Bạn đã trưởng thành về mặt cảm xúc chưa?
26 gợi ý sau đây sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi đó:
1. Bạn nhận ra rằng cách hành xử tồi tệ của người khác hầu hết đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và lo lắng, chứ không phải do họ khó chịu hay ngu ngốc như chúng ta thường nghĩ. Bạn bớt những ý nghĩ tự cho rằng mình đứng đắn hơn người khác, và cũng không còn nghĩ thế giới này chỉ toàn lũ quái vật xấu xa hay những kẻ ngu ngốc nữa. Lúc đầu, mọi thứ sẽ hơi mập mờ, nhưng dần dần, lại trở nên thú vị hơn rất nhiều.
2. Bạn học được rằng người khác không thể tự động hiểu được bạn đang nghĩ gì. Thật không may, bạn sẽ phải diễn đạt những ý định và cảm xúc của mình bằng lời nói - và cho đến khi bạn miêu tả chúng một cách bình tĩnh và rõ ràng, thì bạn không thể trách người khác vì họ không hiểu ý bạn.
3. Bạn học được - một cách rõ ràng - rằng đôi khi bạn phạm phải sai lầm. Với lòng can đảm vĩ đại, bạn sẽ bước đầu, dù còn chưa quen, đối mặt với việc nói xin lỗi.
4. Bạn học được cách trở nên tự tin không phải nhờ việc bạn biết mình rất tuyệt, mà là nhờ vào việc biết rằng mọi người cũng ngốc nghếch, sợ hãi và lạc lối như chính bạn vậy. Chúng ta đều đang tự cải thiện, và điều đó không có gì xấu cả.
5. Bạn không còn phải vật lộn với hội chứng mạo danh (impostor syndrome) nữa vì bạn đã có thể chấp nhận một sự thật rằng không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều cố gắng trở thành một người khác mà lãng quên những khiếm khuyết của bản thân.
6. Bạn tha thứ cho bố mẹ bạn bởi bạn nhận ra là họ không sinh bạn ra để sỉ nhục bạn. Chỉ là đôi khi việc giáo dục con trở nên quá khó khăn trong khi bản thân họ cũng đang phải vật lộn với những vấn đề của riêng mình. Lúc này, cơn giận dữ chuyển hóa thành tình thương và lòng trắc ẩn.
7. Bạn học được rằng những thứ tưởng chừng như ‘nhỏ bé’ cũng có thể tác động mạnh mẽ đến tâm trạng của bạn như: giờ đi ngủ, lượng đường trong máu, nồng độ cồn và mức độ stress, v.v. Bài học bạn nhận được là không bao giờ nên đề cập một vấn đề quan trọng và dễ gây tranh cãi với người bạn yêu thương cho đến khi mọi người (bao gồm cả bạn) đều có tâm trí thoải mái và sẵn sàng.
8. Bạn nhận ra rằng khi những người thân thiết la rầy bạn, hay thấy khó chịu hoặc thù ghét bạn, họ không phải đang cố làm bạn bực mình đâu, họ có thể đang cố thu hút sự chú ý của bạn theo cách duy nhất mà họ biết thôi. Bạn học cách nhận ra được nỗi tuyệt vọng ẩn dưới những khoảnh khắc không mấy đẹp đẽ của họ - và, vào một ngày đẹp trời, bạn giải mã chúng bằng tình yêu chứ không phải bình phẩm chúng
9. Bạn không còn hờn dỗi nữa. Nếu ai đó làm tổn thương bạn, bạn sẽ không ghét bỏ hay trả thù họ. Bạn nhớ rằng cuộc đời này rất ngắn ngủi. Bạn không mong người khác tự hiểu ra vấn đề. Bạn nói thẳng cho họ nghe và nếu họ hiểu, bạn tha thứ cho họ. Còn nếu họ không hiểu, bạn vẫn tha thứ cho họ, theo một cách khác.
10. Bạn nhận ra rằng bởi cuộc sống rất ngắn ngủi, nên việc bạn cố gắng nói ra những gì bạn nghĩ là cực kỳ quan trọng. Tập trung vào những gì bạn muốn và nói với những người bạn quan tâm rằng họ vô cùng quan trọng với bạn. Thậm chí bạn nên làm điều này hằng ngày.
