Mỗi khi cảm thấy lo âu hay buồn bã, tôi đều đi ngay về phía bồn tắm một cách rất bản năng. Nhưng chẳng ai có thể ngờ được, hoá ra cái hành động “bản năng” ấy của tôi cũng đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hỗ trợ cho những bệnh nhân trầm cảm còn nhiều hơn cả một bài tập aerobic nữa. Ngoài ra, sự bồn chồn và mệt mỏi trong người cũng sẽ được thuyên giảm rõ rệt. Thói quen tắm hằng ngày còn giúp cải thiện giấc ngủ bằng cách phục hồi lại chu kì sinh học của cơ thể, hơn nữa cũng sẽ làm giảm đi lượng hoóc-môn gây stress cortisol.
Trong bài viết này, ta sẽ cùng điểm qua tác dụng cải thiện sức khỏe tinh thần của việc tắm qua các thời kì và đối với nhiều loại bệnh khác nhau. Nào, hãy thắt dây an toàn và đi thôi!
Những Phương Pháp Ngâm Bồn Chữa Bệnh
Cuối thế kỉ XIX, thuỷ liệu pháp (hydrotherapy) - hay phương pháp chữa bệnh sử dụng nước - đã được sử dụng rất phổ biến trong các bệnh viện tâm thần. Vào năm 2010, tại bảo tàng London, một triển lãm với chủ đề về sự phát triển của ngành trị liệu tâm thần trong thế kỉ XX đã được tổ chức. Đáng nói thêm, tại đây rất nhiều các biện pháp tắm bồn, với tác dụng chữa trầm cảm hay hưng cảm, đã được trưng bày.
Tắm Liên Tục (Continuous Bathing)
Đối với phương pháp trị liệu mang tên gọi “tắm liên tục", bệnh nhân sẽ nằm trên một chiếc võng được đặt trong bồn tắm. Bề mặt bồn tắm được bọc lại hoàn toàn bằng vải bố, chỉ để hở một lỗ vừa đủ cho bệnh nhân chui đầu qua. Trong một căn phòng tối tăm và tĩnh lặng, nhân viên sẽ liên tục đổ nước nóng vào bồn, và một chu trình trị liệu này thường sẽ kéo dài vài tiếng (hoặc thậm trí hằng ngày ở các cơ sở khác). Trong lúc đó, bệnh nhân sẽ ngủ thiếp đi. Trích từ hướng dẫn thực hiện liệu trình dành cho y tá và bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần London: “Sau khi tắm, cơ thể bệnh nhân cần được liên tục lau khô và chà xát, để từ đó đạt được hiệu ứng sáng bóng trên da. Cần phải đề phòng không cho cơ thể bệnh nhân không bị lạnh.”
Chẳng biết bạn thế nào, nhưng mỗi khi nghĩ đến hình ảnh bệnh viện tâm thần tại London đầu thế kỉ XX, tôi chỉ mường tượng ra được những thước phim “Bay trên tổ chim cúc cu” (“One Flew Over the Cuckoo’s Nest”) với toàn những bệnh nhân nhiễu loạn và gào thét. Nhưng chu trình ở trên thực ra nghe chu đáo quá. Và các nghiên cứu về sau cũng đã chứng minh được rằng Bệnh viện Tâm thần London thực sự đã đạt được thành tựu rất to lớn, bởi thuỷ liệu pháp trên thực tế có thể hỗ trợ cho rất nhiều các chứng bệnh tinh thần.
Tác Dụng Giảm Stress
Ai cũng từng bị stress, và mặc dù không thể coi đây là một “chứng bệnh tinh thần", nhưng việc không thể kiểm soát được stress cũng vẫn có thể dẫn đến chứng rối loạn lo âu. Ngoài ra, stress cũng chính là tác nhân có thể trầm trọng hoá tình trạng của bất cứ căn bệnh tâm lý có sẵn nào. Stress, dù là cấp tính hay mãn tính, thường được cho là có thể dẫn đến những hệ luỵ có hại cho cả thể chất lẫn tinh thần, trong đó bao gồm cả, đáng buồn thay, quyết định tự sát.
