Năm 1938, các chuyên gia của Harvard tiến hành một nghiên cứu kéo dài đến tận ngày nay để tìm ra điều gì làm con người hạnh phúc. Họ tập hợp hồ sơ y tế từ 724 người trên khắp thế giới, hai năm một lần lại khảo sát bằng các câu hỏi chi tiết về cuộc sống.
Khi người tham gia khảo sát bước sang giai đoạn trung niên, cao tuổi, nghiên cứu lại chuyển sang các câu hỏi về nghỉ hưu. Dựa trên những phản hồi này, các nhà nghiên cứu nhận ra thách thức số một mà mọi người gặp phải khi nghỉ hưu chính là không thể thay thế các mối quan hệ xã hội có được trong thời gian đi làm.
Minh họa: CNBC
Khi nói đến nghỉ hưu, chúng ta thường xét tới áp lực về tài chính, sức khỏe hay cần người chăm sóc. Song, thứ họ quan tâm hơn cả lại là nuôi dưỡng các kết nối. Gần như không ai nói về tầm quan trọng của phát triển những nguồn mang lại ý nghĩa, mục đích sống mới.
Một người được hỏi nhớ gì nhất sau 50 năm làm bác sĩ đã trả lời: "Gần như không nhớ gì về công việc. Tôi chỉ nhớ mọi người và tình bạn".
Leo DeMarco, một người khác, cũng có cảm xúc tương tự. Sau khi nghỉ hưu, cựu giáo viên trung học thấy rất khó để giữ liên lạc với đồng nghiệp.
Với nhiều người, làm việc giúp họ trở nên quan trọng hơn hết trong mắt đồng nghiệp, khách hàng, cộng đồng hay gia đình. Do đó, khi nghỉ hưu họ trở nên dư thừa năng lượng và thời gian. Henry Keane là một trong số các trường hợp này. Dù đã bắt đầu tham gia tình nguyện và dành thời gian cho các thú vui như tái chế đồ nội thất, trượt tuyết, ông vẫn cảm thấy thiếu vắng gì đó.
"Tôi cần phải làm việc", Keane, 65 tuổi, chia sẻ với các nhà nghiên cứu. "Không có gì to tát cả, chỉ là tôi biết rằng tôi thích được ở bên cạnh mọi người".
Tâm sự của Keane dạy cho chúng ta một bài học quan trọng, không chỉ về nghỉ hưu mà còn về bản chất công việc. Chúng ta thường bị các mối lo ngại tài chính, áp lực thời hạn bao vây mà quên mất tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa người với người trong công việc. Chỉ đến khi nó mất đi, chúng ta mới nhận thức được.
Vì vậy, để tạo ra các mối quan hệ ý nghĩa hơn, chúng ta có thể tự hỏi: Ai là người tôi thích làm việc cùng nhất; có ai mà tôi muốn biết rõ hơn không; nếu xung đột với đồng nghiệp, làm thế nào để xử lý; tôi học được gì từ những người có xuất thân, lối sống, suy nghĩ khác mình.
Ellen Freund, cựu chuyên viên trường đại học, chia sẻ: "Khi nhìn lại, tôi ước mình chú tâm hơn đến mọi người và ít nghĩ về các vấn đề. Tôi yêu công việc của mình, nhưng dường như tôi lại là ông chủ khó tính, thiếu kiên nhẫn. Tôi ước có thể hiểu mọi người hơn một chút".
Công việc là một phần quan trọng trong trải nghiệm cá nhân. Chúng ta càng làm cho nó phong phú bằng các mối quan hệ, chúng ta càng được hưởng lợi nhiều hơn bởi công việc cũng là cuộc đời.
Huy Phương (Theo CNBC)
Theo tamlyhoctoipham.com