Bạn đã gặp họ, tôi cũng đã gặp họ, hoặc chính chúng ta cũng có thể là một trong số đó: những con người tử tế luôn khiến người khác cảm thấy rằng họ có ý tốt thật sự, sẵn sàng giúp đỡ hay tình nguyện làm những việc không ai muốn. Họ nhạy bén với cảm xúc của người khác, thân thiện và hiếm khi xảy ra xung đột với ai đó. Có gì đáng chê ở mẫu người lý tưởng này cơ chứ?
Dường như là không! Nhưng nếu bạn luôn gắng thể hiện sự tốt bụng suốt 24/7, thì đằng sau sự thánh thiện ấy, những hiểm họa tâm lý sẽ ngấm ngầm bào mòn bạn.
Sau đây là những hệ lụy thường gặp:
Nội tâm hóa
Bạn vẫn luôn tử tế và dễ tính như vậy ư? Trừ khi bạn đang sử dụng nhiều loại thuốc có hiệu quả cao có thể giúp bạn chịu đựng được hết thảy!
Những gì mà người luôn tốt bụng thường làm là nội tâm hóa – đè nén tất cả những cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ dòng chảy của cuộc sống thường ngày. Sự tích trữ này sẽ dẫn đến trầm cảm, lo âu và thậm chí là làm dụng chất kích thích để giải tỏa stress, nguồn năng lượng độc hại.
Ảnh: Gutesa/Shutterstock
Xấu tính theo chu kỳ
Nếu như trầm cảm, lo âu và nghiện ngập chưa đủ để giữ chân những cảm giác không mấy lịch sự kia, bạn sẽ dễ thấy mình trở nên xấu tính một cách kỳ lạ. Khi sự đè nén đã chạm đến giới hạn, bạn bộc phát những hành động thiếu kiểm soát như tình một đêm trong chuyến công tác, say xỉn quá độ, nổi đóa với con cái hay chú chó cưng hoặc người đồng nghiệp hiền lành. Ngay sau đó, bạn cảm thấy thật tội lỗi, bạn liên tục xin lỗi, bạn hứa sẽ không làm như vậy nữa… cho đến khi bạn vẫn lặp lại y như những gì đã xảy ra mà không kiềm chế được. Nếu bạn cứ để áp lực và năng lượng xấu chồng chất thêm, thì hãy nhớ rằng, nhất định sẽ có lúc, giọt nước sẽ làm tràn ly.
Tự chỉ trích
Luôn phải cố gắng tử tế sẽ dẫn bạn đến với sự chỉ trích bản thân thái quá: Đó là lỗi của tôi, Tôi thật tồi tệ, Lẽ ra tôi phải…, Chắc chắn họ hành xử không tốt như vậy là do tôi trước, không có lửa làm sao có khói, v.v…
Mỗi lần đưa bản thân lên bục phán xét, bạn lại trở thành một thẩm phán với một giọng nói đanh thép, giận dữ như của người trung sĩ huấn luyện trong quân đội hay bố mẹ bạn. Và dưới những ngôn từ ác ý như thế, bạn thề sẽ nỗ lực hơn để không làm hỏng mọi thứ và khiến chúng trở nên tốt đẹp hơn nữa. Nhưng bạn lại thấy mọi thứ bạn làm đều không đủ; sai sót, lỗi lầm và lời buộc tội xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Nếu như vậy, bạn đang tự nhốt mình trong một cuộc sống buồn khổ và tràn đầy sự ân hận.
