Có rất ít điều khiến ta đau lòng như khi phát hiện ra mình là nạn nhân của lời nói dối. Ta tin rằng người yêu sẽ thật thà; rồi phát hiện ra họ âm thầm trò chuyện với ai đó sau lưng. Ta nghĩ rằng bạn bè sẽ chia sẻ mọi kế hoạch với mình; rồi nghe được rằng họ tổ chức tiệc tùng mà chẳng hề nhắc tới ta.
Trong nỗi thất vọng và tổn thương, ta hay tuyên bố rằng mình “ghét nói dối” và tự hào vì sự chân thành, trái tim thuần khiết của mình. Nhưng khi làm thế, ta bỏ qua một câu hỏi thú vị và khó khăn hơn nhiều: tại sao sự dối trá lại tồn tại?
Có thể nói một cách khái quát, rằng người ta thường xuyên nói dối để bảo vệ người khác khỏi những nỗi đau có thể xé nát lòng, nếu sự thật được bày ra trần trụi.
Cháu nhỏ ba tuổi hỏi bác có thích bức tranh vẽ tàu ngầm của mình không; một đứa trẻ hỏi cha mẹ có yêu thương tất cả các con như nhau không; một người hỏi người yêu có nghĩ đến ai khác trong lúc ân ái không; nhân viên hỏi sếp có tính thay đổi cấu trúc công ty không.
Ta nói dối, bởi nếu nói thật, sẽ có ai đó bị tổn thương không sao chữa lành; có người sẽ hoảng sợ đến mức mất bình tĩnh; có người sẽ không còn đủ sức để bước tiếp. Đương nhiên, ta có thể trách người dối trá, nhưng ta cũng nên nhận ra rằng một phần lý do của sự dối trá đến từ chính cách mà những người bị dối lừa đã phản ứng. Ta không thể vừa đòi hỏi sự thật tuyệt đối từ người khác, vừa phản ứng mạnh mẽ mỗi khi đối diện với sự thật trần trụi.
Photo by Jametlene Reskp on Unsplash
Ta sống trong một thế giới đầy những lời nói dối, vì ta không thể nào chịu đựng nổi những điều bi quan đủ mức để khiến dối trá trở nên không cần thiết nữa. Ta dối trá vì ai cũng tràn trề hy vọng và quá phụ thuộc vào những hy vọng đó. Vừa lạc quan vừa phi lý nếu ta cứ khăng khăng rằng sự thật sẽ luôn mang đến điều tốt đẹp.
Nếu ta có thể nói cho nhau nghe mọi sự thật mà không gây ra sóng gió, thì có lẽ ta cũng phải từ bỏ đi những niềm tin dịu dàng mà ta đang dựa vào để sống sót và giữ vững tinh thần. Sẽ rất ít lời nói dối nếu ta có thể – bằng cách nào đó – chấp nhận rằng nhân viên chỉ muốn nâng cao thu nhập; rằng chủ doanh nghiệp chỉ chăm chăm tối đa hóa lợi nhuận; rằng người yêu chỉ muốn tìm người phù hợp và hấp dẫn nhất mà họ có thể đạt được; rằng cha mẹ tự nhiên sẽ nghiêng về đứa con nào có cùng sở thích, thói quen với họ; rằng dấu hiệu tuổi già không tránh khỏi việc làm giảm đi sự hấp dẫn; rằng người ta đôi khi có những suy nghĩ rất hoài nghi về chính những người bạn của mình; hoặc rằng bạn bè thường nói thích gặp ta hơn nhiều so với động lực thật sự để làm điều đó.
Đây là những ý tưởng khó chịu mà ta buộc phải chấp nhận. Chúng phá vỡ hy vọng về lòng người, vấy bẩn những niềm tin vào sự trung thành, tình yêu vô điều kiện, sự trong sáng của trái tim, nỗ lực, và việc không có động cơ tài chính hay tình dục nào phía sau. Điều đáng ghét không chỉ là sự dối trá; chúng ta còn nên ghét sâu xa hơn – và đáng được cảm thông vì sự chán ghét ấy – là những thực tại u ám mà bản chất con người dường như được xây dựng trên đó. Ta thể hiện sự ngạc nhiên và sốc khi đối diện với lời nói dối; nhưng có lẽ điều đáng làm tan nát lòng ta hơn là bản chất của sự tồn tại.
Thay vì chỉ phàn nàn về từng ví dụ dối trá này hay nọ, ta nên trải lòng hơn và cảm thông sâu sắc hơn với những điều hiển nhiên trong xã hội: người yêu sẵn sàng phản bội ta khi có ai đó tốt hơn xuất hiện, nhân viên và chủ lao động có thể dễ dàng từ bỏ ta, bạn bè không thể nào dịu dàng như ta mong muốn. Đây mới chính là sự thật nghiệt ngã mà sự chán ghét của ta nên hướng tới.
Ta không thể mong mình sẽ hoàn toàn dửng dưng với dối trá. Nhưng theo thời gian, ta có thể sẽ dự đoán được chúng nhiều hơn, bớt ngạc nhiên khi chúng xuất hiện và đón nhận chúng với một chút buồn bã, bình thản trước bối cảnh u sầu nơi những lời dối trá xảy ra. Rốt cuộc, cũng chẳng có gì quá ngạc nhiên nếu một người bạn lẳng lặng bỏ đi mà không nói lời nào, hoặc ai đó thân thiết không thật lòng về động cơ của họ. Bên cạnh việc ghét những lời dối trá, ta có thể dành một phần trách nhiệm cho những ảo tưởng ban đầu về nhau – những ảo tưởng đã khiến dối trá trở nên cần thiết và khiến tất cả chúng ta, một cách dễ hiểu, đều quá yếu đuối để có thể sống thiếu chúng.
Nguồn: A ROLE FOR LIES
Theo tamlyhoctoipham.com