Tội Phạm Kinh tế

Những đặc trưng của tội phạm kinh tế trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay

 12/07/2018 1:39:29 SA |  Admin |   1076 lượt xem

(toipham.net) - Tội phạm kinh tế (TPKT) là sự biểu hiện tập trung nhất của những nhân tố tâm lý - xã hội tiêu cực trong quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia. Quy luật phát sinh, phát triển của TPKT phản ánh mối liên hệ bên trong cơ bản giữa các yếu tố nội tại của hiện tượng tội phạm. Nó chi phối sự phát triển tất yếu của TPKT trong từng thời kỳ nhất định.1

Nghiên cứu những đặc trưng của TPKT trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay có vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp cho việc xác định chính xác cơ chế phát sinh, phát triển TPKT mà còn tạo ra tiền đề cần thiết để xây dựng các chủ trương, phương hướng phòng ngừa, đấu tranh chống TPKT có hiệu quả và bám sát thực tiễn.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu quy luật phát sinh, phát triển TPKT, đa số đều tiếp cận thông qua phân tích các nguyên nhân, điều kiện của tình hình TPKT theo từng lĩnh vực (nguyên nhân về kinh tế - xã hội; về cơ chế, chính sách; về tâm lý - xã hội; về công tác tổ chức cán bộ; về bất cập của công tác đấu tranh…).2 Việc chỉ ra nguyên nhân, điều kiện của TPKT theo từng lĩnh vực như trên có ý nghĩa xác định các biện pháp cụ thể trong phòng ngừa TPKT. Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại chưa chỉ rõ các đặc trưng mang tính quy luật của TPKT, đặc biệt là các quy luật quyết định sự tồn tại, thay đổi, phát triển, tăng giảm của tội phạm.

“Đặc trưng cơ bản của nhận thức khoa học chính là quá trình nhận thức từ các quy luật”3 và “trên cơ sở nhận thức các quy luật để tìm ra con đường hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề nghiên cứu.”4 Qua nghiên cứu tình hình TPKT trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, có thể xác định quá trình phát sinh, phát triển của TPKT mang những đặc trưng cơ bản sau đây:

1. Đặc trưng phụ thuộc và “tránh né” của hành vi phạm tội kinh tế

Đặc trưng này bao gồm hai khía cạnh.

Một là, TPKT ở trong giai đoạn nào sẽ phụ thuộc vào các chính sách kinh tế, công cụ quản lý kinh tế, cơ chế vận hành nền kinh tế của quốc gia trong giai đoạn đó. Có thể nói, chỉ cần một chính sách kinh tế mới ra đời, đời sống kinh tế - xã hội xuất hiện một quy định mới, sẽ nảy sinh những hành vi phạm tội kinh tế mới tương ứng. Ví dụ: Ở Việt Nam, trong vài năm đầu áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997 có chính sách cho phép khấu trừ thuế đầu vào theo tỷ lệ % (còn gọi là khấu trừ khống). Lợi dụng quy định này, các đối tượng đã khai khống về số lượng, quay vòng hàng nông sản xuất khẩu, lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Hành vi kinh tế hợp pháp tất yếu phải được tiến hành trong phạm vi pháp luật không cấm, được điều chỉnh bởi các chính sách, công cụ quản lý kinh tế và tuân thủ cơ chế chung trong vận hành nền kinh tế. Do vậy, giữa hành vi kinh tế và các chính sách, công cụ, cơ chế vận hành nền kinh tế có quan hệ phụ thuộc tương ứng. Theo đó, tất cả đặc trưng của các chính sách, công cụ và cơ chế vận hành nền kinh tế đều phản ánh lên các hành vi kinh tế cụ thể. Giả dụ không có chế độ tài chính và hệ thống tài chính, thì tất yếu sẽ không tồn tại cái gọi là hoạt động tài chính; không có quy định về quản lý kinh doanh, thì sẽ không có hoạt động đăng ký kinh doanh của các pháp nhân với tư cách là chủ thể của thị trường. Tương tự như các hành vi kinh tế hợp pháp, TPKT với tư cách là hành vi “phản kinh tế”5 cũng tất yếu phát sinh và tồn tại dựa vào các chính sách, công cụ quản lý kinh tế và cơ chế vận hành nền kinh tế. Giả dụ, trong lĩnh vực ngân hàng không sử dụng thẻ tín dụng, chứng thư tín dụng thì tất nhiên sẽ không có tội phạm về thẻ tín dụng; không có quy tắc giao dịch hợp đồng, tất yếu sẽ không tồn tại tội phạm lừa đảo lợi dụng hình thức hợp đồng… Có thể nói, TPKT đã lấy chính sách kinh tế, công cụ kinh tế và cơ chế vận hành nền kinh tế làm “vật chủ” để dựa vào đó mà tồn tại và phát triển. Điều đó thể hiện sự phụ thuộc chặt chẽ của TPKT vào các chính sách kinh tế, công cụ, cơ chế vận hành nền kinh tế.

