Tại sao con người rất nhiệt tình và tốt bụng, nhưng đồng thời cũng độc ác và thích bạo lực? Để hiểu lý do tại sao ta làm những việc ta làm, nhà thần kinh học Robert Sapolsky đã cung cấp một góc nhìn rất tổng quát - khảo sát hành vi trước khi nó xảy ra vài giây hoặc thậm chí hàng triệu năm. Trong bài nói thú vị này, ông chia sẻ nghiên cứu mới nhất của mình về những hành vi cao đẹp nhất và tệ hại nhất của loài người - dưới góc nhìn của Sinh học.
Ta vẫn thường nghe những truyền thuyết kiểu thế này: Tôi giết sạch các lính gác giỏi nhất của hắn, lao vào căn hầm chỉ huy bí mật, với khẩu súng máy đã sẵn sàng trên tay. Hắn vội vàng rút khẩu Luger ra. Nhưng tôi đã hất văng nó đi. Hắn vội lấy viên thuốc cyanide ra. Tôi cũng hất văng nó đi. Hắn gầm lên, lao vào tôi với sức mạnh khủng khiếp. Chúng tôi đánh nhau dữ dội, cuối cùng tôi cũng khoá được hắn, và còng tay hắn lại. Tôi nói "Adolf Hitler," "Tao bắt mày vì tội ác chống lại loài người."
Đây là lúc câu chuyện tưởng tượng Medal of Honor kết thúc và họ hạ màn. Tôi sẽ làm gì nếu tóm được Hitler? Chẳng khó tưởng tượng lắm nếu tôi tự cho phép mình làm vậy. Bẻ gãy cổ hắn. Dùng vật nhọn móc mắt hắn ra. Đâm thủng màng nhĩ hắn. Cắt lưỡi hắn. Để hắn sống thoi thóp bằng máy thở và dịch truyền, hắn không thể cử động, nhìn hoặc nghe, hắn chỉ có thể cảm nhận; và tiêm cho hắn một loại chất độc, chúng làm toàn thân hắn mưng mủ và mọc đầy nhọt, đến khi từng tế bào trong hắn phải gào thét trong đau đớn tột độ, đến khi hắn thấy mỗi giây trôi qua như nghìn năm dưới địa ngục. Đó là điều tôi muốn làm với Hitler.
Tôi đã nghĩ đến nó từ khi mình còn bé, bây giờ thi thoảng vẫn vậy, khi tôi nghĩ đến điều đó, tim tôi đập nhanh hơn... đó là những kế hoạch dành cho các linh hồn độc ác, tàn bạo nhất lịch sử tội phạm. Nhưng có một vấn đề, đó là việc tôi không thực sự tin vào linh hồn hoặc quỷ dữ, tôi nghĩ những thứ đó hợp với nhạc kịch hơn. Nhưng có vài người mà tôi muốn chứng kiến họ chết, nhưng tôi lại phản đối việc tử hình. Nhưng tôi lại thích xem phim bạo lực rẻ tiền, nhưng tôi ủng hộ việc kiểm soát súng. Nhưng có một khoảng thời gian tôi hay chơi đánh trận giả, tôi có một khoảng thời gian tuyệt vời khi nấp trong góc và bắn người khác. Nói cách khác, tôi khá giống bạn ở sự mâu thuẫn khi nói về chủ đề bạo lực.
Là một giống loài, ta chắc chắn có khá nhiều vấn đề về bạo lực. Ta dùng vòi hoa sen để vận chuyển khí độc, cấy bệnh than vào bì thư, dùng máy bay như một thứ vũ khí, áp dụng tội phạm hiếp dâm tập thể vào quân sự. Chúng ta là một giống loài bạo lực đáng thương. Nhưng có một vấn đề phức tạp, đó là việc chúng ta không ghét bạo lực, ta ghét việc bạo lực dùng sai chỗ. Khi bạo lực dùng đúng chỗ, ta ủng hộ điều đó, ta trao huân chương, ta bỏ phiếu, ta làm bạn với những người giỏi điều đó nhất. Khi bạo lực được dùng đúng chỗ, ta sẽ rất thích thú. Và còn một vấn đề phức tạp khác, đó là ngoài việc ta là giống loài ưa bạo lực đáng thương, chúng ta cũng là một giống loài đầy tình thương và không ích kỷ.
