Kết hôn là chuyện hệ trọng. Nó có thể là ước mơ của người này nhưng đồng thời cũng là cơn ác mộng với người khác. Hẳn chúng ta ai cũng từng bắt gặp những người nói rằng “ Tôi chưa sẵn sàng để kết hôn”, “Hôn nhân không dành cho tôi“, “Nghĩ đến việc cưới xin mà tôi phát sợ”. Đây đều là những dấu hiệu thể hiện rằng họ đang chạy trốn khỏi việc kết hôn, hay nói cách khác, họ mang trong mình nỗi sợ hôn nhân. Hôn nhân là khi hai người yêu nhau cùng chung sống dưới một mái nhà sau khi được sự cho phép của xã hội và luật pháp, để bắt đầu xây dựng gia đình hạt nhân của riêng họ. Vậy tại sao nhiều người lại e sợ điều này. Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hội chứng Gamophobia, được biết đến như chứng sợ kết hôn, và trả lời câu hỏi làm sao để vượt qua nỗi sợ này.
Hội chứng sợ kết hôn là gì?
Gamophobia có thể nảy sinh từ những trải nghiệm tiêu cực xuất phát từ việc chứng kiến gia đình mình hoặc gia đình xung quanh không hạnh phúc. Nỗi sợ này còn được định nghĩa như một nỗi sợ tâm lý khi nghĩ đến việc gắn kết. Ý tưởng gắn kết cuộc sống của mình với một người khác làm cho một số người nghĩ họ thà sống một mình còn hơn. Đương nhiên việc chịu trách nhiệm với ai đó có thể là một viễn cảnh đáng sợ. Hôn nhân còn đi cùng những nghĩa vụ vật chất, tinh thần cũng như là sự hy sinh. Tất cả những điều này có thể làm nảy sinh những cảm xúc sợ hãi hoặc lo âu ở một số người và cuối cùng dẫn đến việc họ quay lưng lại với ý tưởng kết hôn cho dù là họ đang có mối quan hệ hạnh phúc.
Nguyên nhân của nỗi sợ kết hôn
Như đã đề cập ở trên, sinh trưởng trong một gia đình không hạnh phúc hoặc trải qua những điều tương tự như vậy đều có thể dẫn đến nỗi sợ này. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều nguyên nhân khác tạo nên nền tảng cho hội chứng này. Khi một người sống một mình trong thời gian dài và đã quá quen thuộc với điều đó, họ trở nên lo lắng, bất an khi nghĩ về chuyện chia sẻ mái nhà với người khác. Ngoài ra, việc quen với một cuộc sống gia đình đầm ấm cũng dễ khiến người ta cho rằng những tranh cãi dù rất nhỏ nhặt với nửa kia chính là dấu hiệu cho thấy họ sẽ không bao giờ có thể đạt được hạnh phúc viên mãn như cha mẹ của mình. Thêm vào đó, suy nghĩ rằng việc ly hôn có thể trở nên trắc trở dưới áp lực gia đình cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra nỗi sợ lập gia đình. Bên cạnh đó, các tục lệ như là lễ dạm ngõ, lễ đính hôn, lễ kết hôn cũng có thể khiến người ta lảng tránh việc kết hôn.
Một số giải pháp để vượt qua nỗi sợ hôn nhân
Bất kể ai tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình có thể thấy chùn bước trước quyết định kết hôn và cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên với lòng kiên định cùng sức mạnh của ý chí, nỗi sợ hôn nhân có thể được giải quyết tương tự như các nỗi sợ khác. Để vượt qua nỗi sợ này, bạn cần tin tưởng người khác đồng thời duy trì lòng tin vào bản thân. Bạn nên từ bỏ mọi sự ích kỷ cá nhân để chia sẻ cùng người khác. Và đừng quên rằng nếp sống trât sự, quy củ là nền tảng của sự thành công. Dưới đây là một số bước bạn nên làm để đối phó với nỗi sợ kết hôn:
- Đừng quá để tâm đến hay cố tình lờ đi những hình mẫu gia đình tiêu cực xung quanh bạn
- Đảm bảo là bạn hiểu bản thân và người bạn đời của mình đủ rõ
- Học cách chia sẻ mọi thứ với bạn đời của mình
- Hãy nhớ rằng nửa kia của bạn là một cá nhân và hôn nhân không thể xóa đi cá tính cá nhân đó.
- Tập trung vào ý nghĩa của hôn nhân: định nghĩa những thứ mà bạn kì vọng từ cuộc hôn nhân của mình và chia sẻ những điều đó cho nửa kia
- Nếu bạn cảm thấy rằng bạn không thể vượt qua nỗi sợ hôn nhân và quá căng thẳng vì điều này, bạn luôn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia.
Hôn nhân hạnh phúc là những viên gạch vững chắc nhất của xã hội. Để có những mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài, việc đối phó với nỗi sợ hôn nhân là cần thiết, và các chuyên gia luôn ở đó sẵn sàng để giúp đỡ bạn khi cần.
Nguồn: https://www.eliteworldhotels.com.tr/blog-en/what-is-fear-of-marriage-gamophobia-how-to-deal-with-it.3506.aspx#:~:text=The%20fear%20of%20marriage%20can,is%20better%20to%20live%20alone.
Dịch: Epiphyllum
Biên tập: Ngọc
Nguồn: Acrazymind.vn
Theo tamlyhoctoipham.com