“Em muốn có một tình yêu như trong phim ảnh
Như những diễn viên, ta nói với nhau những câu thoại thật lãng mạn
Và bộ phim nào cũng kết thúc thật có hậu
Nhưng em ơi, cuộc sống đâu chỉ dài có hai giờ đồng hồ? ”.
Bài hát Love Like the Movies — The Avett Brothers
Walt Disney đã xây dựng một hình tượng tình yêu lãng mạn quá vĩ đại, làm cho chúng ta kỳ vọng về một một chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng mang đến cho ta một tình yêu ngập tràn hạnh phúc và sự giàu sang.
Văn hóa của chúng ta hiện nay đang lý tưởng hóa tình yêu. Trong các bài hát và bộ phim, người ta tràn ngập những cụm từ lặp đi lặp lại như, "Em là tất cả đối với anh", "em là thiên thần chốn hạ giới", "anh không thể sống thiếu em", “tình yêu không bao giờ sai”... Những điều tưởng như vô hại này có thể xây dựng nên những quan điểm về tình yêu sai lệch và nguy hiểm.
Tất cả chúng ta đều biết đôi chút về tình yêu. Tất cả chúng ta đều khao khát được cảm nhận được tình yêu, và hầu hết chúng ta đều đã trải qua cảm xúc sâu sắc này. Tuy nhiên, đối với nhiều người, tình yêu vẫn là một ẩn số, và họ cảm thấy rằng họ chưa trải qua tình yêu nào đẹp như trong các bộ phim, sách tội phạm học và các bài hát nổi tiếng. Họ sử dụng nghệ thuật là nguồn tham khảo để xây dựng lên “tượng đài tình yêu” vĩ đại trong lòng mình.
Tình Yêu Độc Hại Có Tồn Tại Không?
“Những người đàn ông sát hại vợ giống như loài ký sinh trùng; thế giới của họ trống rỗng và vô nghĩa. Họ không xứng đáng được sánh đôi bên vợ mình. Đó không phải là tình yêu. Đó là sự kiểm soát và bạo lực”. —Lili Ben-Ami
“Giả sử tôi đã phạm tội này, kể cả nếu tôi đã giết cô ấy, thì đó cũng là vì tôi yêu cô ấy rất nhiều, phải không?” —O.J. Simpson (ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng bị bắt bởi cáo buộc sát hại vợ mình)
Mặc dù tình yêu thường được coi là trong sạch và giàu lòng vị tha, nhưng nó cũng có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ về mặt đạo đức. Trong cuốn sách tội phạm học Nhân danh tình yêu: Nạn nhân của những ý tưởng lãng mạn, Ruhama Goussinsky đã nói về những hành vi cực đoan đến từ tình yêu: Nếu chúng ta tin rằng "tình yêu không bị bó buộc bởi bất cứ luật lệ nào", hay “tình yêu không thể làm điều ác”, thì mọi thứ được thực hiện dưới “nhân danh tình yêu” đều có thể được biện minh. Trên thực tế, con người đã gây ra những tội ác kinh hoàng nhất khi họ nhân danh lý tưởng vị tha của tình yêu.
Khoảng 40% nạn nhân nữ bị sát hại bởi bạn đời/ bạn trai cũ hoặc người yêu vào thời điểm hiện tại. Mái ấm cũng có thể trở thành nơi nguy hiểm đối với phụ nữ (cũng như trẻ em). Hầu hết các vụ tội phạm giết người được nam giới thực hiện sau khi bị bạn gái/vợ có ý định chia tay, hầu hết các vụ giết người do phái nữ thực hiện là để bảo vệ bản thân khi bị bạo lực gia đình nghiêm trọng.
Trong hầu hết mọi trường hợp, những kẻ sát nhân này đều cho rằng hành động khủng khiếp của mình là do họ “yêu quá nhiều”. Tất nhiên, giết người mình yêu chắc chắn không thể hiện “tình yêu nồng nhiệt" của họ; mà nó cho ta thấy mặt tối của tình yêu khi ham muốn chiếm hữu và chủ nghĩa cực đoan chiếm lấy con người ta. Tình yêu này chẳng khác gì khi những kẻ độc tài nói rằng anh ta “yêu nhân dân của mình quá nhiều”vậy. Lili Ben-Ami đã nói rất đúng, “người đàn ông giết vợ mình giống như một con ký sinh. Anh ấy cần sự hiện diện của cô ấy mọi lúc để sống. Đó là biểu hiện của chứng nghiện kiểm soát. Để loài "ký sinh trùng" ấy bám vào người vợ là điều cực kì nguy hiểm cho cả hai bên.”
Trên thực tế, hành vi lệch lạc những kẻ sát nhân thậm chí còn có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng lãng mạn mà xã hội đã xây dựng nên. Nếu người tình của hắn “là tất cả”, và thực sự, “hai người không thể sống thiếu nhau,” thì người vợ, người mà hắn ta coi như lẽ sống, sẽ bị trói buộc vào với hắn. Trớ trêu thay, tư tưởng lãng mạn lại có thể hủy hoại tình yêu và tạo ra những hành vi lệch chuẩn xã hội
Liệu Lý Tưởng Hóa Tình Yêu Có Lợi Hay Không?
