo điều kiện và ưu đãi con và mọi quyết định phải được dựa vào sự "trao đổi song phương", trong khi đó, đứa con lại đòi hỏi thêm quyền lợi và chỗ đứng trong những quyết định của gia đình.
Khác với trẻ nhỏ, thiếu niên dần được trang bị tư duy nhận thức giúp chúng lập luận cho hành động và thái độ của mình, mà cha mẹ hay mắng là "mày cãi à" và nhất là chất vấn các quyết định của người lớn, mà cha mẹ thường bình là "trứng đòi khôn hơn vịt".
Vì thế, trong thực tế, cha mẹ và con cái thường không dùng chung hệ lý lẽ. Cha mẹ lấy "lập trường" từ những quy ước, quy tắc, quy chuẩn của đạo đức, truyền thống văn hóa, gia đình và xã hội. Con trẻ lại dựa vào cái tôi cá nhân vẫn đang trên quá trình hoàn thiện, thế nên, khi gặp bất bình, trẻ phản ứng rằng "cháu bị đối xử bất công", "bố mẹ coi thường cháu", "cháu không là gì trong mắt bố mẹ"…
Cha mẹ muốn con hòa nhập vào xã hội và thành công trong sự nghiệp và cuộc sống nên muốn uốn nắn con theo quy chuẩn xã hội. Ngược lại, đứa con phản đối vì cho là quá nặng nề, lệ thuộc và cứng nhắc. Hãy lấy ví dụ từ một việc nhỏ nhặt và thường nhật: dọn phòng.
"- Dọn phòng của con đi, trong cái nhà này, ai cũng phải tự dọn dẹp phòng của mình!
- Ai làm thì là việc của người nấy! Con cực kỳ hạnh phúc trong cái phòng không dọn dẹp của con. Mẹ bảo lộn bậy nhưng con luôn tìm thấy thứ con cần trong cái đống đấy".
Hay một ví dụ khác: cả nhà cùng đi chơi thăm họ hàng.
"- Sao con cứ gí mặt vào cái điện thoại suốt đường đi thế. Đã thế, đến nhà bác lại không nói chuyện hỏi thăm bác và các chị!
- Ơ hay, trên ô tô, bố mẹ cứ bàn chuyện làm ăn với chính trị, có hỏi gì con đâu mà con nói! Mà bác cũng buồn cười, động tí là hỏi điểm số với yêu đương. Không còn chủ đề gì hay ho hơn để nói à? Mà sao người lớn cứ động tí là hỏi nhỉ?".
Rõ ràng, những đối đáp ở trên đang "bật lại nhau" vì mỗi bên đang "cố thủ" theo logic riêng của mình. Nhận định ai đúng - sai, ai phải - trái ở đây sẽ không hợp lý và chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng trong giao tiếp.
Mối quan hệ cha mẹ và con cái nếu đi theo chiều dọc "trên bảo dưới nghe" của những mệnh lệnh, cấm đoán, áp đặt và ép buộc thì không những xung đột gia tăng mà còn triệt tiêu những giải pháp hòa hợp và công bình.
Theo quan sát từ thực tiễn làm nghề khai vấn học đường của tôi, hiện nay phụ huynh đang có hai phương thức giải quyết mâu thuẫn chính: hoặc là "mặc kệ mày, tao nói không nghe, cho đời nó dạy mày", hoặc "anh lo lắm, giờ phải quản lý nó chặt hơn". Còn những phương thức đối thoại, trao đổi, thậm chí thỏa ước vẫn còn hiếm hoi trong đại đa số các gia đình.
Chuyển mùa trong bình an
Nhưng các vị phụ huynh hãy bình tâm lần nữa, vì mâu thuẫn là một phần tất yếu của cuộc sống, mâu thuẫn với con ở cái tuổi "nửa ông nửa thằng" sẽ chỉ là những rối loạn nhất thời nếu tính cả chiều dài cuộc đời của chúng ta và của các con. Đây chính là cơ hội để hai thế hệ định vị lại trách nhiệm, chỗ đứng và tầm quan trọng với nhau.
Những mâu thuẫn gia đình đã và đang ảnh hưởng, gián tiếp hoặc trực tiếp, đến các kỹ năng giao tiếp và ứng xử. Mâu thuẫn nếu được bộc bạch và giải quyết trong một không khí lắng nghe, tôn trọng, vị tha thì hệ quả sẽ ảnh hưởng tích cực đến con, giúp con trưởng thành trong suy nghĩ và hành vi.
Nếu mâu thuẫn được giải quyết một cách độc đoán, ép buộc thì chúng ta đang gián tiếp góp phần hình thành ở con trẻ sự dối trá (để tránh tội), sự chịu đựng (để cho qua) hay thái độ hung hãn, bạo lực (để tự vệ) không chỉ với người thân, với bạn bè ngay lúc này, mà còn với đồng nghiệp và xã hội trong tương lai.
Trong bài viết này, sở dĩ tôi nhắn nhủ quý vị ba lần "hãy bình tâm" bởi tôi rất hiểu điều này không dễ dàng và tự nhiên ở mỗi chúng ta trong vai trò cha mẹ. Nhưng với con trẻ, tâm thế của chúng ta quan trọng hơn cả, các kỹ năng trong dạy dỗ, giao tiếp, ứng xử sẽ đến sau. Và trên tất thảy là tình yêu thương và niềm tin ở con!
Tác giả: THỤY PHƯƠNG – Tiến sĩ giáo dục học, nhà khai vấn học đường
** Các trích dẫn in nghiêng trong ngoặc kép được lấy ra từ những phiên khai vấn giữa các thân chủ và tác giả.
Theo tamlyhoctoipham.com