“Happy wife, happy life” (tạm dịch: vợ vui lòng, cuộc sống hạnh phúc) là ngạn ngữ nổi tiếng. Thực tế, câu nói này không hề sáo rỗng mà từng được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh.
Quyền lực của người vợ
Theo Moms, khi nói đến vai trò giới trong hôn nhân, quan niệm cũ kỹ là phụ nữ quán xuyến việc nhà, còn đàn ông kiếm tiền nuôi gia đình. Bởi vậy, tâm trạng của người mẹ sẽ quyết định nhiều hơn tới không khí trong nhà.
Trong lịch sử tội phạm, phụ nữ luôn đảm đương công việc gia đình. Đó là quyền lực đặc biệt của họ. Trong một thời gian dài, trải qua nhiều hình thái xã hội, chăm sóc chồng, con từng là mục đích duy nhất của nữ giới.
Nguồn gốc của câu nói “happy wife, happy life” chưa được xác định, nhưng được dự đoán xuất hiện ở đầu thế kỷ 20. Lần đầu tiên là trong bài thơ đăng trên tờ báo in của Anh năm 1903 nói về tiền lương lao động và xung đột thời đó. Một quảng cáo bất động sản ở bang Texas (Mỹ) năm 1958 cũng sử dụng ngạn ngữ này.
Năm 2014, Đại học Rutgers ở New Jersey (Mỹ) nghiên cứu về mức độ hạnh phúc của đàn ông và phụ nữ trong các cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm. Tổng cộng 394 cặp vợ chồng kết hôn trung bình 39 năm và có ít nhất một người từ 60 tuổi trở lên tham gia.
TS Deborah Carr, trưởng nhóm nghiên cứu, cùng đồng sự phân tích dữ liệu mà các đối tượng khảo sát đánh giá về cuộc sống cá nhân và hạnh phúc trong hôn nhân của họ trên thang điểm 1-4.
Kết quả cho thấy một người đàn ông có thể không hạnh phúc trong hôn nhân nhưng vẫn hài lòng với cuộc sống của mình nếu vợ anh ta thấy vui vẻ. Ví dụ, nếu đánh giá hôn nhân của mình ở mức 1, người chồng vẫn có thể chấm điểm cuộc sống cá nhân cao hơn nếu bạn đời hạnh phúc.
Về cơ bản, nếu vợ thấy hài lòng, chồng cũng sẽ hạnh phúc.
Chìa khóa hạnh phúc
Năm 2019, Harry Benson, Giám đốc của tổ chức nghiên cứu về hôn nhân Marriage Foundation có trụ sở tại Vương quốc Anh, cùng với GS Steve McKay từ Đại học Lincoln (Mỹ) tiến hành nghiên cứu về hạnh phúc gia đình.
Họ sử dụng dữ liệu từ Millennium Cohort Study để khảo sát 13.000 gia đình có con trong những năm 2000-2001.
Theo đó, các ông bố và bà mẹ đều được hỏi “Anh/chị có hạnh phúc trong mối quan hệ của mình?” khi con họ 9 tháng tuổi. Kể từ đó, các gia đình được khảo sát thêm 5 lần.
Nhóm nghiên cứu xem xét sự thay đổi của những gia đình này khi con họ 14 tuổi.
Kết quả cho thấy cả bố và mẹ đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình. Tuy nhiên, hạnh phúc của mẹ chắc chắn là yếu tố quan trọng hơn.
Cụ thể, khi mới sinh con, nếu người mẹ hài lòng với hôn nhân, nhiều khả năng cô vẫn sẽ ở bên chồng sau 14 năm. Những bà mẹ không hạnh phúc có nhiều khả năng chia tay hơn là các ông bố không hạnh phúc.
Người mẹ hạnh phúc cũng có nhiều khả năng sinh con cái ít gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên hơn. Điều này đúng cho cả bé trai và gái.
Các ông bố hạnh phúc cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con cái, nhưng chỉ tác động tới bé trai.
Những phát hiện này đúng với mọi sắc tộc, độ tuổi khi sinh con, tình trạng kết hôn và có bằng đại học hay không của đối tượng khảo sát. Nó cũng không liên quan tới việc nam hay nữ đóng vai trò nào trong gia đình như kiếm tiền, chăm con, quán xuyến việc nhà.
IF Studies khẳng định sự hài lòng của người mẹ có tác động đặc biệt lớn đến cuộc sống gia đình sau này. Do đó, một người vợ vui vẻ quả thực có nghĩa là cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Paul Coleridge, chủ tịch của Marriage Foundation, nói thêm: “Trong tất cả cuộc thảo luận đương thời về vai trò thích hợp của bố và mẹ trong gia đình ngày nay, điều cốt yếu vẫn là vai trò quan trọng của người vợ/người mẹ như là kim chỉ nam. Các ông bố sẽ giúp ích cho bản thân và con cái nếu khắc cốt ghi tâm rằng việc chung tay, tử tế, yêu thương bạn đời không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sức mạnh, sự tự tin”.
Theo Zing
Theo tamlyhoctoipham.com