Vậy làm sao bạn hiểu bản chất Sinh học của các hành vi tốt đẹp nhất, tồi tệ nhất, và những hành vi ở giữa chúng?
Để bắt đầu, điều nhàm chán nhất là đề cập về khía cạnh động học của hành vi. Não bạn ra lệnh cho tuỷ sống, ra lệnh cho các cơ làm một việc gì đó, Ô là la, bạn đã làm xong. Việc khó hơn là hiểu được ý nghĩa của hành vi đó, vì trong vài trường hợp, việc bạn nổ súng là một tội ác; vài trường hợp khác, đó là sự hy sinh anh hùng. Trong một số trường hợp, việc bạn làm cho người khác thể hiện sự cảm thông chia sẻ. Vài trường hợp khác, đó là sự phản bội. Thử thách nằm ở việc tìm hiểu bối cảnh gây ra hành vi của ta dưới góc nhìn Sinh học, điều đó thực sự khó khăn.
Nhưng điều rất rõ ràng là, việc tìm hiểu sẽ không có kết quả, nếu bạn cho rằng bạn sẽ tìm được một vùng trong não hoặc một thứ hormone nào đó, hoặc một loại gen, hoặc một ký ức tuổi thơ, hoặc một quy luật tiến hoá có thể giải thích toàn bộ chuyện này. Thực ra, mỗi hành vi xảy ra liên quan đến nhiều tầng nhân quả.
Hãy lấy một ví dụ. Bạn có một khẩu súng. Có một cuộc biểu tình xảy ra: bạo loạn, hỗn chiến, người chạy khắp nơi. Một người đang chạy về phía bạn với tâm trạng bị kích động... Bạn không biết rõ anh ta đang hoảng sợ, giận dữ, hay đang đe doạ bạn... Anh ta đang cầm trên tay một thứ giống khẩu súng ngắn. Bạn chẳng rõ nữa. Người lạ chạy thẳng về hướng bạn, bạn nổ súng. Nhưng hoá ra thứ người đó đang cầm chỉ là chiếc điện thoại.
Ta hỏi câu hỏi sau dưới góc nhìn Sinh học: Điều gì đã thôi thúc hành động đó? Nguyên nhân hành động đó là gì? Và rất nhiều câu hỏi liên quan khác.
Hãy bắt đầu. Điều gì đã xảy ra bên trong não bạn một giây trước khi bạn nổ súng? Điều đó dẫn ta đến một vùng trong não, có tên là Hạch hạnh nhân. Hạch hạnh nhân là trung tâm giải quyết bạo lực, nỗi sợ hãi, nơi tạo ra những xung thần kinh quyết định việc bạn bóp cò. Trước một giây đó, mức độ hoạt động của hạt hạnh nhân như thế nào?
Để hiểu điều đó, ta cần lùi thời gian thêm một chút nữa. Xung quanh bạn xảy ra điều gì trong khoảng vài giây đến vài phút trước và ảnh hưởng đến hạt hạnh của bạn? Rõ ràng chúng là quang cảnh và các thứ âm thanh hỗn loạn, chúng đều liên quan. Nhưng thêm vào đó, bạn sẽ dễ nhìn nhầm chiếc điện thoại thành khẩu súng ngắn hơn nếu người đó là nam giới, to con, và đến từ chủng tộc khác bạn. Thêm nữa, nếu bạn đang đau đớn, nếu bạn đang đói, nếu bạn đang kiệt sức, thuỳ trán của bạn sẽ không còn làm việc tốt nữa, đó là phần não có nhiệm vụ tạo liên kết với hạt hạnh nhân của bạn đúng lúc, và hỏi, "Cậu chắc chắn đó là khẩu súng không đó?"
