Không phải bất cứ tình yêu nào cũng sẽ có kết thúc có hậu. Vẫn có những mối tình kết thúc trong đau đớn, nước mắt, dằn vặt, thậm chí căm thù, uất hận, mà người ta gọi chung là chia tay. Ừ thì chấm dứt mối quan hệ, trở thành người lạ từng quen, tim vỡ loảng xoảng, nước mắt lã chã. Và thay vì tìm cách chữa lành vết thương trong lòng, nhiều người lại chọn cách lao vào những mối quan hệ rebound - những cuộc tình ngắn hạn chẳng đâu vào đâu.
Lần đầu tiên xuất hiện vào cuối những năm 1830, khi Mary Russell Mitford viết “Không gì dễ dàng hơn việc có được một trái tim trong cuộc tình ngắn ngủi” (Nothing so easy as catching a heart on the rebound), những “cú bật” ái tình (rebound relationship) được dùng để chỉ những mối tình ngắn ngủi ngay sau một cuộc chia tay. Người trong cuộc khi ấy cần một người yêu mới để giúp mình quên đi tình yêu vừa tan vỡ, để cảm thấy mình vẫn xứng đáng được yêu thương, hoặc đơn giản chỉ để chứng minh với người cũ rằng mình đã thoát được bóng m.a của quá khứ và sẵn sàng “yêu lại từ đầu”.
Những cú bật tình yêu thường tìm đến trong hai trường hợp. Một là khi cô gái vừa trải qua một cuộc tình tan vỡ và chủ động đi tìm một mối quan hệ rebound để xốc lại tinh thần và lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Hai là cô gái ở thế bị động khi có người vừa trải qua một mối quan hệ tan vỡ và tìm đến cô để xoa dịu nội đau. Khi ấy cô gái sẽ vô tình bị cuốn vào mối quan hệ ngắn ngủi mà cô chỉ là một người thay thế tạm thời, không hơn không kém.
Nếu cô gái là người chủ động thì đích thực cô ấy đã phải chịu một sự tổn thương và đả kích vô cùng lớn. Lý trí mách bảo rằng cô phải tiếp tục yêu người mới, phải cho “kẻ khốn nạn” kia thấy mình vẫn còn hàng tá người theo đuổi. Cô gái cố an ủi bản thân rằng “tôi vẫn ổn và tôi đang hạnh phúc”, nhưng khi đêm về, chỉ còn lại mình cô với trái tim vỡ vụn cùng với nỗi căm hận người cũ và sư day dứt dành cho người mới - một kẻ thế chỗ đáng thương. Ngược lại, nếu cô gái là người vô tình bị biến thành người thay thế, thì nỗi căm hận ấy hoàn toàn sẽ dành cho kẻ ích kỷ kia.
Một mối quan hệ rebound là liều thuốc kỳ diệu giúp chữa lành “cái tôi” đang bị thương của bạn, nhưng cũng là liều thuốc độc giết chết trái tim chân thành của người khác. Đó là lý do vì sao những cô gái vừa chia tay và đang có ý định tìm kiếm một người mới phải thật sự cẩn trọng. Hãy chắc chắn rằng bản thân có tình cảm với người mới thật sự chứ không phải chỉ là đang tìm kiếm một kẻ thế chỗ. Mặt khác, nếu bạn lo sợ mình bị cuốn vào mối quan hệ đầy rủi ro này, thì những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ gặp phải một chàng trai đang tìm một mối quan hệ rebound.
- Người đàn ông đó vừa mới chia tay người yêu cũ.
- Người đàn ông đó liên tục kể về người yêu cũ trước mặt bạn.
- Bạn và người đàn ông đó rất vui vẻ khi thân mật, nhưng ngoài khoảnh khắc đó, hai người không có gì để nói với nhau.
- Người đàn ông đó cay cú khi thấy người yêu cũ có người yêu mới.
- Người đàn ông đó chỉ hẹn hò riêng với bạn, tuyệt đối không dẫn bạn đến gặp bạn bè hay gia đình.
- Người đàn ông vẫn cập nhật nhưng story đau khổ, nghe những bản nhạc thất tình não nề.
Nếu gặp phải tình cảnh như thế, bạn có thể đang là một kẻ thế thân. Hãy mạnh dạn rời bỏ trước khi vết thương bị xát muối và khoét sâu thêm nữa.
Vết thương sau chia tay vô cùng nghiêm trọng nhưng chắc chắn có thể chữa lành, miễn là bạn tìm đúng cách. Những mối quan hệ rebound giống như “lang băm” không thể chữa khỏi cho bạn, ngược lại còn khiến vết thương sớm hoại tử, khiến bạn chẳng thể lành lặn được nữa. Sau chia tay, đừng vội tìm ai cả, hãy quay về bên trong và yêu bản thân mình trước đã.
PHOTO: GETTY IMAGES/INSTYLE
---------------------------
Tìm hiểu thêm về tâm lý và sắc thái cảm xúc của phụ nữ khi yêu với Đọc vị nàng và ngàn lẻ chuyện yêu.
https://shope.ee/9Ueutd9Bhc
Theo tamlyhoctoipham.com