PGS. TS Sylvia L. Mikucki-Enyart, chuyên gia hôn nhân - gia đình, biên tập viên tạp chí Truyền thông Gia đình, Mỹ cho biết khi mới bắt đầu giảng dạy, bà từng thấy sinh viên đến trường vào ngày nghỉ vì muốn chạy trốn khỏi bầu không khí của một gia đình "bố mẹ sắp ly hôn".
Tình cảnh này không xảy ra ở mọi người con, nhưng thường xuyên đến mức chuyên gia quyết định thực hiện một nghiên cứu bằng cách phỏng vấn những người con có cha mẹ ly hôn.
Ảnh minh họa: Stopbuggingme
Bà nhận thấy thường thì những đứa con đã trưởng thành tức giận vì phải chờ đợi rất lâu cha mẹ mới ly hôn. Một số tự hỏi liệu tuổi thơ của mình có toàn dối trá và sẽ khác thế nào nếu cha mẹ ly hôn từ khi họ còn nhỏ.
Dù nhiều người quyết định không ly hôn vì con, nhưng duy trì một cuộc hôn nhân đầy xung đột hoặc không hạnh phúc sẽ gây ra những hậu quả lâu dài, tiêu cực, ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Sylvia L. Mikucki-Enyart chỉ ra ba hậu quả đối với những đứa con.
Mắc kẹt
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ trong gia đình có đủ bố mẹ nhưng nhiều xung đột thường thấy mình phải chịu đựng cảm giác mắc kẹt nhiều hơn cả.
Vợ chồng mâu thuẫn thường không giỏi che giấu cảm giác khinh thường với đối phương. Không những thế, họ còn hay lôi kéo con vào xung đột, muốn con đứng về phía mình chống lại người kia.
Kết quả là đứa trẻ bị giằng co giữa cha và mẹ, khiến mối quan hệ của chúng với người sinh thành bị tổn hại, đứa trẻ thường tránh xa cha mẹ, giảm sự hài lòng và gần gũi họ.
Trẻ phải trưởng thành sớm
Nuôi dạy con theo cảm xúc, cụ thể là dựa vào con về mặt tinh thần là hành vi hủy hoại. Họ có thể tiết lộ những thông tin không phù hợp với con, kể cả việc cãi nhau, mong ly hôn hoặc coi thường bạn đời như thế nào.
Khi mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cha mẹ vô tình mong đợi hoặc yêu cầu con đảm nhận vai trò của người lớn. Họ cũng tìm kiếm sự an ủi và trấn an từ con về quyết định tiếp tục mối quan hệ, buộc đứa trẻ phải từ bỏ nhu cầu bản thân để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ.
Một đứa trẻ được nuôi dạy như vậy sẽ chịu tác động tiêu cực lâu dài, dẫn đến thiếu khả năng điều tiết cảm xúc, gián đoạn mối quan hệ với bạn bè và trầm cảm.
Không hiểu gia đình hạnh phúc là thế nào
Cha mẹ là hình mẫu để con cái nhìn vào. Nếu tiếp tục cuộc hôn nhân không hạnh phúc với lý do vì con, họ vô tình khiến con không thể hình dung một mối quan hệ hoặc một cuộc hôn nhân phải thế nào. Vì vậy, đứa trẻ khi lớn lên rất dễ duy trì những mối quan hệ tương tự, tiếp diễn hình mẫu của cha mẹ mình.
Ngoài ra, chứng kiến xung đột thường xuyên hoặc khủng hoảng hôn nhân, trẻ không học được kỹ năng quản lý xung đột hoặc có những thói quen có hại như tránh né, thậm chí bạo lực, bốc đồng.
Cách giải quyết xung đột và giao tiếp kém như vậy tác động lâu dài và ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ, làm mất khả năng duy trì mối quan hệ lành mạnh với người yêu và bạn bè.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)/VNE
Theo tamlyhoctoipham.com