Một trong những điều tuyệt vời nhất khi có những người thân thiết trong đời là ta có thể tâm sự với họ mỗi khi gặp khó khăn. Họ là chỗ dựa tinh thần, là những người đáng tin cậy để ta trút bầu tâm sự. Hoặc ít nhất, từ trước đến nay, hầu hết chúng ta – và cả nhiều nhà khoa học xã hội – vẫn tin như vậy. Nhưng có lẽ thực tế không hẳn như thế.
Các nhà xã hội học Mario L. Small, Kristina Brant và Maleah Fekete đã tìm ra bằng chứng đáng ngạc nhiên: ta có xu hướng né tránh việc chia sẻ những chuyện nhạy cảm với chính những người ta yêu quý nhất, không kém gì việc ta cởi mở với họ. Nghiên cứu này được thực hiện trên 1.000 người trưởng thành ở Mỹ và được công bố vào tháng 7/2024 trên tạp chí American Sociological Review với tiêu đề “Tránh né những mối quan hệ gắn kết sâu sắc.”

image: Kunlathida6242/Shutterstock
Nghiên Cứu Được Tiến Hành Như Thế Nào?
Trong một khảo sát trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Quốc gia thực hiện, 1.000 người trưởng thành tại Mỹ được yêu cầu liệt kê 7 người mà họ cảm thấy thân thiết nhất. Tiếp đó, họ được hỏi rằng liệu họ có sẵn sàng chia sẻ với từng người trong số đó nếu gặp phải một vấn đề cá nhân nhạy cảm hay không.
Sau đó, người tham gia được nhắc nhở rằng: “Ai trong chúng ta cũng có lúc phải đối mặt với những vấn đề cá nhân khó nói.” Họ được yêu cầu liệt kê những vấn đề nhạy cảm mà họ đã trải qua trong 3 tháng gần nhất, thuộc các lĩnh vực sức khỏe thể chất và tinh thần, công việc, quan hệ tình cảm và gia đình. (Họ cũng đề cập đến bạn bè, nhưng khảo sát không yêu cầu cụ thể về điều này.)
Những câu hỏi quan trọng nhất nằm ở phần tiếp theo. Với mỗi vấn đề nhạy cảm và mỗi người thân thiết được liệt kê, người tham gia được hỏi liệu họ có chia sẻ câu chuyện đó hay không. Nếu không, họ sẽ được hỏi liệu họ có từng cân nhắc việc chia sẻ hay không. Nếu họ từng cân nhắc nhưng quyết định không nói, điều này được xem là “tránh né chủ động.” Nếu họ không hề nghĩ đến chuyện chia sẻ ngay từ đầu, điều này được xem là “tránh né thụ động” – tức là họ tự động tránh đề cập đến vấn đề mà không cần suy nghĩ nhiều.
Bằng Chứng Cho Việc Ta Né Tránh Những Người Thân Thiết Khi Có Chuyện Trong Lòng
Những phát hiện quan trọng:
- Tỉ lệ người né tránh việc chia sẻ chuyện nhạy cảm với những người thân thiết nhất (38%) gần như ngang bằng với tỉ lệ người sẵn sàng chia sẻ (37%).
- Đa số trường hợp, việc né tránh diễn ra theo kiểu thụ động – họ thậm chí không nghĩ đến việc mở lời.
- Hơn một nửa số người thân thiết (58%) bị tránh né ít nhất một lần, và cứ ba người thì có một người bị tránh né nhiều lần.
- Đàn ông có xu hướng né tránh nhiều hơn, nhưng phụ nữ cũng có tỉ lệ tránh né cao.
- Thu nhập và trình độ học vấn không ảnh hưởng nhiều – tỉ lệ tránh né giữa những người có điều kiện tội phạm kinh tế cao và thấp là tương đương.
- Nghiên cứu không đưa ra kết quả cụ thể về tình trạng hôn nhân hay mối quan hệ tình cảm của người tham gia, cũng như không phân loại rõ liệu người bị né tránh là bạn bè, vợ/chồng, người yêu, hay người thân trong gia đình.
- Người ta có xu hướng tránh nói về những chuyện bí mật hoặc gây xấu hổ, nhưng ngay cả những vấn đề không quá nhạy cảm cũng bị né tránh.
- Đối tượng bị tránh né nhiều nhất là những người khó tính hoặc có quyền lực cao, nhưng ngay cả những người dễ gần cũng không phải ngoại lệ.
- Những chủ đề bị né tránh nhiều nhất: (1) vấn đề liên quan đến tình dục; (2) mâu thuẫn với vợ/chồng, người yêu hoặc người cũ; (3) bệnh tật (thể chất hoặc tinh thần) của bạn bè; (4) cảm giác cô đơn, lạc lõng; và (5) chính trị. Tuy nhiên, nhiều chủ đề khác cũng bị tránh né với tỉ lệ đáng kể.
Vì Sao Ta Lại Tránh Xa Người Thân Khi Ta Cần Họ Nhất?
Câu hỏi dễ trả lời trước tiên: Tại sao ta chia sẻ những vấn đề của mình với những người thân yêu?
Bởi vì ta cần sự hỗ trợ. Ta hiểu rằng giữ bí mật quá lâu có thể làm suy yếu sự thân mật mà ta khao khát. Theo Small và các cộng sự, sâu xa hơn, việc mở lòng là một cách để ta kết nối với người khác ở mức độ con người nhất.
Nhưng tại sao ta lại né tránh họ? Một số lý do có vẻ hiển nhiên: ta sợ xấu hổ, sợ bị đánh giá hoặc sợ làm tổn thương người kia. Nhìn từ góc độ xã hội học, Small và các đồng nghiệp gợi ý rằng, đôi khi, tránh chia sẻ là cách để ta giữ lại một phần riêng tư của chính mình – bởi vì “chỉ những gì được che giấu mới thực sự thuộc về ta.”
Nhiều người tin rằng, khi có chuyện buồn, điều tự nhiên nhất là tìm đến người mình yêu thương nhất. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn. Đôi khi, ta im lặng không phải vì ta không cần họ, mà vì nỗi sợ hãi, sự xấu hổ, hoặc đơn giản là ta chưa sẵn sàng để mở lòng.
Ta có thể chọn im lặng, nhưng cũng đừng quên rằng một lời tâm sự đúng lúc có thể là cây cầu giúp ta kết nối với những người yêu thương ta nhất.
Nguồn: Why We Avoid Those Closest to Us When We Need Them Most – Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com