Hai là, TPKT thường biểu hiện dưới dạng các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, để đạt đến mục đích phi pháp của tội phạm, thì các đối tượng phạm tội lại luôn luôn “tránh né” các chính sách, công cụ và cơ chế quản lý kinh tế. Sự “tránh né” này được thực hiện trên cơ sở am hiểu chính sách, nắm vững công cụ, cơ chế quản lý kinh tế và thành thạo trong tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, tính “trí tuệ”, tính nghiệp vụ kinh tế, sự tinh vi, xảo quyệt của TPKT chính là sự phản ánh tất yếu quy luật phụ thuộc và “tránh né” này của hành vi phạm tội kinh tế.

Đặc trưng phụ thuộc và “tránh né” của TPKT cho thấy: TPKT phụ thuộc chặt chẽ vào sự phát triển của các hoạt động kinh tế. Mức độ tự do của đời sống kinh tế quyết định trình độ phát triển của TPKT. Mức độ hiện đại hóa của nền kinh tế quyết định trình độ chuyên nghiệp hóa của TPKT. Mức độ phát triển của các công cụ quản lý kinh tế quyết định sự đổi mới của phương thức, thủ đoạn hoạt động của TPKT. Đến lượt mình, trình độ phát triển của TPKT sẽ quyết định các lĩnh vực hoạt động của tội phạm này. Cùng với điều đó, khi TPKT biểu hiện ra bên ngoài dưới hình thức của các hoạt động kinh tế, nó luôn luôn “tránh né” các hoạt động quản lý kinh tế. Chính sự “tránh né” này của TPKT đã quyết định tính “trí tuệ”, tính chuyên nghiệp, tính tinh vi, xảo quyệt, tính nghiệp vụ kinh tế của TPKT.

Trong công tác phòng ngừa và điều tra TPKT, việc nhận thức rõ quy luật trên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó yêu cầu chúng ta phải nghiên cứu sâu sắc những nhân tố liên quan đến tình hình TPKT. Trong đó, chú trọng đến sự ảnh hưởng của việc xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ, cơ chế vận hành nền kinh tế đối với hoạt động của TPKT để đề ra những đối sách chống tội phạm có tính khả thi và tính chiến lược. Quy luật này cũng đòi hỏi lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống TPKT phải không ngừng nâng cao năng lực chiến đấu. Cán bộ làm công tác đấu tranh chống TPKT không chỉ cần am hiểu nghiệp vụ quản lý kinh tế, các chính sách và quá trình vận hành kinh tế mà còn cần có năng lực phân tích, đánh giá, phân biệt các hành vi kinh tế hợp pháp với các hành vi TPKT thể hiện dưới vỏ bọc của các hành vi kinh tế thông thường.

2. Đặc trưng về diễn biến (sự tăng, giảm, hay ổn định tương đối) của tình hình tội phạm kinh tế

Xem xét tình hình TPKT trong xã hội, ta sẽ thấy, nó không phải luôn luôn ở trạng thái tĩnh mà ngược lại nó luôn ở xu thế động, tùy từng giai đoạn lịch sử, có thể ở trạng thái tăng hoặc giảm với các mức độ khác nhau.6

