NHỮNG Ý CHÍNH
- Những ai có niềm tin vào người khác sẽ có những mối quan hệ lành mạnh hơn, có lòng tự trọng cao hơn, và có hiệu suất công việc tốt hơn.
- Những ai thiếu niềm tin vào người khác sẽ có xu hướng xem người khác là mối đe dọa, coi cả thế giới là kẻ thù.
- Con đường giúp ta chữa lành bắt đầu từ lòng trắc ẩn, từ việc chăm sóc bản thân, từ thói quen viết nhật ký, đọc để tìm động lực, và từ việc gìn giữ tình bạn.
Ảnh: (Pixabay)
Tôi đã không chú ý đến chiếc biển báo đặt ở một góc xa ngoài bãi biển cảnh báo rằng: “Dòng chảy xa bờ. Bạn có thể bị cuốn trôi và chết đuối. Nếu thấy nghi ngờ, đừng lại gần.”
Tháng 3 vừa rồi, khi ở Hawaii, tôi đã tự tin chèo thuyền vào vùng nước lặng của Vịnh Hanalei trên bờ biển phía Bắc của Kauai mà không hay biết rằng, đối với người dân bản địa thì đây được biết đến là khu vực có những dòng chảy tội phạm nguy hiểm và không thể đoán trước.
Nó thật tráng lệ. Được bao bọc bởi làn nước trong xanh như pha lê, tôi có thể nhìn thấy bờ biển và khung cảnh đằng sau nó, nơi những thung lũng màu ngọc lục bảo tươi tốt của hòn đảo đang ẩn mình giữa những vách biển hùng vĩ. Trong lúc đang lênh đênh, tôi thấy những người tắm nắng bắt đầu thưa thớt đi khi chiều tàn dần. Điều mà tôi không thấy đó chính là những nhân viên bảo hộ cũng đã thu dọn đồ đạc, kết thúc một ngày làm việc.
Tony, người bạn đời đã 3 năm của tôi, đã ngủ thiếp đi từ lúc nào. Khi tỉnh dậy, anh nhận thấy tôi đã biết mất và đã lội xuống nước để tìm tôi. Nếu anh vẫn tiếp tục ngủ thì có lẽ câu chuyện đã đi theo một hướng rất khác, sẽ có một bản cáo phó thay vì một bài học đáng suy ngẫm.
Chúng tôi bơi một chút, sau đó nhận ra mình đã trôi xa bờ, nên cả hai quyết định bơi trở lại. Nếu bấy giờ có một bản nhạc nền thì chính tại lúc này, nó sẽ chuyển từ giai điệu du dương sang nhịp điệu dồn dập nhanh chóng.
Ngay lập tức, chúng tôi nhận thức rõ có một dòng chảy di chuyển cực nhanh đang đẩy chúng ta ra xa, hút chúng tôi vào vùng nước sâu hơn và đưa chúng tôi ra khỏi vùng biển an toàn gần bãi cát. Tôi cật lực bơi nhưng sớm nhận ra việc này không mảy may có tác dụng.
Tony và tôi bắt đầu dùng hết sức bình sinh để bơi, nhưng dần bị nhấn chìm bởi những con sóng bao quanh hai người. Do uống phải nước biển quá nhiều, cơ thể rã rời của tôi bắt đầu hoảng loạn. Trong thời khắc đó, tôi nhớ rằng cứ hoảng loạn dưới biển là sẽ chết đuối. Tôi nói với giọng hoảng sợ: “Em không làm được.”
Chúng tôi có hai lựa chọn. Hoặc là Tony, người bơi giỏi hơn tôi rất nhiều, lấy hết sức lực của anh để bơi vào bờ, tự cứu lấy anh, hoặc cả hai chúng tôi tiếp tục chật vật cùng nhau.
Quyết định ở lại cùng với tôi của anh thực sự đã cứu được tôi. Tony bắt đầu ước lượng thời gian những đợt sóng đến và cố đẩy mạnh vào ngực tôi nhằm đưa tôi vào bờ. Anh ấy cứ đẩy. Tôi cứ được đẩy vào gần bờ 3 feet (gần 1 mét) thì lại bị kéo lại 2 feet do những con sóng dội. Cứ đẩy rồi kéo, lặp đi lặp lại. Khi những con sóng vẫn cố cuốn chúng tôi đi, bằng sự liều lĩnh của mình, Tony đã sử dụng nguồn lực duy nhất mà chúng tôi có, là sức mạnh và sự quyết tâm của anh.