Âm Nhạc VS. Tắm Bồn
Trước hết, ta hãy cùng tìm hiểu về cơ chế giảm stress của việc tắm bồn. Một thử nghiệm thú vị đã được thực hiện đối với 180 người đàn ông làm việc trên biển tại Lithuania - những người hầu như lúc nào cũng căng thẳng, hơn nữa còn không được ngủ đủ. Họ được chia ra làm ba nhóm: nhóm 1 được tắm suối khoáng nóng chứa nhiều khoáng chất 5 lần/tuần trong vòng 2 tuần; nhóm 2 tham gia các cuộc trị liệu tâm lý bằng âm nhạc; nhóm 3 là nhóm kiểm soát (không nhận được thay đổi gì khi tham gia thí nghiệm). Kết quả cho thấy mức độ stress cùng sự mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần của những người thuộc nhóm 1 đã giảm đáng kể nhất.
Ảnh Hưởng Của Việc Tắm Khoáng Đối Với Hàm Lượng Cortisol
Cortisol là loại hoóc-môn góp phần tạo nên tình trạng stress ở cả thể chất lẫn tinh thần. Để chứng thực khả năng làm giảm thiểu căng thẳng và lo âu của việc tắm bồn, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã đo liều lượng cortisol tội phạm trong nước bọt của 12 đối tượng thí nghiệm trước và sau khi tắm khoáng. Kết quả cho thấy hàm lượng cortisol trong cơ thể đã sụt giảm rõ rệt sau khi tắm - một kết luận có lẽ cũng chẳng có gì bất ngờ đối với những “con nghiện" tắm bồn.
Sinh Đẻ Trong Nước
Đối với rất nhiều nền văn hoá, các sản phụ thường được cho tắm bồn để giúp làm dịu bớt đi nỗi lo và cơn đau lúc sinh nở. Trong một thí nghiệm với quy mô nhỏ, các nhà khoa học đã nhận định: “Việc áp dụng thuỷ liệu pháp trong khi sinh sẽ ảnh hưởng đến các phản ứng thần kinh nội tiết (neuroendocrine responses), giúp điều chỉnh lại các quá trình tâm sinh lý.”
Bồn Tắm Nóng Giúp Phục Hồi Bệnh Trầm Cảm
Trầm cảm có thể khiến người bệnh suy nhược nghiêm trọng, đau đớn khủng khiếp và dẫn đến tự tử. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây cũng là một căn bệnh rất phổ biến với 264 triệu người mắc trên toàn cầu.
Mặc dù không ai khẳng định liệu tắm nước nóng có thể thay thế thuốc chữa bệnh, hay chỉ giúp một người tạm thời thoát khỏi tình trạng trầm cảm thôi, nhưng đã có bằng chứng cho thấy thói quen tắm thường xuyên có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Tắm Bồn Giúp Làm Chậm Lại Hệ Thống Tuần Hoàn
Điều này diễn ra có lẽ do việc tắm làm chậm hệ thống tim mạch, ngoài ra sự chênh lệch nhiệt độ khi rời khỏi bồn nước nóng có thể tạo ra hiệu ứng ngủ đông, giúp giấc ngủ đến dễ dàng hơn. Nói chung, việc tắm nước nóng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó hỗ trợ cho tâm trạng trở nên tích cực hơn.
Tắm Nhiệt Trị (Hyperthermic) Đánh Bại Được Cả Giả Dược
Trong một nghiên cứu thí điểm nhỏ ở Friedburg, Đức, 36 bệnh nhân trầm cảm hoặc được tắm nước rất nóng (104 độ F, 40 độ C), hoặc được tiếp xúc với “liệu pháp ánh sáng xanh”, thực chất là một loại giả dược. Chu trình điều trị xảy ra liên tục trong bốn tuần.
Các nhà nghiên cứu kết luận như sau:
“Tình trạng cảm sốt, nói cách khác là tình trạng tăng thân nhiệt, đã được miêu tả từ thời cổ đại là sẽ đem lại nhiều tác động có lợi đối với sức khỏe tinh thần. Dựa trên những phát hiện gần đây, tồn tại ngày càng nhiều các bằng chứng khoa học cho thấy liệu pháp tắm tăng thân nhiệt và liệu pháp nhiệt trị toàn thân có thể có hiệu quả trong việc điều trị rối loạn trầm cảm. "
Sau khi các nhà nghiên cứu đã chứng minh được tác động đáng kể của việc tắm bồn đối với chứng trầm cảm, họ lại đặt ra một phép so sánh khác - với chuyện tập aerobic. Họ biết tập thể dục nhịp điệu sẽ là rất có lợi, nhưng họ cũng nhận thức được rằng không phải lúc nào bệnh nhân cũng có khả năng tham gia vào hoạt động này vì những hạn chế về tinh thần và thể chất.