Nhưng ta cần lùi thời gian thêm nữa. Ta phải nhìn về vài giờ hoặc vài ngày trước đó, bằng việc này, ta bắt đầu khảo sát khía cạnh các hormone. Ví dụ như testosterone, bất kể giới tính bạn là gì, một khi lượng testosterone trong máu bạn tăng cao, bạn sẽ đánh giá một khuôn mặt có biểu cảm bình thường thành một biểu cảm mang tính đe doạ. Nồng độ testosterone tăng cao, nồng độ hormone gây stress tăng cao, hạt hạnh nhân của bạn bị kích thích nhiều hơn, và thuỳ trán của bạn dễ mắc sai lầm hơn.
Lùi lại hơn nữa, vài tuần hoặc vài tháng trước đó, vậy thì có liên quan gì? Hãy bàn về khả năng thích nghi của hệ thần kinh, sự thật là bộ não của bạn có thể thay đổi theo hoàn cảnh, và nếu trong vài tháng trước, bạn chìm trong căng thẳng và các chấn động tâm lý, hạt hạnh nhân của bạn sẽ nở to ra. Các nơ-ron sẽ dễ dàng bị kích thích, chức năng của thuỳ trán bị suy giảm, mọi thứ đó đều liên hệ với điều xảy ra trong một giây đó.
Nhưng ta sẽ lùi xa hơn nữa, trước vài năm, ví dụ lùi đến tuổi thiếu niên của bạn. Điều quan trọng nhất khi nói về não của thiếu niên là việc tất cả các vùng não đều phát triển rất mạnh, trừ thuỳ trán ra, nó giống chiếc bánh mỳ nướng dở. Nó chưa thể phát triển hoàn thiện cho đến khi bạn khoảng 25 tuổi. Vì vậy, trong những năm tháng thiếu niên và thanh niên, môi trường xung quanh và những trải nghiệm sẽ định hình nên thuỳ trán của bạn trở thành thứ bạn đang sở hữu trong khoảnh khắc quan trọng đó.
Nhưng hãy lùi xa hơn nữa, đến tận tuổi ấu thơ hoặc thời gian sơ sinh của bạn, mọi sự thay đổi có thể làm bạn trở thành con người khác. Trong giai đoạn này, rõ ràng là não của bạn đang được hình thành, điều đó rất quan trọng, nhưng thêm vào đó, những trải nghiệm trong khoảng thời gian này là nhân tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến cấu trúc ADN của bạn, thậm chí có ảnh hưởng lâu dài, chúng kích hoạt một số gene và làm bất hoạt vài gen khác. Một ví dụ cho điều này, nếu trong thời kỳ bào thai, bạn tiếp xúc với nhiều hormone gây stress từ mẹ, yếu tố đó làm làm cho hạt hạnh của bạn khi trưởng thành trở nên dễ kích thích hơn, nồng độ hormone gây stress của bạn sẽ cao hơn.
Nhưng hãy lùi thời gian hơn nữa, đến lúc bạn là một bào thai, thời điểm mà bạn thực chất là một tập hợp các gene. Gene là yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng điểm mấu chốt là gene không quyết định tất cả, bởi lẽ gene sẽ hoạt động khác nhau trong các môi trường khác nhau. Một ví dụ rất quan trọng: có một lại gene mang tên MAO-A, nếu bạn sở hữu loại gen này, khả năng bạn có những vi bạo lực chống lại cộng đồng sẽ cao hơn, nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu bạn bị lạm dụng khi còn nhỏ. Gene và môi trường tương tác lẫn nhau, và điều xảy ra trong vòng một giây trước khi bạn nổ súng đó thể hiện mối tương quan chặt chẽ giữa gene và môi trường trong cả cuộc đời bạn.
Ngay bây giờ, vẫn chưa đủ, ta thậm chí phải lùi xa hơn nữa, tới hàng thế kỷ, để xem xét đến tổ tiên của bạn. Giả sử họ là những người chăn nuôi du mục, họ chăn nuôi gia súc, họ sống ở trên sa mạc hoặc đồng cỏ với đàn lạc đà, bò, dê của mình, nhiều khả năng là họ đã phát minh ra thứ gọi là nền văn hoá trọng danh dự, bao gồm những tầng lớp chiến binh, sự trừng phạt bằng bạo lực, những vụ trả thù lẫn nhau. Và thực sự ngạc nhiên, đến tận vài thế kỷ sau, điều đó vẫn ảnh hưởng đến những giá trị sống đã nuôi nấng bạn.