Cuối cùng, ngón chân tôi cũng chạm đến cát. Tôi kiệt quệ vì phải vật lộn trong từng ấy thời gian, tưởng chừng như dài vô tận nhưng thực chất chỉ khoảng 30 phút. Chúng tôi loạng choạng đi vào bờ và ôm chầm lấy nhau. Tôi gục ngã, nước mắt đầm đìa, cảm thấy tràn đầy nhẹ nhõm và biết ơn.
Sau đó, tại một quán Tiki Bar với cốc Mai Tai ăn mừng, Tony thừa nhận rằng có một thời điểm anh ấy nghĩ chúng tôi không thể sống sót vào bờ. Tôi hỏi tại sao anh ấy không bỏ tôi lại và tự cứu lấy mình. Nếu tôi không sống sót, sẽ không ai trách anh vì đã đi tìm người giúp cả. Anh ấy đáp: “Anh sẽ không bao giờ bỏ lại em. Hoặc là cả hai cùng thoát, hoặc là không ai trở về.”
Trải nghiệm cận kề cái chết này đã tặng tôi một món quà, đó là việc lấy lại được lòng tin. Lòng tin của tôi đã khô héo vào 7 năm trước sau khi tôi chấm dứt cuộc hôn nhân 28 năm của mình; một loạt những sự thật tàn khốc đã đập vỡ niềm tin của tôi đối với người từng hứa sẽ yêu tôi hơn bất cứ ai, người mà tôi tin tưởng giao cả đời mình cho họ. Không có gì ngạc nhiên khi tôi khép lòng và thận trọng hơn với bất cứ ai muốn tìm kiếm tình yêu nơi tôi.
Như Maria Popova đã viết, “Một điều nghiệt ngã của cuộc sống đó là, trên chặng đường đời, những người một thời tưởng như phù hợp với nhiệm vụ nào đó, lại dần “biến chất” về mặt tính cách khi khó khăn ập đến theo cách rất đỗi tự nhiên, như việc gian khổ ghé thăm cuộc sống của tất cả mọi người trên đời.”
Tony không “biến chất”, và kết quả là sự biến chuyển tích cực trong tôi. Anh ấy làm sống lại những bài học mà tôi được nuôi dạy từ nhỏ: “Con người luôn đáng tin và thế giới phần lớn đều an toàn.”
Ở vùng biển Kauai, tôi thấy được tính cách con người của anh qua hành động chứ không phải qua lời nói. Sự quên mình của anh dành cho tôi còn lớn lao hơn cả việc tôi được anh cứu mạng. Điều này thật sự có sức mạnh giúp phục hồi niềm tin.
Tin tưởng là gì?
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Bạn không thể mua niềm tin trong siêu thị.”
Tin tưởng là chắc chắn - chắc chắn về sự an toàn cả về mặt tình cảm, tâm lý và thể chất. Niềm tin trở thành lăng kính mà qua đó chúng ta nhìn nhận người khác. Nó là chất keo gắn kết các mối quan hệ và truyền cho ta khả năng tự tin vững bước trên đường đời. Niềm tin mang đến những mối quan hệ lành mạnh hơn, lòng tự trọng cao hơn và hiệu suất công việc tốt hơn. Nó thúc đẩy hạnh phúc bằng cách gia tăng oxytocin, một loại hormone mang lại cho ta cảm giác hài lòng.
Khi chúng ta thiếu mất niềm tin thì cái giá phải trả rất đắt. Những người không có niềm tin có xu hướng xem người khác là mối đe dọa và coi cả thế giới là kẻ thù. Họ tự ngẫm: Liệu mình có thể mở lòng mà không sợ bị tổn thương hay không? Không có niềm tin, chúng ta bất an khi thấy những dấu hiệu bất nhất báo trước sự phản bội. Thiếu tin tưởng làm gia tăng cortisol, một loại hormone gây căng thẳng có liên quan đến việc tăng cân, mệt mỏi, sương mù não và các bệnh nhiễm trùng.