"Em sẽ mãi mãi là của anh, bởi trong tình yêu thời gian không tồn tại" —Barbra Streisand
Hầu hết chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của tư tưởng lãng mạn. Các phương tiện truyền thông đại chúng và các bộ phim Hollywood liên tục nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu là thứ duy nhất chúng ta cần, trong khi thực tế vẫn có vô số người không hạnh phúc trong tình yêu. Hơn nữa, khi nhìn vào số liệu thống kê của bệnh trầm cảm và tự tử liên quan tới thất tình, chúng ta sẽ hiểu về điều gì sẽ xảy ra khi "thứ duy nhất chúng ta cần" bị tước đi.
Tuy nhiên, Tư tưởng Lãng mạn vẫn có những lợi thế nhất định.Những ảo tưởng tích cực (khiến chúng ta nhìn nhận về người yêu của mình một cách tích cực hơn thực tế) giúp duy trì và nâng cao tình yêu của chúng ta. Điều đó cũng giúp ta bỏ qua những khía cạnh khó chịu của thực tế, và giữ một thái độ tích cực. Tương tự, niềm tin vào tình yêu vĩnh cửu cũng khuyến khích chúng ta nỗ lực nhiều hơn trong các mối quan hệ của mình, từ đó làm việc gặp được đối tượng lý tưởng trở nên dễ dàng hơn.
Tư tưởng Lãng mạn và việc đắm chìm trong những ảo tưởng tích cực làm ta muốn tìm kiếm tình yêu lãng mạn hơn, vì vậy nó có thể làm tăng cơ hội thành công trong chuyện tình cảm. Sự lạc quan có thể biến ước vọng tình yêu của bạn thành sự thật. Tuy nhiên, bản chất phi thực tế của tư tưởng lãng mạn và những ảo tưởng tích cực có thể làm ta né tránh việc phải đối mặt với vấn đề thực sự trong mối quan hệ của mình.
Sự kỳ diệu của tư tưởng lãng mạn ngày nay đã không còn nữa; mặc dù “tình yêu hoàn hảo” vẫn hấp dẫn và quyến rũ chúng ta, nhưng hy vọng về việc thực sự đạt được nó đã giảm đi đáng kể. Kết quả là ta cảm thấy hụt hẫng và bất mãn bởi tình yêu thực tế của chúng ta không lãng mạn như trên phim ảnh
Sự Tiến Hóa Của Tư Tưởng Lãng Mạn
"Bạn phải thức dậy mỗi sáng với nụ cười trên môi để cho cả thế giới biết rằng bạn đang yêu."
— Carole King
Tư tưởng Lãng mạn cho rằng tình yêu là vĩnh cửu và độc quyền. Tiêu chuẩn này đã tạo ra nhiều khó khăn cho chúng ta. Theo thời gian, nhận thức về tình yêu vĩnh cửu và độc quyền đã giảm dần do hai yếu tố quan trọng: ly hôn đã trở nên dễ dàng hơn và có nhiều kiểu tình cảm lãng mạn mới được sản sinh. Những phát triển này đã làm tăng tính đa dạng và linh hoạt của các mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Eight Match về những người độc thân ở Mỹ chỉ ra rằng: 69% người độc thân ngày nay đang tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc, đồng thời cũng muốn trải nghiệm những cuộc phiêu lưu tình cảm không lâu dài.
Ngày nay, bên cạnh sự đa dạng và linh hoạt hơn của lãng mạn, còn có một sự phát triển khác rất đáng ngạc nhiên: sự hiện diện của một kiểu lãng mạn hời hợt. Những trải nghiệm lãng mạn thường được trải nghiệm một cách chậm rãi. Tuy nhiên, xã hội hối hả hiện nay làm ta cũng yêu theo kiểu thật “nhanh nhẩu đoảng”. Những người chậm chạp, sâu sắc hoặc lớn tuổi cũng trở thành nạn nhân của tốc độ nhanh chóng này. Mạng xã hội đã làm cho kết nối giữa mọi người trở nên nhanh hơn và kém sâu sắc hơn, làm giảm sự lãng mạn và làm tăng sự cô đơn. Điều này không bắt nguồn từ việc thiếu kết nối xã hội, mà là ta không tương tác với nhau một cách sâu sắc và có ý nghĩa.
Tại xã hội ngày nay, khi chúng ta càng tiếp xúc với nhau hời hợt hơn, thì sự sâu sắc trong một cuộc tình lãng mạn lại càng có giá trị hơn. Ngày nay, thứ chúng ta cần không phải là những trải nghiệm thú vị, ngắn ngủi như trong phim ảnh để trở nên hạnh phúc hơn, mà là khả năng thiết lập và tăng cường các mối quan hệ lãng mạn, bền chặt và lâu dài.
-----------
Tác giả: Aaron Ben-Zeév Ph.D.
Link bài gốc: Why "Love Like in the Movies" Can Be Dangerous
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hoa - ToMo - Learn Something New
Theo tamlyhoctoipham.com