Bạn đột nhiên trở nên chuyên quyền và gây hấn thụ động
Người khác, đặc biệt là những ai gần với bạn nhất, có thể thấy đôi lúc bạn tỏ ra muốn kiểm soát mọi thứ hoặc gây hấn thụ động – bởi vì đúng là như thế. Bản tính của bạn cảm thấy bị động chạm, và bạn lại cố tạo ra một chút áp lực hay cảm giác tội lỗi để đưa nó về trạng thái bình thường như bạn từng làm, nhưng biện pháp này đã phản tác dụng. Bạn lại càng trở nên mất kiểm soát và hung hăng hơn, nhạy cảm hơn với những chuyện rất đỗi nhỏ nhặt. Đó chính là lúc cơn buồn bực từ việc quá chịu đựng của bạn “tràn” ra ngoài.
Oán giận
Tích tụ sự oán giận cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc bộc phát tính xấu. Nhưng đôi khi nó âm thầm và dần dần xâm chiếm bạn như thể một luồng hơi nước chậm rãi liên tục được phả ra, nó khiến bạn lơ là và mất cảnh giác. Oán giận xuất hiện vì sự tử tế của bạn đi kèm với những kỳ vọng – rằng người khác sẽ đánh giá cao nỗ lực bạn bỏ ra hay trở nên tốt giống như bạn – hoặc bạn mong rằng họ sẽ tinh ý nhận ra thứ bạn cần và đáp ứng lại bạn. Nhưng không may, thường thì những kì vọng đó của bạn vỡ vụn và trong đáy lòng bạn xuất hiện sự quở trách – sự oán giận.
Tự thỏa hiệp trước trong các mối quan hệ
Thay vì nói rõ ràng điều bạn cần khi bắt đầu một cuộc nói chuyện với ai đó, bạn lại tập trung suy đoán và đặt ra giả thuyết về thứ người kia mong muốn, và lập tức hạ thấp nhu cầu của chính mình xuống. “Jane chắc là sẽ không muốn làm thay cả 2 ca cuối tuần cho mình đâu”, bạn tự nhủ, thế nên thay vì hỏi xem cô ấy có thể làm hết cả cuối tuần giúp bạn không, bạn chỉ hỏi liệu cô ấy có thể làm hộ hôm thứ 7 được không.
Khi cứ tự thỏa hiệp trước trong các mối quan hệ, đặc biệt là cả những mối quan hệ gần gũi, bạn không còn được là chính mình và sẽ không bao giờ thực sự có được thứ mình muốn (mặc dù bạn tưởng tượng rằng người còn lại sẽ hiểu và đề nghị thứ đó với mình). Để rồi chỉ nhận được những thứ vớt vát nửa mùa kiểu “okay”. Rõ ràng bạn cũng trông đợi họ hiểu nhu cầu của bạn và đề xuất giúp đỡ thêm, nhưng bạn chỉ tự thỏa hiệp trong đầu thay vì trình bày thẳng thắn. Dần dần, cuộc sống của bạn ngày càng trở nên tệ hơn khi những nhu cầu của bạn không được đáp ứng và bạn thì bất lực và mông lung khi không hiểu vấn đề ở đâu.
Những mối quan hệ mờ nhạt
Những mối quan hệ gần gũi có thể trở nên nông cạn hơn do tác động của việc tự thỏa hiệp trước và nội tâm hóa. Bạn không bao giờ nói những gì bạn thật sự muốn và cảm thấy, và bạn cũng không thực sự trung thực hay thể hiện sự hòa hợp về cảm xúc. Trong trường hợp cả hai đều giống nhau, hiệu ứng sẽ được nhân đôi, tạo nên một mối quan hệ ôn hòa nhưng hời hợt, bình lặng, thiếu ý nghĩa. Không chỉ có những niềm vui, một mối quan hệ càng trở nên bền chặt khi chúng ta cùng nhau đi qua những giai đoạn khó khăn.
Cạn kiệt năng lượng theo chu kỳ
Nếu bạn cứ luôn cố gồng gánh hết tất cả mọi thứ, kiệt sức theo chu kỳ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Đó có thể là kiệt quệ, ốm yếu hay chìm vào hố sâu của trầm cảm nặng. Bạn tạt vào lề đường nghỉ một lúc, nhưng ngay khi hồi lại sức, bạn lại tiếp tục lên đường với “trách nhiệm” nặng nề trên vai như chưa có gì từng xảy ra.