Bị ai đó phản bội thật đau lòng, nhưng bị phản bội bởi những người mình yêu sẽ gây ra tổn thương tinh thần, một vết thương tâm lý sẽ dẫn đến tình trạng trầm cảm, đau buồn nghiêm trọng và đánh mất niềm tin với người khác. Các nhà tâm lý học đã đặt tên cho hiện tượng này là betrayal trauma (chấn thương tâm lý do bị phản bội). Chấn thương tâm lý này xảy ra khi những người mà ta phụ thuộc vào để tồn tại, những người mà ta gắn bó thân thiết lại phụ lòng tin của ta một cách nghiêm trọng.
Những bước để khôi phục lòng tin
Lòng tin có thể được khôi phục hay không? Và làm thế nào để một người có thể chữa lành vết thương tâm lý do bị phản bội? Mặc dù bạn có thể tìm sự trợ giúp từ chuyên gia để có một cái nhìn khách quan và tránh phải vật lộn một mình, nhưng vẫn còn những cách khác giúp bạn phục hồi niềm tin.
- Bắt tay vào việc tự chăm sóc bản thân
“Chăm sóc bản thân không đồng nghĩa với ‘tôi là trên hết’. Chăm sóc bản thân nghĩa là ‘tôi cũng như bạn’.” – L.R. Knost
Tìm cách chăm sóc bản thân để lấy lại cân bằng. Việc quan tâm tốt đến bản thân sẽ giúp khôi phục lòng tự trọng, sự tự tin và tính kiên cường. Hãy học cách thiền. Tập thể dục bằng cách đi bộ đường dài, luyện tập yoga hoặc đăng ký tập gym. Hãy tìm tòi niềm vui trong việc làm vườn. Thưởng cho bản thân một bộ váy mới hay một cây son mới. Xem bộ phim When Harry Met Sally (Khi Harry Gặp Sally) hay bất cứ chương trình nào khác khiến bạn hạnh phúc. Tận hưởng những giấc ngủ dù ngắn hay dài. Hãy nhớ rằng, biết tự chăm sóc bản thân khẳng định giá trị của bạn và giúp giảm bớt lo âu.
- Đầu tư vào cộng đồng của riêng bạn
“Tình bạn là thứ xi măng duy nhất giữ cả thế giới lại với nhau.”
– Woodrow Wilson
Việc dành thời gian cho gia đình và bạn bè sẽ nhắc bạn nhớ rằng người phá vỡ lòng tin của bạn chỉ là một trường hợp ngoại lệ, đồng thời cũng giúp bạn tăng cảm giác mình có nơi thuộc về và mình có giá trị. Không thể phủ nhận rằng, những người có những mối quan hệ xã hội bền vững thường khoẻ mạnh hơn và có ít nguy cơ bị trầm cảm, huyết áp cao hay có chỉ số khối cơ thể (BMI) không bình thường. Những người có các mối quan hệ bạn bè lành mạnh có nhiều khả năng sống lâu hơn. Hãy nhớ rằng, mạng lưới xã hội của bạn phản ánh sự tốt đẹp vốn có của con người.
- Đi tìm lòng trắc ẩn
“Nỗi buồn và vết thương của chúng ta chỉ có thể được chữa lành khi ta chạm vào chúng với lòng trắc ẩn.”
– Đức Phật
Cố gắng hiểu người làm tổn thương bạn và động cơ của họ là gì. Có phải họ hành động do thiếu cẩn trọng, do sự yếu đuối của họ, hay do cơn nghiện khó kiểm soát? Không ai là hoàn hảo và ai cũng đang cố gắng làm tốt nhất có thể. Sống với lòng trắc ẩn đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những tổn thương trong khi nhận ra những thương tổn của người khác. Hiểu được tính hai mặt của vấn đề là con đường nhanh nhất để loại bỏ tâm lý mình là nạn nhân. Lựa chọn trở thành nạn nhân khiến bạn suy yếu, không khác gì việc bạn buộc sau lưng một hành lý nặng nề đầy ắp cảm xúc và khư khư mang theo nó suốt chặng đường. Cuối cùng, tặng cho bản thân mình món quà tuyệt vời nhất — luyện tập tha thứ.
