Tiến sĩ Elizabeth Jeglic, giáo sư tâm lý học tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, chuyên gia phòng chống bạo lực tình dục nổi tiếng tội phạm quốc tế, trong một nghiên cứu về trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục đã cùng các đồng sự đề xuất rằng Dụ dỗ và Thao túng tình dục (Grooming) bao gồm năm giai đoạn với các chiến thuật và hành vi được xác định được ghi chú bên dưới mỗi giai đoạn:
Giai đoạn 1: CHỌN NẠN NHÂN
Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình Dụ dỗ và Thao túng này, kẻ phạm tội xác định nạn nhân tiềm năng bằng cách chọn trẻ dễ bị tổn thương, gặp trở ngại về tâm lý/tình cảm hoặc vì hoàn cảnh gia đình như thiếu sự giám sát, gia đình bất hòa hoặc sống chung một nhà với chồng/vợ/bạn tình của cha hoặc mẹ:
- Trẻ dễ tin người, dễ nghe lời chỉ dẫn của người khác/tin tưởng người lớn.
- Trẻ thiếu tự tin /có lòng tự trọng thấp .
- Trẻ là cô đơn /cô lập.
- Trẻ đang gặp rắc rối.
- Trẻ đang cần sự giúp đỡ.
- Trẻ cảm thấy không được đáp ứng điều mong muốn/không được yêu thương.
- Trẻ không gần gũi với cha mẹ (hoặc người nuôi dưỡng), họ không phải là chỗ dựa về mặt tinh thần của chúng.
- Trẻ sống với mẹ đơn thân/cần "hình bóng người cha".
- Trẻ thiếu sự giám sát.
Giai đoạn 2: ĐẠT ĐƯỢC QUYỀN KIỂM SOÁT VÀ CÁCH LY
Đây là giai đoạn kẻ phạm tội tìm cách tiếp cận trẻ bằng cách tham gia các hoạt động có mặt trẻ, chiếm được lòng tin của trẻ, hoặc cả những người giám hộ (nếu cần thiết). Sau khi tiếp cận được trẻ kẻ phạm tội thường cố gắng tách trẻ ra khỏi bạn bè cùng trang lứa và người lớn chăm sóc để hắn có thể bắt đầu quá trình Dụ dỗ và Thao túng trẻ:
- Tham gia vào các tổ chức phục vụ thanh thiếu niên, ví dụ: trường học, nhóm thanh niên, hướng đạo sinh, thể thao…
- Thao túng gia đình để tiếp cận trẻ với nhiều hình thức, trong đó có thể trở thành người tình của mẹ đứa trẻ để có cơ hội tiếp cận trẻ.
- Tham gia vào các hoạt động một mình với trẻ; những hoạt động loại trừ người lớn khác.
- Mất một khoản chi tiêu để tặng quà, đi chơi, vào nhà nghỉ với trẻ.
- Tách trẻ ra khỏi bạn bè và gia đình.
Giai đoạn 3: PHÁT TRIỂN NIỀM TIN
Trong giai đoạn này, thủ phạm cố gắng đạt được sự tin tưởng và sự tuân thủ của trẻ và những người lớn quan trọng trong cuộc sống của trẻ hoặc môi trường trẻ có mặt (ví dụ: người chăm sóc, thành viên cộng đồng, giáo viên khác nếu là trong trường học…). Cần lưu ý rằng trong giai đoạn này, kẻ phạm tội không chỉ lấy lòng tin và thao túng trẻ mà mà cả những thành viên khác trong cộng đồng để không bị nghi ngờ hoặc sẵn sàng không tiết lộ:
- Kẻ phạm tội thường tỏ ra duyên dáng/dễ mến/lịch sự.
- Họ thường có địa vị hoặc danh tiếng tốt trong cộng đồng.
- Họ thể hiện tình cảm/yêu thương và tỏ ra rất chăm lo/bảo vệ đối với trẻ em.
- Cho trẻ thấy chúng có điểm đặc biệt/khác biệt có thể bằng những lời khen tặng có chủ ý.
- Thể hiện sự thiên vị/"có mối quan hệ đặc biệt" với trẻ.
- Dành thời gian cho trẻ /thường xuyên giao tiếp (nhắn tin, gọi điện thoại, email).
- Tham gia vào các hoạt động giống trẻ (ví dụ: kể chuyện, trò chơi, thể thao, âm nhạc).
