Mệt mỏi vì bị kiểm soát trong mối quan hệ chính thức, Prasant Meera đã tìm kiếm kiểu yêu đương "trên tình bạn, dưới tình yêu".
Cô gái Ấn Độ thừa nhận kiểu quan hệ này thích hợp với người ghét sự ràng buộc, không muốn dành toàn bộ tình cảm và thời gian cho bất kỳ ai.
Ngay khi chấm dứt mối quan hệ độc hại với bạn trai cũ đầu năm 2022, Meera nói đã quen một chàng trai qua Tinder. Sự đồng điệu về tính cách, quan điểm khiến cả hai liên lạc với nhau mỗi ngày. Nhưng họ đều khẳng định không xác định yêu đương vì cách biệt địa lý và chưa thực sự hiểu rõ hoàn cảnh của đối phương.
"Tôi có hứng thú với anh ta, nhưng không có ý định kéo dài một mối quan hệ này", Meera nói.
Còn với Ritesh, mất niềm tin với những mối quan hệ trước đây và sợ cảm giác đau khổ khi chia tay, anh không muốn tìm kiếm một mối quan hệ ổn định. "Tôi muốn tìm một người có thể tâm sự, chia sẻ mọi lúc mà không cần gắn bó", chàng trai 25 tuổi ở Ấn Độ nói.
Ngày nay, nhiều người mong muốn tìm kiếm sự kết nối trên mức bạn bè, nhưng không đặt nhiều kỳ vọng và áp lực cho đối phương. Các xu hướng cho thấy thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, có nhiều khả năng rơi vào các mối quan hệ này.
Mối quan hệ mập mờ có thể giúp Gen Z thêm sự lựa chọn, nhưng cũng khiến một số người thất vọng nếu không đạt nguyện vọng của bản thân. Ảnh minh họa: iStock
Báo cáo 'Year in Swipe' của một ứng dụng hẹn hò năm 2022 cho thấy nhiều người trẻ độc thân coi các mối quan hệ mập mờ (situationship) là điều bình thường. Theo thống kê, có đến 49% người dùng thêm mục đích "kết bạn" vào trang thông tin cá nhân thay vì "tìm ngườu yêu". Thậm chí, cứ 10 người trẻ độc thân được khảo sát lại có một người thích chọn "situationship" như cách phát triển mối quan hệ ít bị áp lực.
Tương tự, nghiên cứu gần đây của ứng dụng hẹn hò Bumble đầu năm 2023 cũng chỉ ra 30% người Ấn Độ độc thân được khảo sát muốn hẹn hò không có ràng buộc. Samarpita Samaddar, Giám đốc Truyền thông của Bumble tại Ấn Độ, nói có đến 73% người thuộc Gen Z được hỏi khẳng định chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ cần khẳng định chủ quyền.
Tiến sĩ Chandni Tugnait, chuyên gia của Tinder, nói rằng các mối quan hệ mập mờ giúp mọi người trải nghiệm sự thân mật, kiểm tra tương thích thay vì "chôn chân" nếu yêu đương chính thức.
"Họ vẫn có thể thể hiện tình yêu nhưng không kiểm soát nhau. Đặc biệt, những người này dễ dàng vượt qua tình huống đau khổ lúc chia tay bởi không đầu tư nhiều về mặt cảm xúc", chuyên gia nói.
Drisha Dey, nhà tâm lý học đến từ Kolkata (Ấn Độ), nói rằng Gen Z là một thế hệ được lựa chọn. "Họ đã quen với việc chủ động. Và nếu chưa từng có tiền lệ, họ sẽ là người tạo ra chúng", cô nói.
Chuyên gia khẳng định, không có thế hệ nào được kết nối rộng rãi như Gen Z bởi truyền thông xã hội nhưng họ cũng là những người cô đơn nhất. Bởi nhóm người này đã bỏ lỡ một trong những phần quan trọng của quá trình hình thành liên kết và phát triển với người khác, do tiếp xúc với điện thoại và máy tính từ nhỏ.
Nói đơn giản hơn, Gen Z sớm quen với những thứ mang lại cảm giác thích thú, nhưng cần nhanh chóng, dễ dàng, không cần nỗi lực xây dựng các mối quan hệ yêu đương truyền thống.
Nhiều người trẻ lựa chọn kiểu quan hệ mập mờ vì không muốn bị kiểm soát, ảnh hưởng đến mục tiêu của bản thân. Nhưng đôi khi "situationship" có thể là trải nghiệm khó chịu.
Nguyên nhân là bởi mối quan hệ này chỉ thực sự phù hợp nếu cả hai cùng cởi mở về những gì bản thân mong muốn và đồng thuận một cách minh bạch. Nhưng trên thực tế, các mối ưu tiên có thể khó thống nhất với nhau, nhất là khi họ không thẳng thắn chia sẻ về tình trạng của mối quan hệ.
"Và mối bận tâm lớn nhất là một trong hai nảy sinh tình cảm với đối phương và muốn gắn bó lâu dài", chuyên gia Samaddar nói.
Để tránh những tình huống trên, các chuyên gia khuyên bạn nên tiếp cận chúng một cách tích cực, tập trung vào giao tiếp cởi mở. Bằng cách này, bạn có thể làm rõ hướng đi của mối quan hệ và cải thiện sự hiểu biết về những kỳ vọng của nhau. Chúng cũng giúp cả hai giảm bớt sự không chắc chắn, thúc đẩy cảm giác tin tưởng và kết nối sâu sắc hơn.
Chuyên gia tâm lý Dey cũng đưa lời khuyên, dù các mối quan hệ mập mờ dần trở nên phổ biến, nhưng nếu thấy không hài lòng với nó, bạn có thể áp dụng các cách sau:
Hãy trung thực với bản thân và viết ra lý do tại sao không muốn gắn bó với ai đó.
Nếu đó là do vấn đề cụ thể, hãy thử giải quyết, chẳng hạn mong muốn nâng cấp từ tình bạn lên người yêu nhưng sợ bị từ chối. Đối diện với việc này, bạn buộc phải lựa chọn điều khiến bản thân ít hối tiếc hơn và kiên định với nó.
Nếu bạn tin rằng có điều gì đó sâu xa hơn, như bị ám ảnh tâm lý nhưng không thể tự thoát ra, hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Minh Phương (Theo Indianexpress)
Theo tamlyhoctoipham.com