Sau một buổi tuyển dụng, một ứng viên tin rằng cô sẽ chắc chắn được nhận vì cô có bảng thành tích tốt, dày dặn kinh nghiệm và đã thể hiện rất tự tin trong buổi phỏng vấn. Nhưng khi bị công ty từ chối, thay vì nhìn nhận lại những điểm chưa tốt hay chưa phù hợp với yêu cầu của vị trí công việc, cô lại đổ lỗi ban tuyển dụng thiên vị hay không muốn tuyển cô vì năng lực xuất sắc của cô vượt quá khả năng công ty có thể đáp ứng.
Ví dụ trên cho ta thấy được một tình trạng tâm lý khá quen thuộc, đó là tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh mỗi khi bản thân gặp phải vấn đề không như mong muốn nhằm trốn tránh trách nhiệm mà bản thân cần gánh chịu. Họ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng nhưng không thể rút ra bài học, mà lại coi đây là một điều không may bỗng chốc giáng xuống đầu mình. Họ dành cả đời để chứng minh rằng mình là một kẻ bất hạnh và bất cứ thứ gì mình chạm tay vào rồi cũng sẽ đổ vỡ mà thôi. Nếu quan sát kĩ, chúng ta sẽ lại bắt gặp biểu hiện của sự kiêu ngạo. Họ cho rằng một vị thần độc ác nào đó phải dành thời gian chỉ để bức hại họ. Nếu một cơn bão ập đến, họ sẽ là người duy nhất bị sét đánh. Kẻ trộm sẽ chỉ leo vào nhà của họ. Nếu có bất kỳ rủi ro nào ập tới, chắc chắn họ là người duy nhất phải gánh chịu.
Theo chuyên gia tâm thần học nổi tiếng người Mỹ Alfred Adler giải thích, tâm lý bất hạnh này đến từ việc coi trung tâm là bản thân và nét tính cách kiêu ngạo, vì bất hạnh cũng là một cách để đạt được sự chú ý. Chỉ người nào coi bản thân là trung tâm của mọi sự kiện mới phóng đại như vậy. Thực chất, những cá nhân kiêu ngạo này cảm thấy rằng mọi thế lực thù địch đều đang rình rập để trả thù họ. Họ là những người tự biến tuổi thơ của mình trở thành chuỗi ngày cay đắng khi cho rằng mình là con mồi của những tên cướp, những kẻ sát nhân và những bóng ma, như thể tất cả những cá nhân này chỉ tồn tại để chờ cơ hội bức hại họ. Thái độ của họ sẽ được bộc lộ ra bên ngoài. Họ bước đi như thể bị áp lực, cúi gằm để mọi người đều cảm thấy họ đang chịu đựng gánh nặng. Họ đặt nặng mọi thứ và luôn nhìn nhận một cách bi quan, và chẳng có gì khó hiểu nếu như họ không bao giờ vừa ý với cuộc sống.
Sự bi quan tới từ tâm lý bất hạnh này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chính họ. Khi một người chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người khác thì chẳng khác nào người đó đang tự bao che cho những yếu kém của mình. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu cho tương lai của họ. Bởi lẽ trong hiện tại việc chỉ biết đổ lỗi và chối bỏ bản thân mà không chịu nhận lỗi sửa sai sẽ chẳng thể giúp họ đúc kết cho mình được những kinh nghiệm hay vốn sống nào có ích cho tương lai cả.
Không chỉ có vậy, việc liên tục trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh không giúp khắc phục được hậu quả gây ra, mà trái lại càng làm việc khắc phục hậu quả thêm trì trệ, khiến hậu quả càng nghiêm trọng. Trong một tập thể, người mang tâm lý này cũng sẽ nhanh chóng trở thành đối tượng bị bài trừ bởi những ảnh hưởng tiêu cực họ mang lại cho những người xung quanh.
Suy cho cùng, như lời nhận xét của Alfred Adler thì gốc rễ của mọi bất hạnh mà người mang tâm lý bi quan hoá cuộc sống phải chịu đựng nằm ở chính sự kiêu ngạo của họ, bởi không may mắn cũng là một cách để trở nên quan trọng!
(Bài viết được tham khảo từ cuốn sách tội phạm học “Hiểu về bản chất con người – Lý luận của bậc thầy tâm thần học - Tác giả Alfred Adler
https://s.shopee.vn/6fLzfZIdPQ
Theo tamlyhoctoipham.com