Chúng ta, đã bao nhiêu lần trong đời, bị mắc lừa bởi những lời giả dối? Trong các mối quan hệ? Trong các thương vụ kinh doanh? Người ta cứ hứa hẹn rồi lại thất hứa. (Trong khi tôi đang ngượng ngùng nhớ lại những lần bị lừa, đầu tôi lại tự động phát lên bản nhạc “Won’t Get Fooled Again” của The Who.) Vì sao chúng ta luôn bị những người, không vô ý thì cũng là cố tình, nói dối hoặc đánh lừa?
Câu trả lời nằm ở bản chất dễ tin người của chúng ta, những thành kiến nhận thức có hệ thống (systematic cognitive biases), và do ta không đủ khả năng phòng vệ trước những kẻ lừa gạt. Dưới đây là ba lý do chính khiến ta dễ bị người khác lừa gạt:
1. CON NGƯỜI KHÔNG GIỎI PHÁT HIỆN NHỮNG LỜI NÓI DỐI
Có những bằng chứng đáng kể được đưa ra sau nhiều cuộc nghiên cứu rằng con người không giỏi nhận biết những lời nói dối, bất kể đối phương là người lạ hay đã thân quen. Một phần của vấn đề này nằm ở bản năng tin người của ta. Có một khuynh hướng trung thực (honesty bias) bên trong ta, nói rằng cho dù trước giờ người đó nói với ta mười lần thì hết năm lần là dối trá, ta vẫn cứ tin rằng hơn 50% trong câu nói của họ, ngay lúc này là thật. Một vấn đề khác xảy ra đấy là ta cứ tin vào những định kiến và lý thuyết về những dấu hiệu của kẻ nói dối (ví dụ như một kẻ nói dối sẽ không nhìn thẳng vào mắt ta, một kẻ dối trá sẽ tỏ vẻ lo sợ). Hầu hết những lý thuyết này đã đánh lạc hướng ta, bởi những kẻ giỏi nói dối đã biết về những dấu hiệu này rồi. Trong một nghiên cứu, người ta phát hiện những kẻ khi nói dối có xu hướng nhìn thẳng vào mắt ta nhiều hơn là khi nói thật. Một sự bù đắp thừa thãi.
2. LƯỜI NHẬN THỨC
Thông thường, ta hay mất cảnh giác và lười bảo vệ bản thân trước những kẻ đang cố lợi dụng ta. Ta thường hay chấp nhận mọi thứ, như là chiêu trò quảng cáo và giá cả được in trên giấy tờ, hơn là thử kiểm tra thông tin xem có chính xác thật không. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi bạn đưa ra những quyết định giao dịch, hợp tác kinh doanh lớn hoặc nhận lời yêu ai đó. Chúng ta vốn có thể kiểm tra, đánh giá sản phẩm, tìm hiểu về tính cách và quá khứ của đối tượng ấy, nhưng lúc nào cũng thế, ta không muốn hao tâm tổn trí vào việc ấy.
3. ĐIỂM MÙ TÂM LÝ.
Con người chúng ta được lập trình như một mục tiêu dễ bị ảnh hưởng bởi các chiến thuật tâm lý. Nhà tâm lý học Robert Cialdini, đã thảo luận trong cuốn sách tội phạm học “Influence” của ông, về cách mà các chuyên gia bán hàng và các nghệ nhân gian manh dùng các chiêu trò đánh lừa tâm lý để thu lợi. Ví dụ như, họ ngỏ lời tặng ta một món quà (các buổi thuyết trình bất động sản timeshare hoặc trưng bày mẫu phẩm tại chợ), và họ khiến ta cảm thấy ta rất cần phải mua món hàng ấy. Một mánh lới khác đó là nhân viên bán hàng bảo rằng “thời gian khuyến mãi có hạn”, và ta phải nhanh chân lên, nếu không ta sẽ lỡ mất cơ hội ngàn vàng kia. Nếu bạn cần một ví dụ hay ho về việc nhân viên bán hàng chơi chiêu tâm lý với khách hàng thì cứ nhìn các kênh mua sắm trực tuyến mà xem. Họ có đủ các mánh lới đánh lừa tâm lý của khách hàng để đem về nguồn lợi.
Vậy nên, ta có thể làm gì để bảo vệ bản thân khỏi thế giới đầy lừa lọc bên ngoài đây?
1. TẬP TRUNG TÂM TRÍ VÀ KHẢ NĂNG TƯ DUY PHẢN BIỆN CỦA BẠN
Nghiên cứu kĩ sản phẩm trước khi mua nó. Lên mạng tìm hiểu nguồn gốc, đọc các đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm.
2. HOÀI NGHI MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN
Mặc dù ta không muốn giữ khư khư cái ý nghĩ rằng cả thế giới đều đang muốn lừa dối ta, trấn lột ta, nhưng cũng không có gì là xấu khi bạn thử hỏi han kĩ lưỡng hơn. Ví dụ như khi bạn đang tìm hiểu xem mình có đang bị lừa dối không, hãy thật chú ý vào những gì người kia đang nói. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra rằng ta có thể phát hiện ra đối phương đang nói dối, bằng cách nhìn vào tính hợp lý của câu chuyện, nói dễ hiểu hơn, thì là “Chuyện này có khả năng xảy ra hay không?” (Tôi nhớ có lần ngồi xe buýt và nghe một hành khách lắm chuyện khoe khoang với tài xế về việc gã từng đến xem buổi biểu diễn của Woodstock. Gã này độ tầm 50 tuổi, tức là cái hồi Woodstock biểu diễn, ổng còn đang trong bụng mẹ ấy).
3. ĐỌC SÁCH CỦA CIALDINI
Nó chỉ ra những mánh khóe tâm lý thường được dùng để trục lợi từ khách hàng, và gợi ý cả những cách để ta phản công lại chúng. (Ví dụ như cuốn NHỮNG ĐÒN TÂM LÝ TRONG THUYẾT PHỤC)
https://s.lazada.vn/s.dRrWk?cc
Tài liệu tham khảo
Cialdini, R. (2006). Influence: The science of persuasion. New York: Harper Business.
O'Sullivan, M. (2009). Why most people parse palters, fibs, lies, whoppers, and other deceptions poorly. In B. Harrington (Ed.), From ancient empires to internet dating. (pp. 74-91). Palo Alto, CA: Stanford University Press.
Riggio, R.E. & Friedman, H.S. (1983). Individual differences and cues to deception. Journal of Personality and Social Psychology, 45(4), 899-915.
Dịch: Anne
Nguồn: Psychology Today
Nguồn: A Crazy Mind - Ybox. vn
Theo tamlyhoctoipham.com