Giữa Việc Tắm Với Tập Aerobic, Nên Chọn Cái Nào?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Freiburg sau đó đã chia 45 bệnh nhân trầm cảm vừa và nặng trong một chương trình ngoại trú làm hai nhóm: một nhóm tham gia tập thể dục nhịp điệu, nhóm còn lại tắm nhiệt trị. Mỗi nhóm thực hiện hoạt động của mình hai lần một tuần trong tám tuần. Dẫu vậy, chỉ sau hai tuần, ở nhóm tắm đã xuất hiện một sự giảm sút đáng kể đối với các triệu chứng trầm cảm. Hết thời gian tám tuần, cả hai nhóm đều cho thấy những kết quả tích cực, mặc dù kết quả của nhóm tắm rõ rệt hơn cả.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều tuyệt vời về phát hiện này chính là việc bệnh nhân có thể tự mình áp dụng phương pháp điều trị, ngoài ra nó cũng có hiệu quả đối với cả những bệnh nhân không thể tập thể dục hoặc không dung nạp được vào cơ thể các loại thuốc khác.
Tác Động Của Việc Tắm Nước Lạnh Đối Với Sức Khỏe Tâm Thần
Ở Bệnh viện Tâm thần London, từ cuối những năm 1800, các y tá và bác sĩ đã nhận ra rằng việc tắm nước nóng liên tục không phải là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với những bệnh nhân mắc chứng hưng cảm. Thay vào đó, những người này nên được điều trị bằng bồn tắm lạnh.
Dự đoán ấy của họ, lại một lần nữa, là rất đúng đắn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Virginia Commonwealth đã đưa ra giả thuyết về ảnh hưởng của liệu pháp ngâm nước lạnh lên não - tương tự như liệu pháp sốc điện. Họ tự hỏi liệu việc tắm bồn có thể có tác dụng chống loạn thần đối với những người mắc chứng hoang tưởng và ảo giác hay không.
Các nhà nghiên cứu đã thảo luận về những khía cạnh thuộc về lối sống có khả năng gây ra chứng rối loạn tâm thần. Họ đưa ra giả thuyết như sau: “Những phong cách sống thiếu hụt đi các tác nhân gây căng thẳng về mặt tiến hóa, chẳng hạn như chuyện thường xuyên tiếp xúc với nhiệt/cái lạnh, có thể dẫn đến tình trạng cơ thể không được 'tập thể dục nhiệt' đủ, dẫn đến hệ quả là sự trì trệ ở não bộ."
Hãy suy nghĩ về điều này thử xem.
Các nhà khoa học cũng còn chỉ ra rằng, việc được tiếp xúc với tình trạng nhiệt độ thay đổi liên tục sẽ giúp não bộ của chúng ta học được cách điều chỉnh để thích nghi với môi trường- một chức năng vô cùng quan trọng của não, giúp giữ cho tinh thần con người tỉnh táo. Nếu điều này là đúng, thì việc làm ấm và làm lạnh cơ thể xuyên suốt cuộc đời hết sức cần thiết, nếu không ta có khả năng sẽ phải đương đầu với những hệ luỵ khó lường. Giả thuyết này vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Tắm Nước Đá Giúp Ta Chữa Lành
Khi tắm nước đá, động mạch và mạch máu của chúng ta sẽ bị co hẹp. Lúc rời khỏi bồn tắm, hệ thống thần kinh sẽ gửi một lượng máu và chất dinh dưỡng đến với các bộ phận của cơ thể, từ đó sưởi ấm cho chúng. Dòng máu mới này chính là nguyên liệu cho quá trình chữa lành.
