Có một hôm chiều tối, tôi đi bộ một mình trên đường Tân Giang ở Quảng Châu. Đó là một ngày vui vẻ, có một vài chuyện khiến tôi rất hài lòng. Vì tâm trạng vui vẻ này, mọi cảnh vật dường như đều trông thật dễ chịu.
Đột nhiên, tôi nhìn thấy một con tàu chở hàng đang từ từ chạy trên sông Châu Giang, đuôi tàu chở hàng kéo theo một vệt dầu dài, dưới ánh hoàng hôn rực rỡ, trông nó vô cùng chói mắt. Nhìn thấy cảnh này, tôi không khỏi xót xa, trong đầu chợt hiện lên một câu nói: Đây là một thế giới không còn thuốc chữa.
Trong khoảng thời gian đó, tôi đang suy nghĩ về chuyện tư duy tự động. Cái gọi là “tư duy tự động” dùng để chỉ câu đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta khi chúng ta gặp một chuyện gì đó. Một câu như vậy nằm ở giữa ý thức và tiềm thức của chúng ta, nếu bạn tiếp tục theo dõi nó một cách cẩn thận thì bạn có thể phát hiện một số bí mật ở trong tiềm thức.
Câu nói này phản ánh rằng trong tiềm thức của tôi có quá nhiều yếu tố tiêu cực và bi quan. Bởi vì, tích lũy quá nhiều điều bi quan, trong lòng tôi thực sự có một “lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân” tiêu cực. Bởi một lời tiên tri như vậy sẽ khiến tôi dễ chú ý đến những điều tiêu cực và bi quan hơn.
Về mặt lý trí, một vệt dầu đưa ra suy luận “đây là một thế giới không còn thuốc chữa” đương nhiên là điều không đúng, tuy nhiên, tâm trí của chúng ta hoàn toàn là phi lý trí. Tất cả chúng ta đều đưa ra một số kết luận lớn từ kinh nghiệm sống ít ỏi trong quá khứ của mình (đặc biệt là kinh nghiệm sống thời thơ ấu), sau đó, đưa những kết luận lớn này đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta.
Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ khăng khăng giữ lấy những kết luận lớn này. Nếu chúng ta nhận thấy rằng sự phát triển của sự việc đang đi lệch hướng, chúng ta sẽ cố gắng kéo sự việc trở lại theo phương hướng này của mình.
Những kết luận lớn này chính là “lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân”.
“LỜI TIÊN TRI TỰ HIỆN THỰC HÓA BẢN THÂN” ĐIỀU HƯỚNG CUỘC ĐỜI TA THẾ NÀO?
Khương là một nữ sinh xinh đẹp ở tuổi 16, nhưng cô bé không dám mặc áo ngắn tay vào mùa hè. Hóa ra, cánh tay cô bé có rất nhiều vết sẹo, nếu mặc áo ngắn tay sẽ lộ ra.
Những vết sẹo này do đâu mà có? Cô bé đã tự mình cứa nó bằng một chiếc dao gọt bút chì. Khi cô bé vô cùng đau buồn, tê dại, thậm chí khi rất hạnh phúc, cô bé đều sẽ có một sự kích động mãnh liệt, đó là không nhịn được mà cứa vào cánh tay mình, đặc biệt là cổ tay.
Cô bé không hề muốn tự sát, chỉ là muốn làm tổn thương chính mình một chút. Cô bé ấy nói: “Nỗi đau thể xác dễ chịu đựng hơn nỗi đau tâm lý.” Vì vậy, khi cảm thấy buồn vô cùng, chẳng hạn như khi mâu thuẫn, cãi cọ với bạn trai, cô bé chọn cách tự cứa cổ tay.
Có một lần gần đây cô bé tự cứa tay mình là vì cô bé phát hiện ra rằng, giáo viên chủ nhiệm rất tốt với cô bé, giống như một người mẹ ấm áp. Sự yêu thương đó khiến cô bé vừa mừng lại vừa lo, sau đó cô bé liền nảy sinh một sự kích động mãnh liệt, thế là liền cứa vào cánh tay của mình.
Trong phòng tư vấn, sau khi bác sĩ tâm lý, Khương kể về một số cuộc đối thoại nội tâm, một số trải nghiệm của cô bé.
Cô bé kể rằng, khi biết giáo viên chủ nhiệm lớp rất quý mình, cô bé thấy vừa vui mừng, vừa lo lắng, một mặt là niềm vui khó tin, một mặt khác là nỗi sợ hãi mơ hồ.
“Nỗi sợ hãi như thế nào?” Bác sĩ tâm lý hỏi cô bé.
“Cháu… cháu sợ cô giáo sau này không đối xử tốt với cháu, sẽ không cần cháu nữa.” Khương trả lời.
Đó là câu trả lời của việc cô bé muốn tự làm tổn thương chính mình khi cô bé thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc mà cô bé nói đến đều là hạnh phúc từ tình yêu và sự công nhận của một số người quan trọng. Cô bé ấy vô cùng mong muốn được người khác yêu thương, nhưng một khi nhận được tình yêu thực sự, cô bé sẽ ngay lập tức lo sợ bị bỏ rơi.