Nhưng ta hãy lùi xa thêm nữa, đến tận hàng triệu năm trước, vì tôi đang nói chuyện về gene, theo kiểu ta đang xoay quanh câu chuyện về sự tiến hoá của gene. Điều bạn đang thấy là, chẳng hạn như, điểm giống nhau giữa các họ thuộc bộ linh trưởng. Một số loài đã tiến hoá để giảm xu hướng bạo lực xuống thấp nhất, một số loài thì hoàn toàn ngược lại, và loài nằm trên tất cả các mức ở giữa chính là con người, thêm một lần nữa, giống loài rắc rối và khó định nghĩa này có đầy đủ tiềm năng để tiến tới một trong hai con đường đó.
Vậy ta đã hiểu thêm được gì? Để đơn giản, những thứ ta đang thấy đây, nếu bạn muốn hiểu một hành vi, dù nó là hành vi ghê tởm hay tuyệt vời, hoặc được xếp đâu đó giữa chúng, nếu bạn muốn hiểu nó, bạn phải xem xét đến những điều xảy ra từ một giây trước tới một triệu năm trước, và tất cả những thứ giữa chúng.
Vậy ta có thể kết luận được gì? Nói chính xác, điều đó rất phức tạp. Một kết luận có ích làm sao! Nó rất phức tạp, và bạn nên cực kỳ, cực kỳ cẩn thận và bình tĩnh trước khi ra kết luận rằng bạn biết rõ về nguyên nhân của hành vi, đặc biệt là những hành vi bạn không có cảm tình.
Đối với tôi, điều quan trọng nhất của tất cả những điều này là mọi thứ đều thay đổi. Mọi khía cạnh sinh học tôi đã đề cập có thể thay đổi theo các hướng khác nhau. Ví dụ, hệ sinh thái đang thay đổi. Hàng nghìn năm trước, Sahara từng là một đồng cỏ tươi tốt. Văn hoá đang thay đổi. Vào thế kỷ 17, người Thuỵ Điển trở thành nỗi ám ảnh của cả châu Âu, gieo rắc chiến tranh khắp nơi. Và đây là quân đội Thuỵ Điển ngày nay. Họ chưa có chiến tranh trong 200 năm. Điều quan trọng nhất, bộ não thay đổi. Các nơ-ron tạo ra các quá trình mới. Các liên kết cũ bị xoá bỏ. Mọi thứ trong não ta đều thay đổi, và chúng dẫn đến những thay đổi phi thường của loài người.
Đầu tiên: đây là John Newton, một nhà thần học người Anh, ông có vai trò chủ đạo trong việc xoá bỏ chế độ nô lệ ở Vương quốc Anh vào những năm 1800. Điều ngạc nhiên là, ông đã dành hàng chục năm trong cuộc đời mình làm nghề thuyền trưởng tàu buôn nô lệ, và đầu tư vào lĩnh vực buôn nô lệ, làm giàu nhờ chúng. Nhưng điều gì đó đã thay đổi. Điều gì đó làm ông thay đổi, điều đó đã được Newton thể hiện ở một tác phẩm mà nhờ đó ông nổi tiếng, đó là một bản nhạc do ông viết, "Amazing Grace."
Đây là Zenji Abe trong buổi sáng ngày 6 tháng 10 năm 1941, ít phút trước khi ông dẫn đầu phi đội bay người Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Cũng chính người đàn ông này 50 năm sau, ông đang ôm một người sống sót sau vụ tấn công đó. Khi mình đã già, Zenji Abe đã gặp những người sống sót sau vụ tấn công Trân Châu Cảng trong một buổi lễ tưởng niệm, bằng giọng tiếng Anh bập bẹ, ông xin lỗi vì những gì mình đã gây ra khi còn trẻ.
