Cằn nhằn – một hành động nặng nề, khó chịu, phản tác dụng nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu và đáng thương – thực chất là phiên bản vụng về của một khát vọng cao cả: mong muốn thay đổi người khác.
Có biết bao điều ở họ mà ta mong muốn thay đổi, một cách chính đáng. Vì con người chúng ta là những cá thể không hoàn hảo. Ta muốn họ sống tự giác hơn, đúng giờ hơn, hào phóng hơn, đáng tin hơn, biết nhìn lại bản thân, kiên cường, thấu hiểu, sâu sắc hơn… Ở nhà, ta muốn họ chú ý nhiều hơn đến bồn rửa, con cái, thùng rác, tiền bạc, và cả việc đặt điện thoại xuống để ngẩng đầu lên. Ở cấp độ lớn hơn, ta muốn họ nghĩ nhiều hơn về những con vật bị nhốt trong lồng, sự tàn phá môi trường sống, hay những bất công của chủ nghĩa tư bản. Phần lớn chúng ta đều cách rất xa phiên bản lý tưởng của chính mình – và xét ở tầm mức loài người, có lẽ chỉ cách sai lầm tiến hóa một chút. Mong muốn thay đổi người khác không phải là một căn bệnh; nó là sự nhận thức sáng suốt về những khiếm khuyết của nhân loại.
Cằn nhằn, cốt lõi của nó, là một nỗ lực giảng dạy, một cách để chuyển tải ý tưởng về sự cải thiện từ tâm trí này sang tâm trí khác. Nhưng đây cũng là một dạng giảng dạy đã mất hết hy vọng. Nó sa vào việc đòi hỏi thay vì mời gọi, cưỡng ép thay vì thuyết phục. Người cằn nhằn đã quá mệt mỏi, quá tổn thương bởi những lời từ chối liên tiếp để có đủ năng lượng mà chinh phục. Họ quá hoảng loạn trước suy nghĩ rằng "người học trò bất trị" ấy đang hủy hoại cuộc đời mình, đến mức không còn khả năng tưởng tượng để thử đặt mình vào góc nhìn của đối phương. Chỉ còn lại nỗi đau của chính mình lấn át mọi không gian tư duy còn lại.
Vậy nên, họ đi thẳng vào vấn đề, bỏ qua mọi vòng vo, không cần hoa mỹ hay ngọt ngào: “Thùng rác cần dọn ngay.” – “Lại bàn ăn ngay lập tức.” – “Cậu thật lười biếng và ích kỷ.” – “Không phải chỗ đó, chỗ này cơ mà!” Người cằn nhằn không sai. Họ hoàn toàn đúng. Nhưng họ cũng quá mệt mỏi, và sâu thẳm trong lòng, là một nỗi buồn.
Đáng buồn thay, cằn nhằn không bao giờ đem lại kết quả như mong đợi. Khi ta bắt đầu làm cho "người học trò" cảm thấy bị hạ thấp, bài học coi như đã khép lại. Cằn nhằn sinh ra “kẻ song sinh xấu xí” của nó: sự trốn tránh. Người kia sẽ giả vờ đọc báo, bước lên lầu, hoặc cảm thấy mình hoàn toàn có lý do chính đáng để tin rằng những gì ta nói chẳng có gì tử tế hay đúng đắn.
Thay đổi người khác chỉ có thể xảy ra khi mong muốn thay đổi ấy chưa đạt đến mức quá thúc bách, khi ta vẫn còn đủ sức chịu đựng việc họ cứ mãi là chính họ. Tất cả chúng ta chỉ thật sự cải thiện khi không bị ai ép buộc hay khiến mình cảm thấy tội lỗi; chỉ khi ta nhận ra rằng mình được yêu thương và thấu hiểu, rằng có lý do chính đáng cho việc thay đổi đối với ta lại khó khăn đến thế. Ta đều biết, tất nhiên, rằng thùng rác cần được dọn, rằng ta nên đi ngủ sớm hơn, rằng ta đã làm đối phương thất vọng trong mối quan hệ. Nhưng ta không thể chịu đựng được việc phải nghe những bài học này trong một giọng điệu thiếu đồng cảm. Ta – những đứa trẻ bướng bỉnh trong hình hài người lớn – vẫn mong được thông cảm cho sự do dự của mình khi đối diện với việc trở thành một con người tốt đẹp hơn.
Cùng một động lực kháng cự ấy cũng diễn ra ở cấp độ chính trị. Chúng ta biết rằng mình không nên hủy hoại hành tinh, không nên lách luật hay ngoảnh mặt trước những người bất hạnh. Nhưng ta sẽ không làm bất kỳ điều tốt đẹp nào nếu một nhân vật cau có cứ chỉ tay dạy bảo, kèm theo những bài giảng khô khan. Ta muốn được cuốn hút, không phải bị lôi kéo, vào con đường thiện lành.
Bi kịch của cằn nhằn nằm ở chỗ, nguyên nhân của nó thường rất cao quý – nhưng kết quả thì luôn thất bại. Ta cằn nhằn vì nghĩ rằng sự thật mình nắm giữ đủ để miễn trừ trách nhiệm phải truyền đạt nó một cách khéo léo. Nhưng sự thật là, nó không bao giờ như vậy.
Giải pháp cho cằn nhằn không phải là từ bỏ việc cố gắng khiến người khác làm điều ta mong muốn, mà là nhận ra rằng sự thuyết phục phải luôn diễn ra theo cách phù hợp với suy nghĩ và cảm xúc của những người mà ta muốn thay đổi.
Nguồn: On nagging – The school of life
Theo tamlyhoctoipham.com