Theo nhà tâm lý học lâm sàng, tiến sĩ Rachelle Theise (Mỹ) một số thói quen sai lầm khi nuôi dạy con có thể khiến tranh giành quyền lực gay gắt hơn giữa cha mẹ và trẻ.
Mục đích cuối cùng của mọi cha mẹ khi nuôi dạy con là giúp chúng phát triển các công cụ giải quyết vấn đề và nhận thức xã hội để điều hướng các tình huống phức tạp.
Để tăng cơ hội đạt được điều này và để cuộc sống của con dễ dàng hơn, chuyên gia trị liệu cho trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình Rachelle Theise khuyến cáo cha mẹ coi chừng ba sai lầm phổ biến trong cách nuôi dạy con:
1. Từ chối chia sẻ quyền kiểm soát
Cha mẹ phải giành chiến thắng trong một số cuộc tranh luận với con. Tuy nhiên, học cách từ bỏ một cách có chiến lược, giảm mức độ thất vọng của trẻ có thể mang lại lợi ích về lâu dài.
Khi cha mẹ cố giành chiến thắng, trẻ sẽ khó chịu và cố chiến đấu để giành quyền kiểm soát. "Không ai thích bị ra lệnh suốt ngày", chuyên gia nói. Cha mẹ nên lấy ý kiến của con trước khi đưa ra một số quyết định. Khi đó, trẻ sẽ nghe lời hơn.
Đôi khi nghệ thuật đàm phán nằm ở chỗ chọn trận chiến nào đáng để chiến đấu. Ví dụ, con bạn không thích đi đôi giày phù hợp với bộ đồ trên người thì không có gì là tồi tệ. Cũng không quá quan trọng nếu con muốn đi hai chiếc giày không phù hợp với nhau.
Bạn nên cho con một số lựa chọn có thể chấp nhận được để giảm tranh cãi và phàn nàn, tăng cảm giác được làm chủ. Chỉ cần không cho con quá nhiều lựa chọn để chúng phải khó khăn khi đưa ra quyết định.
"Học cách thu hẹp các lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng là một kỹ năng quan trọng. Trẻ mới biết đi và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo có thể xử lý tối đa hai hoặc ba lựa chọn. Những đứa trẻ ở độ tuổi đi học có thể xử lý thêm một vài lựa chọn nữa. Nói chung cho trẻ em ba lựa chọn là một quy tắc tốt", Theise nói.
Ảnh: parentplaypen
2. Không đồng cảm
Một số quyết định không thể thương lượng, nhưng có một cách để cha mẹ không bị coi là nhẫn tâm: Thừa nhận và xác thực cảm xúc của trẻ để ít nhất cũng cho thấy chúng được lắng nghe.
Ngoài ra, Theise khuyên nên cho con cơ hội có quyền tự quyết trong tình huống tương tự trong tương lai.
Ví dụ, nếu bạn không có nhiều thời gian vào buổi sáng và con bạn khó chịu với đồ ăn, bạn sẽ nói: "Mẹ hiểu con giận, nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ra phải đi không muộn mất. Vì vậy, sáng nay con sẽ ăn món mẹ nấu. Sáng mai chúng ta có thể cố gắng lên kế hoạch tốt hơn để có thêm thời gian cho con quyết định".
Nói xong, người mẹ bỏ đi để trẻ có không gian quyết định. Chiến lược này trao quyền cho con cơ hội ra quyết định, loại bỏ động lực tranh giành quyền lực.
Lãnh đạo bằng sự đồng cảm cũng cho phép cha mẹ mở ra cánh cửa để trẻ điều chỉnh cảm xúc. Hãy nhắc nhở bọn trẻ, con có quyền lựa chọn cách xử lý các tình huống và la hét không phải là lựa chọn tốt nhất.
3. Không linh hoạt
Dù không quan tâm đến cách cư xử của người lớn xung quanh mình, trẻ vẫn có thể tiếp thu các tín hiệu xã hội mà đến một lúc nào đó chúng sẽ bắt chước. Vì vậy, có sự linh hoạt sẽ dạy con những bài học quý giá.
"Chúng ta muốn dạy con suy nghĩ độc lập thì có thể áp dụng cách ra quyết định linh hoạt, thay đổi cách học và phản ứng với môi trường xung quanh", Theise nói.
Theo chuyên gia, cần giúp trẻ hiểu sẽ có những thay đổi xảy ra. Những thay đổi có thể tốt vì có khả năng mở ra cơ hội không lường trước.
Kiên trì là đặc điểm tốt, nhưng nó cũng có thể dùng để chứng minh và truyền đi thông điệp bạn sẽ không bỏ cuộc, kể cả khi phải thay đổi.
Nhật Minh (Theo Fatherly)/VNE
Theo tamlyhoctoipham.com