11. Trong gần như mọi lĩnh vực, bạn không còn tin vào sự hoàn hảo nữa. Không có ai, công việc hay cuộc sống nào là hoàn hảo cả. Thay vào đó, bạn hướng sự tập trung vào việc trân trọng những gì “tốt vừa đủ” (cụm từ chuẩn của nhà phân tâm học Donald Winnicott). Bạn nhận ra rằng nhiều thứ trong cuộc sống của bạn vừa gây ức chế - nhưng, nhìn theo những cách khác, lại vừa đủ tốt.
12. Bạn học được giá trị của góc nhìn bi quan - và tâm hồn bạn trở nên điềm tĩnh, kiên nhẫn và khoan dung hơn. Bạn không còn quá bấu víu vào chủ nghĩa lý tưởng và trở thành một người bớt bốc đồng (bớt thiếu kiên nhẫn, cứng nhắc và cáu kỉnh).
13. Bạn học được rằng điểm yếu và điểm mạnh của mỗi người đều được kết nối để tạo ra sự cân bằng. Thay vì chỉ nhìn vào điểm yếu, bạn sẽ nhìn vào bức tranh toàn cảnh: đúng vậy, ai đó có thể hơi cứng nhắc, nhưng họ cũng rất tỉ mỉ và khi có biến cố, họ rất cứng rắn và điềm tĩnh. Hay, ai đó có thể hơi bừa bộn, nhưng đồng thời họ cũng sáng tạo một cách đáng kinh ngạc và rất có tầm nhìn. Bạn nhận ra (một cách chính xác) rằng không tồn tại khái niệm ‘con người hoàn hảo’ - và rằng mỗi ưu điểm sẽ đi kèm với một khuyết điểm.
14. Bạn học được giá trị của việc thỏa hiệp. Bạn học cách ổn định bản thân trong vài khía cạnh nhất định - và nhận ra rằng, khi làm vậy, bạn không phải đang trở nên yếu đuối, mà là đang trưởng thành. Bạn có thể ở cùng một người vì lý do con cái, hoặc bởi bạn sợ phải ở một mình. Bạn có thể chịu đựng những bất tiện vì bạn biết rằng một cuộc sống không có xích mích chỉ là vọng tưởng.
15. Bạn khó rơi vào lưới tình hơn một chút. Khi bạn còn ngây dại, bạn có thể ngay lập tức thích một ai đó. Nhưng bây giờ, bạn đã nhận thức sâu sắc rằng mọi người, dù có duyên dáng hay tài năng đến đâu, cũng có thể làm bạn tổn thương khi thân thiết. Bạn trung thành hơn với những gì bạn đang có.
16. Bạn học được một điều đáng ngạc nhiên rằng sống chung với bạn khá khó khăn. Bạn rũ bỏ sự đa cảm của bản thân. Khi bước vào một mối quan hệ bạn bè hoặc yêu đương, bạn sẽ thường nhẹ nhàng gửi họ những dấu hiệu nhắc nhở rằng thỉnh thoảng bạn vẫn sẽ cho họ những thử thách để đánh giá cách họ đối xử với mình.
17. Bạn học cách tha thứ cho bản thân vì những lỗi lầm và sự ngu ngốc. Bạn nhận ra rằng việc yêu bản thân theo hướng cực đoan bao gồm cả việc tự trừng phạt vì những hành động sai trái trong quá khứ. Đương nhiên, bạn là một kẻ ngốc, nhưng bạn cũng rất đáng yêu, chúng ta đều vậy.
18. Bạn học được rằng một phần của việc trưởng thành là biết cách hòa hợp với phần trẻ con cứng đầu trong bạn, phần mà sẽ không bao giờ mất đi. Bạn không còn cố làm một người trưởng thành trong mọi hoàn cảnh nữa. Bạn chấp nhận rằng chúng ta đều có những lúc thoái lui về lứa tuổi trước - và khi đứa trẻ 2 tuổi kia xuất đầu lộ diện, bạn sẽ dang rộng vòng tay chào đón chúng và quan tâm đến chúng để chúng được toại nguyện.