- Đọc và học
“Bất cứ khi nào bạn đọc được một cuốn sách tội phạm học hay thì ở nơi nào đó trên thế giới này, một cánh cửa sẽ mở ra để đón nhận thêm nhiều ánh sáng.”
– Vera Nazarian
Những cuốn sách tội phạm học dẫn ta đến cánh cửa chữa lành. Có vô số tài liệu giúp nâng cao hiểu biết; đọc và học giúp loại bỏ những cảm xúc khiến bạn làm việc không năng suất. Sau đây là một vài cuốn sách được đề xuất cho bạn đọc: When Bad Things Happen to Good People (Khi điều xấu xảy ra với người tốt) của Harold Kushner; A Beautiful, Terrible Thing (Điều đẹp đẽ mà tồi tệ) của Jen Waite; Mindful Moments (Những phút chánh niệm) của Deepak Chopra – Bác sĩ y khoa; Between the Dark and the Daylight (Giữa đêm tối và ánh sáng ban ngày) của Joan Chittister; Wintering, the Power to Rest and Retreat in Difficult Times (Trú đông, sức mạnh để nghỉ ngơi và rút lui trong những lúc khó khăn) của Katherine May; Your True Home (Ngôi nhà đích thực) của Thích Nhất Hạnh; và When Things Fall Apart (Khi mọi thứ sụp đổ) của Pema Chodron. Ngoài ra, rất khuyến khích mọi người đọc thơ của Mary Oliver.
- Viết nhật ký, lưu giữ câu chuyện
“Viết nhật ký tựa như đồng thời thì thầm và lắng nghe bản thể của chính mình.”
– Mina Murray
Viết nhật ký là một phương pháp quan trọng trong việc giải quyết vấn đề, mang đến cho bạn một không gian an toàn để vượt qua nỗi đau của chính mình. Viết ra câu chuyện của bạn là để bạn hiểu rõ nó hơn và chắc chắn rằng bạn sẽ hành xử khôn ngoan hơn trong tương lai. Viết nhật ký giúp giảm căng thẳng và tách bạn ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Viết cho chính mình giúp ta xác thực kinh nghiệm của chúng ta trong một diễn đàn thúc đẩy sự chữa lành.
- Cho tình yêu cơ hội
“Cuộc sống hoặc là một chuyến phiêu lưu táo bạo, hoặc chẳng là gì cả.”
– Helen Keller
Đừng dừng việc nắm bắt cơ hội. Bước vào thế giới với vòng tay rộng mở, đón nhận mọi cơ hội mới. Đừng để quá khứ định nghĩa tương lai. Thay vào đó, hãy để quá khứ là bệ phóng đưa bạn đến những cuộc phiêu lưu mới. Nếu một trong những chuyến đi đó dẫn bạn đến một mối quan hệ mới, lời khuyên tốt nhất đó chính là, hãy từ từ, tin tưởng nhưng phải xác minh, và hãy cẩn thận lắng nghe trực giác của mình, những điều này sẽ không bao giờ khiến bạn đi lầm đường.
Tóm lại, tôi không khuyên người khác khôi phục niềm tin đã vỡ của họ như cách tôi đã làm – vùng vẫy trong những cơn sóng thô bạo của Thái Bình Dương – nhưng tôi sẽ khuyên bạn như cách nhà thơ Maya Angelou khuyên bạn: “Hãy có đủ can đảm để tin tưởng vào tình yêu thêm lần nữa, và luôn tin tưởng vào nó thêm lần nữa.”
Tài liệu tham khảo
https://www.linkedin.com/pulse/why-trust-important-workplace-vicki-brad…
https://salifeline.org/what-is-betrayal-trauma/
Effect of satisfaction with social support on blood pressure in normotensive and borderline hypertensive men and women. International Journal of Behavioral Medicine
Expressive Writing in Psychological Science. Perspectives on Psychological Science
Tác giả: Gina Vild
Dịch giả: Dương Hy - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: https://www.psychologytoday.com/us/blog/buoyant-life/202209/6-ways-regain-trust-after-betrayal
Theo tamlyhoctoipham.com