Những người từng có những chấn thương sớm hoặc bị căng thẳng mãn tính thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ, hoặc họ có thể cảm thấy khó để tập trung, phân chia công việc ưu tiên và đưa ra quyết định. Những ảnh hưởng này có thể là kết quả của những sự biến đổi của não liên quan đến bệnh căng thẳng nghiêm trọng và/hoặc mãn tính. Các nhà thần kinh học đang phát triển những nghiên cứu nâng cao về những biến đổi của não liên quan đến căng thẳng dựa trên nghiên cứu với động vật và con người. Chúng bao gồm cả những biến đổi cấu trúc trong thể tích não, biến đổi trong hoạt động giải phóng hormone và dẫn truyền thần kinh, và ảnh hưởng của căng thẳng lên viêm nhiễm. Dưới đây là một số điểm nổi bật từ nghiên cứu này.
Source: CFCF/Wikimedia Commons
Stress và não: Vùng hồi hải mã và vỏ não trước trán trung gian
Việc trải qua căng thẳng đầu đời (ví dụ: lạm dụng trẻ em) và căng thẳng mãn tính (ví dụ: hôn nhân không hạnh phúc, sự yêu cầu quá mức của công việc) có liên quan đến vấn đề suy giảm thể tích ở hai khu vực chính của não: hồi hải mã và vỏ não trước trán.
Hồi hải mã là một cấu trúc hình cá ngựa nằm ở phần giữa của thùy thái dương và có liên quan đến việc lưu trữ ký ức một cách có tổ chức và trật tự, cũng như trong điều hướng không gian.
Vỏ não trước trán trung gian là một khu vực trong thùy trán của não có liên quan đến việc xử lý thông tin cá nhân và người khác, điều chỉnh các phản ứng cảm xúc mỗi khi căng thẳng, đánh giá rủi ro và khen thưởng, cũng như đưa ra quyết định dựa trên những kinh nghiệm của quá khứ và các khía cạnh của tình huống hiện tại.
Khi những khu vực não này bị giảm thể tích, nó có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức xã hội, khó khăn khi đưa ra quyết định, điều chỉnh cảm xúc và rút kinh nghiệm, cùng với một số chức năng khác.
Stress và não bộ: hormone và chất dẫn truyền thần kinh
Trục HPA và cortisol
Bệnh stress mãn tính được cho thấy là đã can thiệp vào hoạt động của trục HPA (vùng dưới đồi, trục tuyến yên - tuyến thượng thận) là những khu vực của não liên quan đến việc tạo ra phản ứng sinh học hành vi khi gặp căng thẳng. Trục HPA có liên quan đến việc sản xuất và điều hòa cortisol - một loại hormone căng thẳng giúp cảnh báo và kích hoạt phản ứng của cơ thể để đối phó với stress (ví dụ: giúp tim đập nhanh hơn, tăng lưu lượng máu đến các cơ lớn, giải phóng glucose). Căng thẳng quá mức có thể làm cho hệ thống trở nên không còn nhạy cảm với chức năng báo hiệu của cortisol, dẫn đến việc tiết ra quá nhiều cortisol và làm gián đoạn chu trình hàng ngày của nó (nồng độ cortisol thường cao vào buổi sáng và thấp vào buổi tối), hoặc cạn kiệt cortisol. Quá trình tiết cortisol nếu bị rối loạn có thể dẫn đến sự phản ứng kém hoặc phản ứng thái quá đối với stress. Cortisol giao tiếp với hệ thống miễn dịch để kiểm soát sự viêm nhiễm. Khi chức năng này bị suy yếu, các phản ứng viêm nhiễm có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.
Axit gamma-aminobutyric (GABA)
GABA là một chất dẫn truyền thần kinh não đã được chứng minh là có thể điều chỉnh (làm giảm) sự lo lắng. Nói một cách tổng quát hơn, GABA là một chất dẫn truyền thần kinh ức chế giúp tạo ra sự cân bằng giữa sự kích thích và ức chế trong não. Ở những người mắc chứng bệnh lo âu hoặc rối loạn liên quan đến căng thẳng, nồng độ GABA trong não bị suy giảm, đặc biệt là ở vỏ não trước trán. Một nghiên cứu vào năm 2015 trên người về việc tiếp xúc đối với một cú sốc (một tình trạng căng thẳng) so với không có mối đe dọa nào (điều kiện an toàn) cho thấy mức GABA trong vỏ não trước trán trung gian suy giảm gần 18% khi đối mặt với tình trạng sốc, so với điều kiện an toàn. Kết quả này trùng với những gì thu được từ nghiên cứu trên động vật gặm nhấm sự suy giảm chất dẫn truyền thần kinh GABA để phản ứng với căng thẳng cấp tính. Các nghiên cứu này cũng cho thấy mối liên hệ giữa căng thẳng mãn tính (ví dụ: kiềm chế, bất động) và sự suy giảm tín hiệu GABA trong amygdala, là một bộ phận của não liên quan đến việc học hỏi và phản ứng nhanh với các mối đe dọa. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận về sự ảnh hưởng của stress mãn tính đối với GABA amygdala ở người.