Hối hận lâu dài
Điều này có nghĩa là tốt bụng là điều không nên làm?
Dĩ nhiên là không. Nhưng có sự khác biệt giữa một cuộc sống được thúc đẩy bởi các giá trị và một cuộc sống được thúc đẩy bởi sự lo lắng.
Một cuộc sống được tạo nên bởi các giá trị xuất hiện từ phẩm chất và niềm tin của riêng bạn về việc chung sống với người khác như thế nào. Bạn tử tế, thận trọng trong lời ăn tiếng nói và nhận thấy rằng tất cả đều đang chật vật xoay sở trong một thế giới nhỏ bé giữa vũ trụ rộng lớn; bạn đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử. Bạn hãy tốt bụng, không phải vì bạn “phải” hay bởi vì nếu không làm bạn sẽ cảm thấy thật tội lỗi, hãy tốt bụng vì đó là bản năng của bạn.
Bạn hãy tốt bụng, không phải vì bạn “phải” hay bởi vì nếu không làm bạn sẽ cảm thấy thật tội lỗi, hãy tốt bụng vì đó là bản năng của bạn.
Đồng thời, bạn có quyền nói “Không” và chăm sóc cho bản thân mình cũng như người khác, tỏ ra quả quyết và thật thà nhưng không trở nên hung hăng hay dễ làm mất lòng người khác. Cuộc sống và mối quan hệ của bạn trở nên bền vững chỉ khi nó mang tính xây dựng và giúp cả hai bạn ngày càng tốt đẹp lên.
Mặt khác, cuộc sống bị thúc đẩy bởi sự lo âu- coi việc tỏ ra tử tế là một cách để kiềm chế sự lo lắng. Bạn học cách khoác lên sự tử tế nhằm né tránh những sự xung đột và đối đầu mà mình không thể chịu nổi, một vẻ ngoài “Tôi vui vẻ nếu bạn cũng vậy,” nghĩa là tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bạn không bị bất mãn. Bởi vì sự không thoải mái của bạn khiến tôi trở nên lo sợ. Ở tình cảnh này, bạn không nói “Không”, bạn không thật thà nói lên bản thân mình và cũng không quyết đoán bởi vì bị nỗi sợ hãi của chính mình ngăn cản. Sẽ ra sao nếu bạn làm điều tốt không phải xuất phát từ sự tử tế cao đẹp mà lại bởi vì để né tránh khỏi thế giới đáng sợ ngổn ngang những lo âu?
Hãy kiểm soát
Nếu bạn cho rằng bạn đã, quá mệt mỏi với việc luôn luôn tử tế, hay quá chán nản với việc phải hứng chịu bất cứ hay tất cả những hậu quả, đã đến lúc dừng việc để bản thân trôi theo dòng đời và chủ động đưa quyết định và bắt đầu thay đổi một số hành vi của mình. Những mẹo sau đây có thể hữu ích cho bạn:
1) Chậm lại để nhận ra bạn thực sự cảm thấy như thế nào.
Nếu bạn là bậc thầy trong việc cố gắng tỏ ra tử tế, có lẽ bạn đã tê liệt cảm xúc. Thay vì hấp tấp giơ tay ở buổi họp nhân viên khi mọi người kêu gọi người tình nguyện, hãy hít vài hơi thật sâu và tự hỏi bản thân xem bạn có thực sự muốn làm như vậy không và bạn sẽ làm nó với trách nhiệm và nhiệt huyết thật sự chứ? Điều tương tự cũng áp dụng đối với thương lượng với đồng nghiệp: Đừng có tự thỏa thuận trước rồi mới nghĩ xem mình muốn gì. Nếu bạn không thể nghĩ ra ngay, hãy chờ đợi, và tiếp tục chất vấn bản thân xem bạn cảm thấy ra sao; cuối cùng cũng sẽ có điều gì đó xuất hiện.