Tắm nước đá đã được chứng minh là sẽ có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, vẫn cần phải thực hiện thêm rất nhiều các nghiên cứu nữa để thực sự xác định được mối quan hệ giữa chúng và sức khỏe tinh thần.
Tắm Đứng Vs. Tắm Bồn
Là một người đã có kinh nghiệm cả tắm bồn và tắm đứng, tôi dám khẳng định rằng tác dụng điều trị của việc tắm bồn lúc nào cũng cao hơn hẳn so với việc tắm đứng.
Một nghiên cứu tại Nhật Bản đã góp phần chứng thực điều này. Ba mươi tám đối tượng đã được phân công để hoặc tắm bồn nhiệt trị, hoặc tắm đứng trong vòng hai tuần. Kết quả như sau: “Việc ngâm mình trong bồn tắm sẽ khiến cho thân nhiệt của chúng ta tăng lên, làm tăng lưu lượng máu và loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất, cuối cùng đem lại sự sảng khoái trên phương diện thể chất. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp cải thiện cả cảm xúc nữa.”
So với nhóm tắm vòi sen, các thành viên thuộc nhóm tắm bồn tỏ ra nhẹ nhõm và bình thản hơn nhiều.
Nhiệt Độ Của Phòng Tắm Cũng Là Rất Quan Trọng
Thật không thể tin được! Trên thực tế, có một nghiên cứu đã đặt mục tiêu sẽ xác định nhiệt độ lý tưởng của phòng tắm để đạt được nhiều nhất các lợi ích về mặt tâm lý. Kết quả thật ra cũng chẳng hề khó hiểu: nếu nước tắm đã nóng, thì bạn nên làm giảm nhiệt độ phòng tắm. Tương tự, nếu nước tắm chỉ nóng vừa phải, thì nhiệt độ phòng ấm thôi đủ rồi. Thành thật mà nói, tôi đã có thể đã tiết kiệm cho họ được vài ngàn đô la tiền nghiên cứu, và nói thẳng luôn với họ điều này - bởi làm vậy rõ ràng là thoải mái hơn nhiều, và một khi tâm trạng đã thoải mái thì tinh thần đương nhiên cũng được cải thiện chứ
Nhịp Điệu Sinh Học, Phòng Tắm & Bệnh Lý Tâm Thần
- Tắm nước nóng giúp chúng ta dễ ngủ.
- Về cơ bản, có rất nhiều nghiên cứu cho rằng những người mắc bệnh tâm thần có thể đã bị rối loạn nhịp sinh học.
- Nhịp sinh học là chiếc đồng hồ chạy 24/7 vô hình của cơ thể chúng ta, kiểm soát chu kỳ ngủ - thức. Khi hoạt động bình thường, nhịp sinh học sẽ đảm bảo cho chúng ta tỉnh táo vào buổi sáng và chìm vào giấc ngủ phục hồi vào ban đêm. Nhưng nếu đã bị gián đoạn, chúng ta sẽ không thể ngủ ngon, dẫn đến khả năng làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm.
- Bệnh nhân trầm cảm thường sẽ có nhiệt độ cơ thể tăng cao trong khi ngủ. Nhưng nhiệt độ lý tưởng cho giấc ngủ ngon thì lại thấp hơn vậy nhiều.
- Tắm nước nóng vào buổi chiều có thể giúp cơ thể khôi phục nhịp sinh học, cho phép nhiệt độ cơ thể giảm xuống khi ra khỏi bồn tắm. Điều này sẽ giúp bạn có thể ngủ sâu giấc hơn, phục hồi được nhiều hơn vào ban đêm, và cải thiện được cả khả năng hoạt động của trí óc.
Vậy Tắm Có Tốt Cho Sức Khỏe Tinh Thần Không?
Nói chung, tắm bồn có thể đem lại những tác động đáng kể đối với các chứng căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Đối với những người mắc bệnh tâm lý, thì các bạn nên tìm gặp và nói chuyện với một chuyên gia để được giúp đỡ. Ngoài ra, tắm hàng ngày có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung. Và nếu bạn muốn nâng cấp trải nghiệm tắm của mình, hãy thử thêm muối tắm Epsom với tinh dầu vào nước trước đó.----
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: Can a Bath Boost Mental Health? Absolutely!
Theo tamlyhoctoipham.com