19. Bạn không còn hy vọng quá nhiều vào cái gọi là ‘hạnh phúc lâu dài’. Bạn ăn mừng khi những thứ nhỏ bé diễn ra suôn sẻ. Bạn nhận ra rằng sự hài lòng tồn tại trong từng phút. Bạn vui mừng khi một ngày trôi qua mà không có quá nhiều việc quấy rầy bạn. Bạn hứng thú với những bông hoa và bầu trời đêm. Bạn dần hình thành những niềm vui nho nhỏ.
20. Bạn không bận tâm đến những gì người khác nghĩ nữa. Bạn nhận ra rằng tâm trí của người khác là một nơi lộn xộn và bạn không còn cố gắng hết sức để đánh bóng hình ảnh của bạn trong mắt người khác nữa. Điều quan trọng là bạn và một hoặc hai người nữa đều ổn với việc bạn là chính bạn. Bạn từ bỏ danh tiếng và bắt đầu tin vào tình yêu.
21. Bạn biết cách tiếp thu những lời nhận xét hơn. Thay vì cho rằng những ai phê bình bạn là đang cố làm nhục bạn hoặc đang phạm sai lầm, bạn chấp nhận rằng đó có thể là lúc bạn nên xem xét lại một vài thứ. Bạn bắt đầu có thể chịu những lời chỉ trích và vượt qua nó - mà không xù lông lên và phủ nhận mọi thứ như trước nữa.
22. Bạn nhận ra một phần nào đó trong cuộc sống thường nhật của bạn là để ổn định các vấn đề của mình. Bạn càng ngày càng ghi nhớ rằng bạn cần có cách nhìn nhận khôn ngoan hơn về những thứ làm bạn đau. Bạn dành nhiều thời gian hơn để đi bộ ngoài trời, tận hưởng thiên nhiên, bạn có thể nuôi thú cưng (chúng không hay phiền muộn như chúng ta) và bạn trân trọng vẻ đẹp của những dải ngân hà trong trời đêm.
23. Bạn không còn dễ bị kích động bởi hành xử tiêu cực của người khác. Trước khi nổi giận hoặc buồn bã, bạn khựng lại để nghĩ về ý nghĩa thực sự trong lời nói của họ. Bạn nhận ra là có một khoảng cách giữa những gì một người nói và những ý nghĩa mà bạn gán cho chúng.
24. Bạn nhận ra quá khứ đã hình thành nên phản ứng của bạn ở hiện tại như thế nào - và học được cách bù đắp cho những thay đổi. Bạn chấp nhận rằng, tuổi thơ làm bạn có khuynh hướng phóng đại vấn đề trong vài trường hợp. Bạn nghi ngờ những xung động ban đầu của mình đối với một vài thứ trong cuộc sống liệu có phù hợp. Bạn nhận ra là - đôi khi - không nên chiều theo cảm xúc của bản thân.
25. Khi bắt đầu một tình bạn, bạn nhận ra rằng những khi người khác lắng nghe tin tốt của bạn, hay những rắc rối của bạn, họ làm vậy không phải chỉ vì quan tâm bạn, mà chủ yếu là để cảm thấy bớt đơn độc đi một chút với những nỗi đau của riêng họ. Bạn trở thành một người bạn tốt hơn vì bạn nhận thấy rằng tình bạn thực sự là về việc chia sẻ những tổn thương.
26. Bạn học được cách xoa dịu những nỗi lo, không phải bằng cách tự nhủ rằng rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Trong nhiều trường hợp, nó sẽ chẳng ổn đâu. Bạn xây dựng một lối suy nghĩ rằng thậm chí khi biến cố xảy ra, bạn vẫn có thể vượt qua được. Bạn nhận ra sẽ luôn luôn có một kế hoạch B; thế giới rất rộng lớn, ta sẽ luôn tìm thấy những tâm hồn bao dung và cuối cùng thì, kể cả những thứ kinh khủng nhất cũng vẫn trong sức chịu đựng của ta.
Dịch: Lộc
Nguồn: https://www.theschooloflife.com
Nguồn: A Crazy Mind
Theo tamlyhoctoipham.com