- Trao phần thưởng/đặc quyền nhỏ (ví dụ: quà tặng, đồ chơi, đồ ăn vặt, tiền, chuyến đi).
- Cung cấp tội phạm ma túy và/hoặc rượu cho trẻ.
Giai đoạn 4: GIẢI MẪN CẢM (TẬP CHO TRẺ QUEN DẦN) VỚI CÁC HÌNH ẢNH KHIÊU DÂM VÀ TIẾP XÚC THÂN THỂ
Giai đoạn này thường xảy trước khi kẻ phạm tội thực hiện hành vi xâm hại trẻ. Trong giai đoạn này, kẻ phạm tội xem hoặc nói chuyện về nội dung tình dục và tăng cường sự tiếp xúc phi tình dục (sờ mó, hôn và những đụng chạm khác):
- Đặt câu hỏi về trải nghiệm/mối quan hệ tình dục của trẻ.
- Nói về tình dục, những hành vi mà thủ phạm đã làm hoặc muốn thực hiện với trẻ.
- Sử dụng ngôn ngữ tình dục/những trò đùa tục tĩu không phù hợp.
- Lấy lý do giáo dục giới tính để thực hiện ý đồ.
- Giả vờ vô tình chạm vào/hoặc tỏ ra không nhận ra đã chạm vào trẻ.
- Xem trẻ cởi quần áo.
- Để trẻ nhìn cơ thể trần truồng của mình (khi thay đồ/tắm).
- Cố tình cho trẻ nhìn thấy các tạp chí/video/hình ảnh khiêu dâm.
- Sự tiếp xúc có vẻ vô hại/không mang tính tình dục như cù lét/ôm/ngồi trên đùi)
- Sau khi nhận ra trẻ giảm bớt sự nhạy cảm khi chạm vào, bắt đầu tăng dần sự đụng chạm tình dục.
Giai đoạn 5: DUY TRÌ SAU LẠM DỤNG
Giai đoạn cuối cùng này xảy ra sau khi hành vi xâm hại đã xảy ra. Mục đích của những hành vi duy trì này là để kẻ phạm tội có thể tiếp tục hành vi xâm hại và tránh bị phát hiện, thường bằng cách thao túng trẻ khiến chúng cảm thấy tội lỗi hoặc phải chịu trách nhiệm về việc bị xâm hại hoặc khiến trẻ lo sợ hậu quả của việc tiết lộ:
- Yêu cầu trẻ không được kể cho ai biết chuyện đã xảy ra.
- Khuyến khích bí mật và giữ bí mật.
- Nói với trẻ “Anh yêu em” hoặc “Bạn thật đặc biệt.”…
- Đưa những phần thưởng nhỏ, quà hoặc đe dọa trẻ không được kể/với bất kỳ ai nếu không sẽ tránh bị trừng phạt .
- Thuyết phục trẻ rằng các hành vi xâm hại kia là hành vi bình thường/có thể chấp nhận được.
- Cung cấp cho trẻ vị những tiêu chuẩn đạo đức sai lệch liên quan đến việc đụng chạm.
- Làm cho trẻ cảm thấy phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng và xâm hại.
- Đe dọa trẻ bằng việc bỏ rơi/từ chối/chia tay/cho điểm kém/bị mọi người chỉ trích, khinh miệt… nếu trẻ kể ra.
Để giúp trẻ THOÁT RA hoặc không VƯỚNG PHẢI những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, điều quan trọng là phụ huynh, người giám hộ và những người lớn chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ phải hiểu và nhận biết được các hành vi Dụ dỗ và Thao túng tình dục trẻ.
Ngăn ngừa và phát hiện càng sớm càng tốt để tránh cho trẻ những hậu quả đáng tiết mà thường được cho là “không ngờ tới”.
99% trẻ bị lạm dụng tình dục liên quan đến việc kẻ phạm tội Dụ dỗ và Thao túng trẻ.
Một vấn đề đau đầu và khó giải quyết hiện nay chính là tội phạm tình dục thực hiện hành vi Dụ dỗ và Thao túng trẻ qua hình thức trực tuyến. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về vấn đề này trong các bài viết sau.
Người dịch: Lưu Vy
Page Lạm dụng & Bóc lột Trẻ em
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/protecting-children-sexual-abuse/202204/how-sexual-abusers-try-groom-children?fbclid=IwAR10vtLw6RIz71wUNoqmKfKEjexeiFgw5AdHFwDMWG8RpjakGLDeaiechhc
Theo tamlyhoctoipham.com