Điều đó không cần đến vài thập kỷ nữa. Đôi khi, những thay đổi phi thường chỉ diễn ra trong vài giờ. Hãy nói về sự kiện Hưu chiến Lễ Giáng sinh trong Thế chiến I vào năm 1914. Các phe đã thoả thuận một lệnh ngừng bắn ngắn hạn, để binh sĩ có thể ra ngoài, tập hợp thi thể tử sĩ ở các vùng tranh chấp giữa hai chiến tuyến. Các binh sĩ Anh và Đức nhanh chóng làm điều đó, giúp đỡ di chuyển thi thể của phe kia, họ giúp nhau đào huyệt khi mặt đất đã đóng băng, cùng nhau cầu nguyện, trao cho nhau những hộp quà nhân dịp Giáng sinh, và ngày hôm sau, họ chơi bóng đá cùng nhau và trao đổi địa chỉ để họ có thể gặp mặt sau khi chiến tranh kết thúc. Lệnh ngừng bắn cứ tiếp diễn cho đến lúc các sĩ quan xuất hiện, và nói: "Chúng tao sẽ bắn mày trừ khi mày quay lại chiến tuyến và bắn bọn kia." Chỉ cần vài tiếng đồng hồ để những người lính đó hình thành một khái niệm "chúng ta" hoàn toàn mới: tất cả chúng ta trong những hầm hào này của cả hai phe, phải tàn sát nhau không vì lý do gì cả, và khái niệm "chúng," những kẻ quyền lực núp sau tiền tuyến thí họ như những con tốt.
Và đôi lúc, chỉ cần vài giây để thay đổi. Một thảm kịch khủng khiếp nhất trong Chiến tranh Việt Nam, đó là vụ thảm sát Mỹ Lai. Một lữ đoàn lính Mỹ tiến vào một ngôi làng gồm toàn dân thường, họ đã giết khoảng 350 đến 500 người, hiếp dâm tập thể phụ nữ và trẻ em, và chặt xác người. Thật tàn nhẫn! Thật tàn nhẫn vì điều đó đã xảy ra, vì chính phủ đã phủ nhận nó, vì chính phủ Mỹ đã chẳng làm gì ngoài những hành động chiếu lệ, và thật tàn nhẫn khi những sự kiện kiểu đó chắc chắn không phải là duy nhất. Người đàn ông này, Hugh Thompson, ông đã cố ngăn chặn vụ thảm sát Mỹ Lai. Ông đang lái một chiếc trực thăng, đáp ở đó, đổ bộ, và thấy những binh sĩ Mỹ bắn trẻ em, bắn các cụ già. Sau khi hiểu chuyện gì đang xảy ra, ông đã dùng trực thăng của mình và làm một điều đã lật đổ toàn bộ quan điểm từ trước đến nay của ông về những ai ông gọi là "chúng ta" và "chúng." Ông đỗ trực thăng gần một số người dân sống sót và một số lính Mỹ, chĩa súng máy vào các chiến hữu của mình, và nói: "Nếu chúng mày không dừng việc giết chóc, tao sẽ bắn.
Họ không có điểm gì đặc biệt hơn hẳn so với chúng ta. Cùng những nơ-ron đó, cùng những chất xám đó, cùng cấu tạo sinh học đó. Điều còn lại của ta sẽ là kết cục không tránh khỏi này: "Những ai không học hỏi từ lịch sử chắc chắn sẽ lặp lại nó." Nhưng thứ ta rút ra thì hoàn toàn ngược lại: Những ai không hiểu lịch sử những thay đổi phi thường của loài người, những ai không hiểu khía cạnh sinh học của những điều thay đổi ta từ tốt đẹp nhất đến tệ hại nhất, những ai không làm vậy sẽ chắc chắn không thể lặp lại những khoảnh khắc rực sáng kỳ diệu đó.
Tìm đọc cuốn sách tội phạm học của tác giả Robert Sapolsky -- Behave:
Theo tamlyhoctoipham.com