2) Học cách nói “Không”
Im lặng cũng có nghĩa là nói “Không”, nhưng bạn nên luyện tập làm việc này một cách chủ động hơn – chuyện này xoay quanh việc đặt ra giới hạn. Nếu bạn được mời tham gia vào một bữa tiệc, nhưng bạn lại không muốn, hãy nói “Không”. Tốt hơn là, hãy chủ động và cho người khác biết giới hạn của bạn ở đâu. Nếu không thể nói không trực tiếp, gọi hoặc để tin nhắn thoại, hay một lời nhắn. Cứ làm như vậy đi. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có quyền ưu tiên bản thân và việc đánh đổi lợi ích của bạn để giúp đỡ người khác cũng hoàn toàn là quyết định và lựa chọn của bạn. Bạn có quyền ưu tiên bản thân và việc đánh đổi lợi ích của bạn để giúp đỡ người khác cũng hoàn toàn là quyết định và lựa chọn của bạn.
3) Hãy phân tích sự tức giận của bạn
Nếu trong một cuộc đối thoại, bạn cảm thấy tức giận, khó chịu hay hờn ghét, hãy biến chúng thành những thông tin. Bạn hãy bình tĩnh phân tích xem điều gì làm bạn tức giận, từ đó xác định điều bạn cần, những gì bạn thích, những gì bạn muốn từ đối phương. Và hãy thẳng thắn nói ra một cách điềm đạm và lý trí.
4) Cố gắng trở nên trung thực hơn.
Sự thật thà, về bản chất, chính là việc đặt ra giới hạn, nó còn là hoa tiêu cho sự thân mật. Hãy thoát ra khỏi những câu nói sáo rỗng và thử tìm cách đào sâu vào vấn đề hơn – hãy nói cho những người thân quen với bạn về cảm xúc thực sự của mình thay vì “Mình ổn mà”. Nếu người bạn của bạn cũng chia sẻ thẳng thắn thì hãy dùng sự thành thật và thân mật để tiếp tục cuộc trò chuyện.
5) Sử dụng những biểu hiện của bạn để làm “cảm biến” nhận ra đâu là lúc bạn đang gồng ép bản thân.
Đừng ngó lơ hay gạt phăng đi những khoảnh khắc cạn kiệt năng lượng, khi sự dồn nén sắp nổ tung hay những giây phút gây hấn thụ động mà hãy dùng chúng như những hồi chuông báo cảnh báo. Đó có thể là lúc bạn đang gồng mình gánh những nỗi sợ hãi vô cớ và hạ thấp những nhu cầu thiết yếu của riêng cá nhân. Đã đến lúc bạn dũng cảm lên tiếng vì bản thân thay vì tự trách móc và tự mình xoay sở.
6) Chống lại những lời chỉ trích vô hình.
Những lời phán xét vang vọng bấy lâu sẽ phát rồ nếu như bạn thực hiện bất cứ điều gì trong 5 hành động trên. Bạn sẽ cảm thấy tội lỗi, bạn sẽ cảm thấy lo lắng như thể cả thế giới đang phỉ nhổ vào mình và những điều tồi tệ sắp sửa xảy ra. Đây là những thứ mà một người hay trải qua khi cố gắng gạt đi những thói quen xấu cũ. Sự khó chịu, bứt rứt sẽ qua và những thói quen xấu cũng sẽ rời đi. Hít vào hơi thật sâu, tự động viên mình và cứ thế bước đi.
Vậy, bạn đã sẵn sàng để bỏ đi một chút lòng tốt của mình để tử tế đúng cách chưa?
Dịch: #Zealous
Biên tập: Mai
Nguồn: Acrazymind.vn
Nguồn bài: https://www.psychologytoday.com/
Theo tamlyhoctoipham.com