Tâm trí con người thật kỳ lạ khi không phải mọi cảm xúc mà ta mang trong mình đều được nhận diện, thấu hiểu, hay thậm chí là thực sự cảm nhận trọn vẹn.
Có những cảm xúc tồn tại trong ta ở dạng “chưa được xử lý.” Chẳng hạn, nhiều nỗi lo âu có thể bị ta phủ nhận hoặc lảng tránh, để rồi chúng biểu hiện thành những cơn lo lắng mơ hồ, không rõ nguyên nhân. Dưới tác động của những cảm xúc này, ta có thể rơi vào trạng thái làm việc không ngừng nghỉ, sợ phải ở một mình hay bám víu vào những hoạt động giúp ta né tránh đối mặt trực tiếp với điều khiến ta sợ hãi (như chìm đắm trong phim ảnh khiêu dâm trên mạng, liên tục cập nhật tin tức tội phạm hay tập luyện thể thao một cách ám ảnh).
Một dạng phủ nhận tương tự cũng xảy ra với cảm giác tổn thương. Có thể ai đó đã phản bội lòng tin của ta, làm ta nghi ngờ sự tử tế của họ hoặc tổn hại đến lòng tự trọng của ta. Nhưng thay vì đối diện với sự tổn thương sâu sắc và cảm giác mong manh dễ vỡ của mình, ta lại tìm cách né tránh. Vết đau vẫn âm ỉ bên trong, nhưng bên ngoài, ta khoác lên mình một vẻ ngoài vui vẻ cứng cỏi (thực ra, sự vui vẻ gượng gạo ấy chính là nỗi buồn chưa tự nhận thức), hoặc ta tê liệt cảm xúc bằng chất kích thích, hoặc chọn một thái độ mỉa mai, cay độc chung chung để che giấu vết thương cụ thể mà ta phải chịu đựng.
Sự né tránh việc xử lý cảm xúc khiến ta phải trả giá đắt. Tâm trí trở nên cạn kiệt sáng tạo vì ta luôn thấp thỏm trước những gì đang bị chôn vùi trong đó. Ta rơi vào trầm cảm về mọi thứ chỉ vì không thể buồn về một điều gì cụ thể. Mất ngủ là cách mà những ý nghĩ bị bỏ qua trong ngày “trả thù” ta vào ban đêm.
Chúng ta cần lòng trắc ẩn dành cho chính mình. Ta tránh né xử lý cảm xúc không phải vì lười biếng hay thờ ơ, mà bởi những gì ta cảm nhận đôi khi quá trái ngược với hình ảnh ta tự xây dựng về bản thân, quá thách thức các chuẩn mực xã hội mà ta đang sống, và quá mâu thuẫn với con người mà ta muốn trở thành. Một môi trường lý tưởng để xử lý cảm xúc là nơi những khó khăn của việc làm người được nhìn nhận một cách ấm áp, được đón nhận bằng lòng khoan dung. Việc không hiểu rõ chính mình không phải là biểu hiện của sự cẩu thả hay hời hợt; mà đơn giản là vì đối mặt với nó đau đớn quá đỗi.
Để xử lý cảm xúc, ta cần những người bạn tâm giao, những nhà trị liệu khéo léo, và những khoảng lặng nghi thức như Thiền Triết Học – nơi ta có thể tạm gác lại những cơ chế phòng vệ thông thường và mở lòng khám phá những điều lạ lẫm trong tâm hồn.
Thành quả của việc xử lý cảm xúc luôn là sự nhẹ nhõm trong tâm trạng chung. Nhưng trước đó, ta cần chấp nhận cái giá của sự tự nhận thức: một giai đoạn đau buồn mà ta từ từ thừa nhận rằng, ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống buồn bã hơn rất nhiều so với những gì ta mong muốn.
Nguồn: UNPROCESSED EMOTION - The school of life
Theo tamlyhoctoipham.com