Nỗi đau do việc bị bỏ rơi không lường trước được này đem lại là quá lớn. Để giảm bớt nỗi đau tâm lý đó, trước tiên, cô bé sẽ tự làm tổn thương chính mình. Ở đây ẩn chứa một logic như thế này: Tôi tự làm tổn thương mình trước, đó là tự nói với bản thân rằng, tôi biết tình yêu và sự công nhận của người khác là không đáng tin cậy, còn chuyện bị bỏ rơi đó sớm muộn gì cũng sẽ đến.
Đây là “lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân” mang tính bi kịch điển hình.
NƠI “LỜI TIÊN TRI TỰ HIỆN THỰC HÓA BẢN THÂN” ĐƯỢC HÌNH THÀNH.
Khương hình thành một “lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân” tồi tệ như vậy có liên quan mật thiết đến diễn biến cuộc đời của cô bé. Cô bé được gửi về nhà ông bà nội ở quê khi mới được vài tháng tuổi. Khi cha mẹ nhớ cô bé, họ đưa cô bé lên thành phố sống một thời gian, khi bận rộn thì họ gửi cô bé về quê. Cô bé mong mỏi cha mẹ có thể dành tình cảm cho mình nhiều hơn. Về sau, mối quan hệ giữa cô bé với cha mẹ đã dần được cải thiện, đặc biệt là mối quan hệ với người cha. Vào năm 10 tuổi, cô bé đã dần cảm nhận được tình yêu thương ấm áp của người cha, một mảnh băng trong lòng cô bé đang dần tan ra. Nhưng cùng năm đó, cha cô bé đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi.
Hàng loạt chuyện không may mắn xảy ra vào thời gian đó khiến Khương thấy sợ hãi niềm vui và hạnh phúc, bởi cô bé nhận ra rằng sau mỗi lần cô bé nhận được niềm vui và hạnh phúc sẽ đều đi kèm với bất hạnh và đau khổ. Phát hiện này cuối cùng đã bám rễ sâu trong lòng cô bé, và phát triển thành một “lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân” vô cùng bi quan. “Lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân” của Khương là một lời tiên tri tự ruồng bỏ bản thân. Lúc cô bé hạnh phúc nhất, lời tiên tri về sự tự ruồng bỏ của bản thân sẽ khiến cô bé làm điều gì đó tự gây tổn thương cho mình hoặc người khác, đẩy mọi chuyện đi theo chiều hướng xấu.
Chính vì vậy, nếu tuổi thơ hạnh phúc thì đến khi trưởng thành chúng ta sẽ không ngừng lặp lại sự hạnh phúc, đó là điều rất dễ hiểu.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỐT LÕI ĐỂ XOAY CHUYỂN “LỜI TIÊN TRI TỰ HIỆN THỰC HÓA BẢN THÂN”.
Trên thực tế, cái gọi là “lời tiên tri của bản thân” này thường là cuộc đối thoại về mối quan hệ trong nội tâm của một người. Nhân tố cốt lõi của mối quan hệ nội tâm này là “cha mẹ bên trong nội tâm” và “đứa trẻ bên trong nội tâm”.
Mỗi người thân quan trọng đều sẽ được nội tâm hóa vào sâu thẳm tâm hồn của chúng ta. Thời thơ ấu, mô hình mối quan hệ giữa chúng ta với những người thân quan trọng đều có thể trở thành một phần quan trọng trong mô hình mối quan hệ nội tâm của chúng ta, nó được thể hiện trong mối quan hệ hiện tại trong cuộc sống thực của chúng ta.
Nếu một người liên tục bị người quan trọng của mình bỏ rơi, người đó có thể sẽ hình thành một lời tiên tri về sự tự ruồng bỏ bản thân. Ngược lại, nếu một người được hầu hết những người thân quan trọng yêu thương và công nhận, anh ta có thể sẽ hình thành một lời tiên tri tràn ngập ánh nắng rực rỡ. Sau khi trưởng thành, anh ta sẽ luôn tin rằng mình có thể giành được tình yêu và sự công nhận của người khác trong mọi trường hợp.
Chúng ta cũng phải thấy được rằng tầm quan trọng của “lời tiên tri tự hiện thực hóa bản thân” có nghĩa là chúng ta là những người chủ động tham gia vào số phận của chính mình. Nhà triết học người Đức - Friedrich Schiller đã nói: “Số phận không phải là sự việc xảy ra với chúng ta, mà nó là một phần trong chính con người của chúng ta, số phận là cách chúng ta phản ứng với các sự việc bằng cách vận dụng Định luật của sự thấu hiểu và tình yêu.”
Thay đổi thế giới quan và đáp án về một chủ thể nào đó theo hướng của tình yêu và sự bao dung chính là cách để chúng ta tìm ra lối thoát cho những “lời tiên tri” đã đóng khung trái tim mình.
(Trích từ cuốn sách tội phạm học Thoát khỏi bẫy nhân cách – Tác giả Vũ Chí Hồng)
----
THOÁT KHỎI BẪY NHÂN CÁCH – Vượt qua bẫy của người, thoát khỏi bẫy của mình
Thông tin đặt sách tội phạm học tại: https://tinyurl.com/thoatkhoibaynhancach-shopee
Theo tamlyhoctoipham.com