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phát sinh, phát triển của TPKT do rất nhiều nhân tố khác nhau gây nên, từ các nhân tố tiêu cực của xã hội, môi trường sống, hạn chế về văn hóa, giáo dục… đến các nhân tố xuất phát từ chính bản thân người phạm tội.7 Chúng tôi gọi lực tổng hợp của các nhân tố tiêu cực làm phát sinh, phát triển TPKT là “lực phát sinh tội phạm”. Ngược lại, trong xã hội còn song song tồn tại các nhân tố tích cực có tác dụng khống chế, kiểm soát và hạn chế, đẩy lùi TPKT. Đó là các nhân tố như các biện pháp kiểm soát tội phạm của nhà nước và các thiết chế xã hội, hiệu quả của công tác quản lý kinh tế, công tác đấu tranh của cơ quan Cảnh sát, ý thức phòng ngừa tội phạm của công chúng, hệ thống pháp  luật… Chúng tôi gọi lực tổng hợp của những nhân tố tích cực này là “lực kiểm soát tội phạm”.  Như vậy, sự thay đổi, tăng, giảm của TPKT được quyết định bởi kết quả của sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm. Khi lực phát sinh TPKT lớn hơn lực kiểm soát tội phạm thì tình hình TPKT sẽ gia tăng và ngược lại. Khi lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm ở thế cân bằng thì tình hình TPKT sẽ ở trạng thái ổn định tương đối. Cơ chế tác động của quy luật này làm cho hiện tượng TPKT trong một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nhất định có thể tăng, giảm hoặc ở trạng thái tương đối cân bằng. Nói cách khác, sự thay đổi của lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm của TPKT quyết định diễn biến tình hình TPKT. Chính điều này cũng tạo nên tính chu kỳ và tính liên tục của tình hình TPKT.

Trong giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tức là trong thời kỳ cơ chế vận hành và thể chế của nền kinh tế thị trường bắt đầu được xác lập, tổng thể trình độ phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cơ chế quản lý kinh tế còn ở trình độ tương đối thấp. Trong giai đoạn này, lực phát sinh tội phạm của TPKT lớn hơn lực kiểm soát tội phạm. Do vậy, tình hình TPKT biểu hiện ở chiều hướng gia tăng, phát triển về mức độ, phức tạp, nghiêm trọng về tính chất. Khi nền kinh tế thị trường XHCN đi vào giai đoạn phát triển ổn định, quá trình thể chế hóa, chế độ hóa nền kinh tế đã tương đối hoàn thiện, cơ chế quản lý kinh tế được tương đối kiện toàn, đời sống kinh tế và chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tổng thể phát triển của nền kinh tế - xã hội được nâng cao ở mức độ đáng kể, thì khi đó lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm của TPKT đạt tới trạng thái cân bằng hoặc lực phát sinh tội phạm yếu hơn lực kiểm soát tội phạm. Những điều kiện đó tất yếu dẫn đến tình hình TPKT sẽ đi vào trạng thái ổn định hoặc có chiều hướng giảm xuống rõ rệt. Nhận thức và nắm vững quy luật này, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát kinh tế phải phân tích và nghiên cứu thấu đáo các nhân tố cấu thành lực phát sinh tội phạm, không ngừng đề cao và tăng cường lực kiểm soát tội phạm đối với TPKT, đồng thời căn cứ vào sự biến đổi có tính chu kỳ của TPKT mà chế định các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả.

3. Đặc trưng về sự ảnh hưởng và “lây lan” của phương thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế

Ngày nay, toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế là đặc trưng và xu hướng phát triển phổ biến của nền kinh tế thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt qua mọi biên giới quốc gia, khu vực, đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong quá trình vận động phát triển.8 Do vậy, các yếu tố như kết cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng, chính sách tài chính, tiền tệ, đầu tư, quan hệ cung cầu… của một quốc gia chịu ảnh hưởng của những biến động kinh tế quốc tế ngày càng lớn. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính lan truyền khắp khu vực Đông Nam Á vào năm 1997 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới đã làm cho các quốc gia nhận thức ngày càng rõ ràng hơn nguy cơ đối mặt với những rủi ro từ bên ngoài cũng như tính nhạy cảm của TPKT và khủng hoảng kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa.

