Thoạt nhìn, việc luôn làm hài lòng người khác dường như chỉ là biểu hiện của một người dễ mến. Ai lại không yêu thích một người luôn sẵn sàng mỉm cười, nhã nhặn, đồng tình và không bao giờ gây cản trở? Trong một thế giới đầy khó khăn, chẳng phải ta nên mong muốn có thêm thật nhiều những người như thế hay sao?
Nhưng những người luôn làm vui lòng người khác không mỉm cười vì họ muốn, mà vì họ cảm thấy mình phải làm vậy. Họ chịu đựng một nỗi ám ảnh cứng nhắc về việc phải làm hài lòng người khác, một nỗi ám ảnh bắt nguồn từ quá khứ đầy khó khăn và luôn hiện diện bất kể họ ở cùng ai – kể cả những kẻ bắt nạt, nhàm chán hay bất lương. Họ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thoát khỏi sự chi phối của ý muốn từ những người xung quanh.
Những người này chưa từng có may mắn được tự do thể hiện cảm xúc theo đúng bản chất của mình. Ở đâu đó trong quá khứ, những quy tắc nghiêm ngặt đã định rõ ai là người họ phải nghe theo:
- “Còn mè nheo như vậy nữa là không bao giờ được tha thứ đâu!”
- “Con nghĩ hàng xóm sẽ nói gì nếu thấy con như thế này?”
- “Nếu con cứ đòi hỏi mãi, mẹ sẽ bị suy sụp mất.”
- “Đừng gây thêm rắc rối cho ba, cả nhà mình đều phụ thuộc vào ba, mà ba thì đang rất mệt.”
Sự phát triển cảm xúc lành mạnh đòi hỏi trẻ nhỏ phải được phép bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với những người lớn hơn, bận rộn hơn, và quyền lực hơn chúng. Nếu buồn, trẻ cần được phép khóc. Nếu tức giận, trẻ cần được quyền giận dữ. Nếu tuyệt vọng, trẻ cũng nên được đôi lúc nằm lăn ra sàn và than vãn rằng mọi thứ thật tệ hại. Nói cách khác, đứa trẻ cần được phép là chính mình – ngay cả khi điều đó khiến người khác không hài lòng. Và từ đó, trẻ sẽ nhận ra rằng con người thật của mình, kể cả những nỗi buồn hay sự giận dữ, đều có chỗ đứng trong thế giới này. Trẻ sẽ học được cách vừa lịch sự vừa chân thật.
Tổn thương tâm lý xảy ra khi đứa trẻ không bao giờ được bảo đảm rằng mình được yêu thương vô điều kiện, khi mọi sự quan tâm đều phụ thuộc vào việc trẻ tuân thủ các quy tắc chung.
Chính trong bối cảnh đó, tính cách của những người luôn làm hài lòng người khác được hình thành – với sự ngoan ngoãn rõ rệt, vẻ ngoài thiếu chân thật, nụ cười gượng gạo, sự thiếu tự tin và xu hướng làm dịu lòng người. Những đặc điểm này không xuất phát từ một tình yêu chân thành với sự dễ chịu, mà từ nỗi sợ hãi đến cùng cực trong việc phải làm yên lòng người khác – những người mà, dựa trên hình mẫu trong quá khứ, luôn bị nhìn nhận là dễ trở nên tàn nhẫn, mong manh hoặc giận dữ không thể chịu đựng nổi.
Biết mỉm cười là điều tốt đẹp; nhưng thành tựu thực sự là biết cách giữ sự điềm tĩnh, lịch sự lên tiếng hoặc đôi khi bật khóc – đúng với nhu cầu chân thật của chính mình.
Nguồn: PARENTING AND PEOPLE-PLEASING
Theo tamlyhoctoipham.com