|
Đừng ngần ngại, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất về những hành vi xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh: Psychology Today |
1. Khuyến khích trẻ kể chuyện sau một ngày
Cho dù cuộc sống bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng nên dành ra thời gian sau khi trẻ học xong hoặc trong bữa ăn để trò chuyện với con. Ngoài tạo cho con thói quen giao tiếp và kết nối gần hơn các thành viên trong gia đình, hỏi thăm về một ngày của con sẽ giúp cha mẹ hiểu và lắng nghe được những câu chuyện mà trẻ tự nhiên kể ra, trong đó có những câu chuyện, những hành vi mà trẻ nghĩ “không nghiêm trọng”.
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi, chúng thường không có thói quen kể về một ngày của mình hoặc không đủ kiến thức, không đủ trưởng thành để đánh giá và nhận định về một hành vi của người khác có thể xâm phạm đến mình. Chính vì thế, cha mẹ cần phải chủ động hỏi thăm và trò chuyện với con.
2. Dạy trẻ biết về vấn đề xâm hại tình dục
Nhiều phụ huynh thường rất ngại hoặc không biết phải cung cấp kiến thức gì cho con để bảo vệ con khỏi vấn đề lạm dụng tình dục. Chính vì thế, các nguồn kiến thức từ các lớp học, hội thảo, sách tội phạm học hoặc internet là một sự lựa chọn đáng để lưu ý.
Ngoài ra, cha mẹ có thể đưa con đến các buổi tư vấn, nói chuyện để được nghe các chuyên gia nói về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em dưới góc nhìn khoa học, phù hợp với sự tiếp thu và lứa tuổi của trẻ em.
Qua đó, trẻ có những hiểu biết cơ bản về tình dục và lạm dụng tình dục cũng như sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là phụ huynh cần phải vượt qua tâm lý ngại ngùng để chia sẻ thẳng thắn cùng con những vấn đề nhạy cảm mà hết sức quan trọng này.
3. Tạo lập báo động đỏ
Tội phạm tình dục không thể nói trước được là những ai xung quanh trẻ, thậm chí là cả người thân trong gia đình.
Họ thường cố tạo ra ở trẻ em một lòng tin nào đó rất khác thường, rất biết dỗ ngọt trẻ em. Ví dụ, nếu một người đàn ông trung niên nhưng trong nhà lại có rất nhiều đồ chơi hoặc trò chơi điện tử và thường xuyên rủ trẻ em đến nhà chơi. Đây có thể xem là một tín hiệu báo động đỏ cho cha mẹ.
Một ví dụ khác, một số người trưởng thành nhưng lại sống ẩn dật, không bạn bè, không có giao tiếp xã hội nào thì cũng là một dấu hiệu để cha mẹ cẩn trọng khi cho trẻ em tiếp xúc.
Nếu phát hiện ra một dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ nên báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án kịp thời, ngăn chặn tối đa các nguy cơ gây tội phạm nguy hiểm cho trẻ em.
4. Biết con đang ở với ai
Cha mẹ nên biết rõ con em mình đang chơi với bạn nào và cha mẹ của bạn là ai trước khi đồng ý cho con sang nhà bạn chơi cả ngày.
Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc kiểm soát quá chặt chẽ hoặc cấm đoán con nên hay không nên chơi với một người bạn nào.
5. Luôn có một người đi kèm với trẻ
Việc có người thân đi kèm với các bé rất quan trọng. Phụ huynh nên đề xuất các hoạt động ngoại khóa, vui chơi và học tập cho bé với điều kiện có người quen đi kèm. Đó phải là một người mà phụ huynh tin tưởng, đã quen biết từ lâu và hiểu về họ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giải quyết ngay bất kỳ hành vi đáng nghi ngờ nào của người khác một cách trực tiếp và thẳng thắn. Sự né tránh, giấu giếm, e ngại sẽ chỉ giúp cho kẻ có hành vi tấn công tình dục trẻ em dễ dàng hành động hơn.
6. Dạy trẻ hiểu rằng nguy hiểm có thể xảy ra từ một người mà bé tin tưởng
Các bậc phụ huynh cần làm cho trẻ hiểu rằng việc đụng chạm không phù hợp thì không phân biệt người thực hiện. Bất kì ai cũng không được phép đụng vào bé, cụ thể như đụng chạm vào ngực, mông, bộ phận sinh dục, lợi dụng cởi quần áo trẻ, buộc trẻ đụng chạm vào cơ thể họ, bắt trẻ em những tranh ảnh, phim đồi trụy hoặc đe dọa nếu trẻ nói chuyện này cho bất kì ai.
Khi xảy ra những sự việc như trên, bé phải biết báo ngay cho người lớn. Khi cảm thấy không yên tâm, bắt đầu sợ hãi, bé phải biết hỏi và nhờ người lớn giải quyết.
7. Nắm bắt các dấu hiệu
Việc lạm dụng tình dục thường không dễ thấy như bạo hành. Do đó, phụ huynh các bé cần để ý các biểu hiện của trẻ, nhận biết xem khi nào trẻ cần được giúp đỡ.
8. Tìm cách phục hồi cho nạn nhân
Các bé bị lạm dụng tình dục có thể nhận được các liệu pháp phục hồi, ví dụ như các chương trình tư vấn sức khỏe tâm lý, tham gia các lớp học ngoài trời, trò chơi, văn nghệ. Đó là cách phù hợp giúp các bé vượt qua được những cú sốc tinh thần. Càng tham gia vào các trò chơi vận động, các lớp học nghệ thuật hoặc đi du lịch với gia đình, các bé có thể phân tán sự tập trung và dần quên đi những hình ảnh đáng sợ đó.
Ngoài ra, trong giai đoạn hoảng loạn, cha mẹ nên ngủ cùng con, kể chuyện cho con nghe, ôm con vào lòng vỗ về để trẻ bớt dần cảm giác sợ hãi và mất an toàn.
9. Hành động ngay nếu nghi ngờ xảy ra lạm dụng
Nếu bạn nghi ngờ con mình bị lạm dụng, hãy báo ngay cho công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Họ sẽ điều tra hành vi lạm dụng nếu có và có những biện pháp phù hợp. Bạn không nên tự mình điều tra, bởi có thể bạn không có nghiệp vụ để tìm hiểu về một vấn đề nhạy cảm như vậy hoặc bạn phải đối mặt với những nguy hiểm mà mình không có kinh nghiệm đối phó.
10. Hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp tốt hơn
Cha mẹ phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa, đánh giá và điều trị hiệu quả cho nạn nhân cũng như người tấn công.
Không chỉ trang bị kiến thức cho bản thân và con em mình, phụ huynh của các lớp học nên kết hợp với giáo viên để tổ chức các giờ sinh hoạt ngoại khóa, buổi giao lưu, các tiết học để cung cấp kiến thức cho các con một cách nghiêm túc. Các lớp học như vậy sẽ giúp phụ huynh phần nào bớt đi cảm giác ngại ngùng khi phải chia sẻ các vấn đề nhạy cảm với con.
TUẤN MINH - TUẤN LINH (Theo Psychology Today)
Theo tamlyhoctoipham.com