Trong “Odyssey”, một thiên anh hùng ca từ thế kỷ thứ 8 TCN do nhà văn Hy Lạp Homer sáng tác, người anh hùng dũng cảm và mưu trí Odysseus phải đối mặt với hàng loạt thử thách trên con đường trở về quê hương Ithaca sau khi đánh bại quân đội thành Troy ở một góc Tây Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Odysseus cùng đồng đội của mình phải mưu trí thoát khỏi một nhóm khổng lồ ăn thịt người, chiến đấu với quái vật sáu đầu, lướt qua xoáy nước chết người, tiêu diệt tên Cyclops độc nhãn hung hãn và cưỡng lại cám dỗ của những bông hoa sen gây mê mẩn, làm mất ý thức. Bài thơ ấy vẫn còn vang vọng qua hàng thế kỷ bởi nó nói về – dưới hình thức ẩn dụ – nhiều nghịch cảnh và thử thách mà chúng ta có thể gặp trên hành trình đạt được ước nguyện của mình.
Edward Burne-Jones, The Wine of Circe, 1863
Điều đáng nói là, hai trong số những thử thách tội phạm nguy hiểm và kéo dài nhất mà Odysseus phải đương đầu lại cũng là những thử thách mà chúng ta có thể thấy thân thuộc đến bất ngờ: việc phải rời bỏ một mối quan hệ. Hai lần, Odysseus rơi vào vòng tay của một người mà về sau anh nhận ra là cực kỳ nguy hiểm – và anh đã phải dùng đến từng chút can đảm và mưu trí để thoát thân, khó khăn lắm mới giữ được mạng sống. Đầu tiên là trên hòn đảo Aeaea cùng Circe, con gái của thần mặt trời Helios; sau đó là trên đảo Ogygia với Calypso, con gái của Titan Atlas. Chúng ta chứng kiến Odysseus dần bị quyến rũ bởi những người tình tưởng như dịu dàng nhưng thực chất lại vô cùng chiếm hữu và đáng sợ. Ta cũng thấy được nỗi khó khăn của việc nhận ra rằng người cùng chung giường có thể lại là một mối đe dọa, và thấy sự chuyển biến từ thụ động sang tỉnh táo khi anh phải gom đủ quyết tâm để rời đi. Hiếm khi văn chương lại vẽ lên một cách rùng rợn đến thế những hiểm nguy của việc mắc kẹt trong một mối quan hệ và sự giận dữ của người yêu cũ.
Bài thơ không để chúng ta nghi ngờ rằng, chẳng kém gì chiến đấu với một con quái vật độc nhãn, việc thoát khỏi một số kiểu người yêu cũng có thể là một trong những cuộc đấu tranh lớn nhất đời người. Đây không phải là điều mà thế giới hiện đại thường chú tâm đến. Những quảng trường không dựng tượng tôn vinh những người đã can đảm thoát khỏi người yêu cũ, và trong trường học, chúng ta cũng chẳng dạy thế hệ sau về nghệ thuật bước ra khỏi một mối quan hệ. Nhưng, với những gì có thể mất mát, lẽ ra ta nên làm vậy.
Trừ khi vô cùng may mắn, có lẽ vào một lúc nào đó, ai cũng sẽ gặp phải những người tự nhận là yêu mình nhưng lại sẵn sàng làm mọi cách để mình không thoát khỏi họ — từ việc hủy hoại lòng tự tin, bôi nhọ danh tiếng, tước đoạt tài sản, và thậm chí đẩy đến cùng cực là giết hại. Lý do thì rất rõ ràng: đằng sau vẻ ngoài dễ chịu của một số người, thế giới này đầy rẫy những kẻ từng bị đối xử tệ hại trong những năm tháng đầu đời, và giờ đây họ thiếu mất sự chính trực, bao dung và tỉnh táo để không tìm cách hủy hoại bất kỳ ai gợi nhắc về nỗi bất lực xưa.
Khó khăn ở chỗ, những người bạn đời kiểu này hiếm khi bộc lộ bản chất của họ ngay lập tức. Circe và Calypso trong thơ chẳng phải rất quyến rũ suốt một thời gian dài sao? Họ tiếp đãi nồng hậu, cho lời khuyên hay, lắng nghe, bỏ tiền ra sửa chữa thuyền, ca hát và bày tiệc với rượu Pramnian. Phải đến khi đã đi quá xa, ta mới bàng hoàng nhận ra: người mà ta đã cam kết, đã chia sẻ mọi thứ từ mái ấm đến lòng tin, thực ra có thể đang âm mưu làm hại mình.
Và chính ở đây, trường ca của Homer, dù cổ kính, trang nghiêm và đầy hào hùng, lại trở nên hữu ích đến bất ngờ. Nó nâng tầm nỗi đau riêng thành một trận chiến oai phong lẫm liệt, thay vì chỉ xem đó là một lần hụt hẫng cảm xúc hay một cú vấp trong cách gắn kết. Nó thức tỉnh chúng ta, nhắc rằng phải rũ bỏ màn sương mờ của luyến ái, tận dụng hết trí tuệ và nguồn lực để tìm cách thoát thân. Nó dạy ta đừng xem nhẹ người mà ta đang đối mặt, buộc ta phải cân nhắc rằng có khi người nằm cạnh ta phải được xem như một kẻ thù – và đối xử với họ như thể họ là một sinh vật huyền thoại đầy hận thù, có mối liên hệ bí mật với thần Zeus và một đạo binh lợn ăn thịt sẵn sàng phục vụ họ. Nó tiếp sức cho những ai bản tính vốn hiền lành, nhạy cảm, biết cảm thông, để chuẩn bị tinh thần cho một trận chiến sinh tử.
Tất nhiên, không phải người tình nào cũng là Circe hay Calypso. Nhiều người thực lòng hiểu khi ta nói rằng muốn ra đi và thành tâm chúc phúc khi ta rời khỏi bến đỗ của họ. Nhưng đôi khi – ít nhất một lần trong đời – ta sẽ đối diện với một thứ đen tối hơn và nguy hiểm hơn. Ta không được hoảng loạn – cũng không nên lơ là cảnh giác. Đã có nhiều người nhân hậu từng đi qua đây và họ đã thành công, và chúng ta cũng có thể. Odysseus, sau bao vết thương và mệt mỏi, cuối cùng đã trở về Ithaca, và nếu ta có đủ sự tỉnh táo để hiểu rõ tình hình, đủ dũng khí để bước đi, thì chúng ta cũng sẽ tìm thấy đường trở về an bình.
Nguồn: THE HEROISM OF LEAVING A RELATIONSHIP - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com