Stress và hệ thống miễn dịch
Ảnh hưởng của stress lên hệ thống miễn dịch rất phức tạp và các tác động của căng thẳng cấp tính (trong thời gian ngắn) cũng khác so với căng thẳng mãn tính cũng như đối với căng thẳng nhẹ đến nghiêm trọng. Căng thẳng cấp tính có thể cải thiện chức năng miễn dịch trong thời gian ngắn, trong khi căng thẳng mãn tính lại ức chế nó, khiến chúng ta dễ bị các bệnh như cảm lạnh và cúm. Căng thẳng có thể tạo điều kiện để giải phóng các chất được gọi là cytokine gây viêm. Các cytokine gây viêm giúp chúng ta chống lại bệnh tật hoặc nhiễm trùng trong thời gian ngắn, nhưng nếu tác nhân gây căng thẳng kéo dài và/hoặc quá nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến viêm nhiễm mãn tính và khiến chúng ta dễ mắc các bệnh viêm nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, hay bệnh Parkinson.
Theo Liu và cộng sự. (2017)
Cả hai cơ chế gây viêm và chống viêm đều phụ thuộc vào loại và cường độ của các yếu tố gây căng thẳng. Các yếu tố gây căng thẳng cấp tính có thể tăng cường chức năng miễn dịch, trong khi các yếu tố gây căng thẳng mãn tính lại mang tính ức chế. Các yếu tố gây căng thẳng kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, dẫn đến sự mất cân bằng giữa viêm nhiễm và chức năng chống viêm nhiễm. Nhiều báo cáo từ các phòng thí nghiệm khác nhau đã xác nhận tình trạng viêm nhiễm gây nên do căng thẳng, bao gồm protein phản ứng C (CRP), IL-6, TNFα, IL-1β và nhân tố phiên mã của nhân tố hạt nhân kappa B (NF-κB) (theo Miller và đồng sự, 2009).
Tóm tắt
Tóm lại, căng thẳng cấp tính và mãn tính có những tác động khác nhau và phức tạp đến cấu trúc và chức năng của não. Chúng ta vẫn chưa hiểu hết tất cả các tác động phức tạp này và cần có thêm nhiều nghiên cứu trên cả động vật và con người thì mới có thể hiểu một cách đầy đủ về các loại stress và thời gian diễn ra có thể gây nên những tác động nào.
Các sự ảnh hưởng chính của stress được mô tả trong bài viết này là:
- Làm suy giảm thể tích ở hồi hải mã (chứa ký ức và khả năng xác định không gian)
- Làm suy giảm thể tích ở vỏ não trước trán trung gian (khả năng ra quyết định, nhận thức xã hội)
- Làm gián đoạn việc giải phóng cortisol và điều chỉnh của trục HPA
- Làm giảm quá trình truyền GABA ở vỏ não trước trán và amygdala
- Có ảnh hưởng gây viêm và chống viêm trong hệ thống miễn dịch
- Gây nên bệnh viêm nhiễm mãn tính do căng thẳng nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh.
Tài liệu tham khảo:
Belleau, E.L., Treadway, M.T. and Pizzagalli, D.A. The impact of stress and major depressive disorder on hippocampal and medial prefrontal cortex morphology. Biological Psychiatry 18 (2018), 10.1016/j.biopsych.2018.09.031.
Liu, Y.-X. Wang, C.-L. Jiang Inflammation: the common pathway of stress-related diseases. Front. Hum. Neurosci., 11 (2017), p. 316, 10.3389/fnhum.2017.00316
Liu, Z. P., Song, C., Wang, M., He, Y., Xu, X. B., Pan, H. Q., et al. (2014). Chronic stress impairs GABAergic control of amygdala through suppressing the tonic GABAA receptor currents. Mol. Brain 7:32. doi: 10.1186/1756-6606-7-32
Dịch: Hoàng Nguyễn - A crazy mind
Biên tập: #Zealous
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-mindful-self-express/201906/surprising-ways-stress-affects-your-brain-and-immunity
Theo tamlyhoctoipham.com