Khảo sát 1.000 người trên 18 tuổi cũng cho thấy sự chênh lệch trong thói quen tiêu tiền khiến một số người trẻ thuộc thế hệ Gen Y (1981-1995) và Gen Z (1996-2012) phải tạm dừng một số mối quan hệ.
Trong đó, hơn 1/3 người tiêu dùng nói rằng bạn bè là nguyên nhân khiến họ tiêu tiền vượt quá khả năng tài chính cho quần áo xa xỉ, các buổi tiệc hay chuyến du lịch đắt tiền.
Courtney Alev, giám đốc quản lý sản phẩm tại Credit Karma cho rằng đổ lỗi cho mối quan hệ bạn bè là sai lầm. "Nếu dần mất bạn chỉ vì thói quen tiêu tiền phung phí, hãy cân nhắc lại kế hoạch chi tiêu", ông nói.
Bên cạnh đó, hội chứng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ khỏi các sự kiện, trải nghiệm hay hoạt động mà người khác đang tham gia) được cho là nguyên nhân của việc mất cân bằng chi tiêu của người trẻ. Cũng trong khảo sát của Credit Karma, hơn 30% người được hỏi đã chi tiêu quá mức vì không muốn bỏ lỡ các buổi tiệc tùng, mua sắm với những người bạn giàu có; và hơn 80% đã rơi vào cảnh nợ nần khi cố gắng chạy theo các hoạt động này.
Điều này khiến 47% Gen Y và 36% Gen Z đang cân nhắc chấm dứt tình bạn với những người giàu để không "nợ chồng nợ".
Nhiều Gen Z và Gen Y cho bằng bản thân rơi vào cảnh nợ nần do chơi với người giàu. Ảnh minh họa: iStock
Để tránh rơi vào tình trạng vừa mất bạn vừa mất tiền, Courtney Alev đề xuất 4 giải pháp khắc phục.
Một là đặt giới hạn chi tiêu theo nguyên tắc 50-30-20, tức là 50% thu nhập dành cho các khoản chi tiêu thiết yếu như thuê nhà, thực phẩm; 20% tiết kiệm và 30% còn lại cho các hoạt động giải trí. Riêng các trường hợp đang bàn luận đi du lịch hoặc đến các địa điểm ăn uống xa xỉ, bạn nên thông báo số tiền tối đa có thể chi trả, tránh trường hợp bị "cháy túi" để cả nhóm có những tính toán phù hợp.
Hai là biết học cách nói không. Khảo sát của Credit Karma phát hiện có đến 76% Gen Z và 69% Gen Y đang mắc nợ vì không muốn bỏ lỡ cuộc vui. "Nói luôn dễ hơn làm nhưng hãy biết cách từ chối nếu cảm thấy cuộc vui có thể gây áp lực đến tài chính của bản thân. Chỉ khi tạo được thói quen "biết từ chối", bạn sẽ không bao giờ phải vay nợ vì bạn bè", Alev nói.
Ba là minh bạch về tài chính. Chuyên gia khuyên bạn không nên giấu mức thu nhập hay khiến ai đó tưởng bản thân rất giàu có và dễ dàng chi tiền cho mọi thứ. Khi đã biết khả năng tài chính của đối phương, những người bạn tốt sẽ biết cách chi tiêu phù hợp thay vì bội thực chi.
Và cuối cùng, mọi người có thể áp dụng hình thức giải trí "tại gia", như tổ chức bữa tối, xem phim tại nhà thay vì ra ngoài chi tiền cho những đồ không cần thiết. "Trong mọi mối quan hệ, điều quan trọng nhất là được giao tiếp thay vì chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài", Alev nhấn mạnh.
Minh Phương dịch (Theo Insider, Yahoo)
Theo tamlyhoctoipham.com