Ngày nay, có ít người kết hôn hơn, nhưng đồng thời cũng có ít người ly hôn hơn.
Theo Psychology Today, có 5 lý do khiến nhiều cặp vợ chồng vẫn chọn ở bên nhau dù không hạnh phúc.
1. Tiền
Ở Mỹ, chi phí trung bình cho một cuộc ly hôn là 12.900 USD (hơn 300 triệu đồng). Nếu giải quyết các vấn đề về cấp dưỡng nuôi con hoặc quyền nuôi con thì chi phí đó sẽ tăng gấp đôi.
Con số này đã là tình huống tốt nhất khi hai vợ chồng có thể dễ dàng đồng thuận với hầu hết mọi vấn đề.
Trên thực tế, hầu hết các vụ ly hôn đều đòi hỏi sự tham gia pháp lý nhiều hơn từ luật sư của mỗi bên và việc ly hôn càng gây tranh cãi thì chi phí càng cao hơn.
Các luật sư tính phí trung bình từ 15.000 đến 30.000 USD để đại diện cho khách hàng của họ.
Mặc dù phụ nữ thường khởi xướng ly hôn nhiều hơn (69% trường hợp), nhưng phụ nữ cũng có nhiều khả năng phải chịu thiệt hại hơn về tài chính sau khi ly hôn. Một số báo cáo cho biết một phụ nữ đã ly hôn có thể mất từ 25 - 50% thu nhập so với trước khi ly hôn.
Một số thống kê cho thấy những người hải mất nhiều tiền hơn để ly hôn sẽ có nhiều khả năng tiếp tục cuộc hôn nhân, bất kể mức độ hạnh phúc với hôn nhân là bao nhiêu.
Image: Source: Soulseeker/Pexels
2. Sợ hãi
Mối đe dọa bạo hành về thể xác, tinh thần, tổn thương cho con cái khi mất đi gia đình trọn vẹn và lo lắng về cách bạn bè, gia đình sẽ nhìn nhận về mình là những lý do mọi người thường đưa ra để duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Theo số liệu, những phụ nữ có ít nhất một người bạn thân hoặc người nhà từng ly hôn sẽ có nguy cơ ly hôn cao hơn 75% trở lên.
Có lẽ nỗi sợ hãi không biết cuộc sống sẽ ra sao khi ly hôn sẽ giảm bớt khi ta có người bạn mới ly hôn.
3. Con cái
Trẻ em có cha mẹ ly hôn thường có nguy cơ làm những việc tội phạm nguy hiểm, bị lo âu, trầm cảm, bỏ học và lạm dụng chất kích thích cao hơn.
Do đó, nhiều vợ chồng vẫn chọn ở bên nhau vì không muốn đặt con cái vào tình thế dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa có kết luận cuối cùng về việc liệu sự hiện diện của cả cha mẹ đã kết hôn có mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần và thể chất của đứa trẻ hay không, hay liệu sự hiện diện của hai người lớn cùng tích cực nuôi dạy con cái sẽ mang lại lợi ích hay không.
Đây là một điểm khác biệt quan trọng, ở chỗ "ở bên nhau vì lợi ích của con cái" ít quan trọng hơn việc nuôi dạy con cái với vợ/chồng cũ của bạn theo cách cho phép giao tiếp cởi mở và giám sát thích hợp.
4. Xấu hổ
Khi bạn gặp được một người, yêu và được yêu rồi đi đến hôn nhân, bạn tự hào chia sẻ với tất cả bạn bè, gia đình và anh em họ hàng xa xôi của mình.
Bạn cố gắng tìm kiếm niềm vui trong cuộc hôn nhân mà bạn đã cố gắng để đạt được. Nhưng rồi mọi thứ có thể không như bạn mong đợi. Bạn nhận ra cuộc sống bạn đang sống không phải những gì bạn đã hình dung khi chấp nhận lời cầu hôn của anh ấy.
Bạn cảm thấy như một sự thất bại. Đặc biệt, một số tôn giáo rất quan trọng hôn nhân và sự cam kết.
Cảm giác xấu hổ này chỉ là một trong những điều mà xã hội áp đặt chúng ta "nên" làm hoặc cảm nhận.
Điều duy nhất bạn nên làm trong thời điểm này là quyết định điều gì là tốt nhất cho bạn và gia đình bạn.
Ly hôn không phải là thừa nhận thất bại. Ly hôn là quyết định rằng bạn xứng đáng có một tương lai khác.
5. Tin rằng tất cả sẽ tốt hơn
Lý do nhiều người tiếp tục những cuộc hôn nhân tồi tệ là vì thi thoảng, một ngày đẹp trời, chúng ta nhớ lại lý do vì sao mình đã yêu người này, và vì sao họ yêu chúng ta.
Niềm tin rằng tất cả sẽ tốt hơn cùng với những điều tốt đẹp ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc hôn nhân cũng là lý do khiến mọi người tiếp tục duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Luôn có khả năng là có lẽ, chỉ có lẽ thôi, là ngày mai sẽ khác.
Và vì thế chúng ta cứ hy vọng rằng lần này, mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Câu hỏi thật sự là: Bạn sẵn sàng chờ đợi trong bao lâu?
(Theo Psychology Today)
Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn
Theo tamlyhoctoipham.com