Như trên đã khẳng định, hoạt động của TPKT và quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường có mối tương quan chặt chẽ, trong đó TPKT là sự phản ánh một cách tổng hợp các nhân tố tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi điều kiện vận hành nền kinh tế của những quốc gia nào có sự tương đồng và phụ thuộc lẫn nhau, thì phương thức, thủ đoạn của TPKT ở các quốc gia đó cũng ảnh hưởng lẫn nhau và tồn tại những điểm chung phổ biến. Ngoài ra, phương thức, thủ đoạn mới của TPKT thường xuất phát từ những nền kinh tế tương đối phát triển, thông qua sự thâm nhập, mô phỏng, mà lây lan, phát tán đến các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn của nước ta, sau đó dẫn đến các phản ứng dây chuyền, lan tỏa đến các thành phố kém phát triển hơn và vùng nông thôn.

Nhận thức được đặc trưng này, đòi hỏi chúng ta cần xuất phát từ góc độ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế để đánh giá, nhận định sự ảnh hưởng, lây lan cũng như mức độ nguy hại của TPKT trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển toàn cầu hóa kinh tế, sự lưu chuyển của các dòng vốn và lao động trên phạm vi toàn cầu đã tạo ra cho các TPKT xuyên quốc gia có không gian để sinh tồn và điều kiện để phát triển. Do vậy, chúng ta cần thông qua việc nghiên cứu lịch sử phát triển của TPKT ở các quốc gia đi trước, đã trải qua giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, để tiến hành nghiên cứu, dự báo đón trước, đi đầu, từ đó đề ra các giải pháp đấu tranh với TPKT bám sát thực tiễn đất nước, đồng thời không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Trên đây là một số đặc trưng nổi bật của TPKT trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta giai đoạn hiện nay, tác giả nêu ra để bạn đọc cùng trao đổi. Xem thêm tội phạm học

Tội Phạm Kinh tế liên quan

Tham 4 triệu đồng, giám đốc doanh nghiệp mất 500 triệu

Tham 4 triệu đồng, giám đốc doanh nghiệp mất 500 triệu  1314

 01/08/2018 11:05:27 CH

Nghe lời và cho mượn tư cách pháp nhân để xuất khẩu hàng, một giám đốc doanh nghiệp phải ra tòa. May mắn là HĐXX đã chuyển hình thức phạt tù thành phạt tiền.

Xem chi tiết 
Gay cấn số phận của nhiều đại gia trước khi tòa tuyên án ông Trầm Bê

Gay cấn số phận của nhiều đại gia trước khi tòa tuyên án ông Trầm Bê  1341

 01/08/2018 11:05:25 CH

Đại gia Trầm Bê mong HĐXX xem xét ra một phán quyết đúng đắn, nhân đạo để ông sớm được hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho xã hội.

Xem chi tiết 
Thông tin bất ngờ vụ án tại Ngân hàng Đông Á

Thông tin bất ngờ vụ án tại Ngân hàng Đông Á  1572

 31/07/2018 10:43:04 CH

VKSND Tối cao đã trả hồ sơ yêu cầu Bộ Công an làm rõ một số vấn đề then chốt của vụ án cũng như xem xét hành vi, tội danh của những người liên quan

Xem chi tiết 
Đại gia Trầm Bê bất ngờ

Đại gia Trầm Bê bất ngờ "cải chính" tại tòa  1073

 31/07/2018 10:43:02 CH

Đại gia Trầm Bê cho rằng nếu VKS cho rằng ông sai thì ông cũng không dám phản biện và xin nói rõ thêm một số vấn đề về hành vi của mình.

Xem chi tiết 
Cổ đông kiện Chủ tịch HĐQT Công ty An Thịnh

Cổ đông kiện Chủ tịch HĐQT Công ty An Thịnh  1146

 20/07/2018 1:56:13 CH

Cho rằng vợ chồng Chủ tịch HĐQT Công ty An Thịnh mua bán 354.000 cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu vốn, thao túng công ty nên nhóm cổ đông khởi kiện.

Xem chi tiết 
Viết giấy cam kết vay 9 tỉ đồng rồi bỏ trốn

Viết giấy cam kết vay 9 tỉ đồng rồi bỏ trốn  1675

 20/07/2018 1:56:12 CH

(NLĐO)- Đối tượng bị truy nã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phương thức mà đối tượng này sử dụng là viết giấy cam kết và vay mượn gần 9 tỉ đồng.

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  2634
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  2528
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  3195
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  2623
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  2607
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...